Hoàn thành tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông

ANTĐ - Với tổng kinh phí đầu tư lên tới  75 tỷ đồng, pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông đúc nguyên khối, chất liệu đồng, chiều cao 12,6m, nặng 138 tấn đang được khẩn trương hoàn thiện những công đoạn cuối cùng cho ngày khánh thành, dự kiến diễn ra ngày 2-12 tới tại đỉnh An Kỳ Sinh thuộc khu di tích danh thắng Yên Tử - Quảng Ninh.

Phối cảnh tượng Phật hoàng trên đỉnh An Kỳ Sinh sau khi hoàn thiện

Không giống như chùa Đồng được đúc thành từng cấu kiện rồi vận chuyển lên núi và lắp ghép, bức tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đỉnh An Kỳ Sinh lại được đúc liền khối, tức là các nghệ nhân đến từ làng Đại Bái- Bắc Ninh và Ý Yên- Nam Định đã tiến hành đúc tượng ngay trên bệ bê tông. Lò nấu đồng nằm trên giàn giáo thép, bố trí trên 4 tầng, xung quanh khuôn tượng, dẫn trực tiếp nước đồng vào khuôn theo hệ thống máng chảy. 

Thượng tọa Thích Thanh Quyết - Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh kể, do khối lượng đồng đúc tượng lớn (trên 138 tấn), chiều cao tượng 12,6m và tượng để ngoài trời nên “thịt” đồng phải dày trung bình 4cm. Trong quá trình thi công nơi “lưng chừng trời”, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mặt bằng thi công hẹp, Ban Quản lý dự án đã phải thay đổi phương án đến hơn chục lần, bên cạnh đó, cũng phải tiến hành đúc thử 2 lần. Lần đầu (3 tấn) để khẳng định khả năng nấu chảy đồng trên độ cao 920m, khả năng chịu nhiệt của bệ tượng (nơi tiếp giáp đồng với khuôn, bệ bê tông). Lần thứ 2 để kiểm tra khả năng nấu chảy của lò (7 tấn), hệ thống gió, móng lò, hệ thống dẫn chảy đồng, hệ thống đóng mở cửa lò, điều khiển nhiệt độ đồng.

Tượng Phật hoàng nhìn ra vùng núi rừng Yên Tử rộng lớn

Tính tới ngày 10-11, toàn bộ việc đúc tượng, xây dựng bệ tượng đã hoàn tất. Các đơn vị thi công đang khẩn trương tiến hành việc chỉnh trang cảnh quan. Ban đầu, khi dựng tượng nhiều người tỏ ý nghi ngờ công trình khổng lồ này sẽ phá vỡ cảnh quan di tích, song cho tới thời điểm hiện tại có thể khẳng định, bức tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đỉnh An Kỳ Sinh không những không phá vỡ cảnh quan mà còn tô điểm thêm cho vẻ đẹp nơi non thiêng, góp phần hình thành nên một chuỗi các công trình tâm linh tại di tích Yên Tử ngay sau khi khánh thành và đón khách tới chiêm bái.

Thượng tọa Thích Thanh Quyết cho biết thêm, ban đầu, cả hội đồng duyệt tượng đã thống nhất chọn bức tượng Phật hoàng ở tư thế đứng, một tay chống gậy trúc, một tay chắp trước ngực. Nhưng rồi, căn cứ vào điều kiện thực địa, tư liệu lịch sử, cuối cùng lựa chọn phương án, lấy bức tượng Phật hoàng đang tọa thiền tại Vườn tháp chùa Hoa Yên để làm nguyên mẫu, phóng tác, thay đổi một vài chi tiết cho phù hợp với không gian rộng lớn, các tiêu chí về tư thế, diện mạo và thần thái giữ nguyên hoàn toàn.

Lễ khánh thành bảo tượng Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông tại non thiêng Yên Tử dự kiến sẽ diễn ra trùng với Đại lễ tưởng niệm 705 năm ngày Nhập Niết Bàn được tổ chức từ ngày 1 đến 3-12. 

Bảo tượng Phật hoàng Nhân Nhân Tông vừa hoàn thành hội tụ nhiều kỷ lục. Đây là lần đầu tiên đúc tượng trực tiếp trên vị trí núi đá cao gần 1.000m so với mực nước biển. Địa bàn thi công hiểm trở, mưa mây mù ẩm ướt quanh năm. Tượng có hệ thống gân chống co, ngót, xé rách. Nồi đồng có dung lượng lớn 7 tấn, “Ram” đồng ngay tại lò. Rót đồng trực tiếp vào khuôn không qua lù trung gian, tượng được thiết kế phù hợp với khí hậu biển, nóng ẩm. 

Trong thời gian tới, toàn bộ các hệ thống di tích tại Yên Tử (Uông Bí) và di tích Nhà Trần (Đông Triều) sẽ được triển khai bảo tồn tôn tạo đồng bộ. Trong đó bao gồm các tiểu dự án như tôn tạo am Dược Sư, chùa Một Mái, tháp Tổ, quy hoạch chùa Hoa Yên, chùa Vân Tiêu, chùa Trình. Dự án xây dựng khu tâm linh lễ hội Yên Tử, đền Thái Miếu, chùa Quỳnh Lâm, chùa Hồ Thiên…