Hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt của Đại tướng giao

ANTĐ - Trong tâm khảm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hang Cốc Bó (Cao Bằng) là ngọn nguồn cách mạng, là di tích lịch sử cách mạng hàng đầu. Những năm tháng cuối đời, Đại tướng đau đáu khôn nguôi với việc bảo tồn, tôn tạo hang Cốc Bó. Năm 2004, những người lính Công binh được Đại tướng tin tưởng trao nhiệm vụ đặc biệt này…

Ngay sau khi được giao nhiệm vụ, Thiếu tướng Hoàng Kiền cùng Đại tá Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn khảo sát thiết kế Công trình Quốc phòng khẩn trương lên đường tới Cao Bằng.

Tới Pác Bó, đoàn công tác thấy ngay nhiều hạng mục trong khu di tích đang bị hư hỏng cần phải tôn tạo như: Hang Cốc Bó, núi Các Mác, suối Lê-nin, bàn đá Bác Hồ “dịch sử Đảng”, nhà ông Lý Quốc Súng - nơi Bác Hồ ở trước khi chuyển tới hang Cốc Bó… Đặc biệt, hang Cốc Bó có nhiều tảng đá sập, nằm chình ình giữa lòng hang. Để Đại tướng nắm rõ hơn tình hình, ông Kiền cẩn thận cho quay phim các nội dung cần thiết tại khu di tích.

Kiểm tra các tảng đá bị sập che lấp lòng hang. Ảnh tư liệu.
Kiểm tra các tảng đá bị sập che lấp lòng hang. Ảnh tư liệu.

Đúng hẹn, ngày 15-5-2004, Thiếu tướng Hoàng Kiền báo cáo Đại tướng. Đại tướng chăm chú nghe báo cáo và theo dõi băng ghi hình. Càng xem, nét đăm chiêu càng hiện lên rõ hơn trên gương mặt Đại tướng. Nhìn trên băng hình, Đại tướng nói: Hòn đá rơi chắn giữa lòng hang đúng vào chỗ Bác Hồ và Đại tướng nằm bàn bạc công việc năm xưa.

Dường như trong Đại tướng đang dâng lên một nỗi xót xa, nuối tiếc. Sau một hồi trầm ngâm, Đại tướng mới phát biểu, nhấn mạnh, đây là di tích lịch sử hàng đầu của Việt Nam. Bác Hồ sau 30 năm bôn ba khắp năm châu tìm đường cứu nước đã về nước năm 1941, điểm dừng chân đầu tiên là hang Cốc Bó.

Thiếu tướng Hoàng Kiền hồi tưởng và kể tiếp: “Đại tướng nói, “tôi đã đi đón Bác về nghỉ tại hang. Hai bác cháu nằm trong hang 7 đêm bàn bạc công việc. Tại hang này, Bác đã nói “Chú Văn ạ, làm cách mạng thì phải “dĩ công vi thượng".

Một điều khiến Thiếu tướng Hoàng Kiền bất ngờ là Đại tướng đã dự liệu luôn cả các vấn đề kinh phí, dự án. Đại tướng nói: “Về kinh phí, tôi sẽ gửi thư đến Thủ tướng Phan Văn Khải và đề nghị giao công việc này cho Bộ Quốc phòng và các đồng chí”.

Ít lâu sau, Thiếu tướng Hoàng Kiền được Đại tướng Phạm Văn Trà, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi đó gọi lên giao nhiệm vụ. Bộ trưởng Phạm Văn Trà cho biết, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có thư gửi Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng có văn bản nhất trí bố trí vốn ngân sách Nhà nước, giao cho Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ tư lệnh Công binh triển khai dự án. Vì là dự án sử dụng ngân sách Nhà nước nên các cơ quan chức năng thống nhất giao cho Sở Văn hóa Thông tin Cao Bằng làm chủ đầu tư, Bộ tư lệnh Công binh, trực tiếp là Công ty xây dựng Lũng Lô (Binh chủng Công binh) làm nhà thầu thi công.

Đầu năm 2006, bộ đội công binh bắt tay vào cuộc, tôn tạo các hạng mục di tích lịch sử Pác Bó và hang Cốc Bó. Đại tá Nguyễn Thanh Sơn kể lại, một trong những công việc khó khăn nhất là “xử lý” hòn đá rơi sập chình ình trong lòng hang. Nó rất lớn, khiêng đẩy ra không được. Dùng thuốc nổ lại càng không. Bộ đội công binh phải dùng thiết bị ép hơi khoan đá và búa chèn để chẻ hòn đá nhỏ ra rồi chuyển ra ngoài. Sau đó, lại phải dùng khung bằng thép đổ bê tông hàn vết nứt trên trần hang. Ai cũng chạy đua với thời gian làm việc thật nhanh, thật tốt để sớm báo công với Đại tướng.

Tháng 5-2007, việc khôi phục hang được hoàn thành, sớm hơn so với dự kiến 5 tháng. Đại tá Nguyễn Thanh Sơn thay mặt Bộ tư lệnh Công binh tới báo cáo công việc với Đại tướng. Xem băng ghi cảnh công trình hoàn thành, Đại tướng rất vui, nở nụ cười rạng rỡ.