Hoài niệm tò he

(ANTĐ) - Tò he, thứ đồ chơi dân gian được làm từ bột hấp chín, nhuộm màu sặc sỡ với hình ảnh con giống ngộ nghĩnh có thể vừa chơi, vừa ăn được luôn là thứ quà mà xưa kia, lũ trẻ con chúng tôi luôn mong được nhận từ người lớn. Giờ, tìm đỏ mắt mới thấy một người bán tò he đạp xe trên  phố.

Hoài niệm tò he

(ANTĐ) - Tò he, thứ đồ chơi dân gian được làm từ bột hấp chín, nhuộm màu sặc sỡ với hình ảnh con giống ngộ nghĩnh có thể vừa chơi, vừa ăn được luôn là thứ quà mà xưa kia, lũ trẻ con chúng tôi luôn mong được nhận từ người lớn. Giờ, tìm đỏ mắt mới thấy một người bán tò he đạp xe trên  phố.

Công viên Thủ Lệ, vài năm trước từng được coi là “Vương quốc tò he”, giờ đi mỏi chân mới thấy duy nhất một người, ngồi nép mình bên rệ đường nhỏ góc nhỏ công viên. Công viên sáng chủ nhật ngày hè, khá đông đúc, con đường nhỏ, nơi anh Đặng Văn Thả bày tò he bán đông người qua lại, phần lớn là trẻ con, nhưng không có nhiều người dừng lại bên những con giống xinh xinh bằng bột của anh.

Thế nhưng, bàn tay anh không lúc nào nghỉ, cứ thoăn thoắt cho ra đời nào Tôn Ngộ Không, nào Trư Bát Giới, rồi những con rồng, con phượng... Tôi để ý, cứ mỗi lần bán được một con tò he, anh lại nhìn vào mắt đứa trẻ hỏi:  “Cháu có thích không?”

Làng Xuân La, Phượng Dực, huyện Phú Xuyên là làng làm tò he nổi tiếng. Tương truyền rằng đã có tuổi nghề từ 300 đến 600 năm, có thời điểm gần như cả làng đi nặn tò he đem lên phố bán. Giờ trong làng chỉ còn 10 hộ còn theo nghề, giữ nghề, còn phần lớn đã chuyển sang nghề khác. Những năm trước, nghề truyền thống này đã nuôi sống được cả gia đình, giờ lời lãi chả được bao nhiêu, những ngày cuối tuần anh Thả cũng chỉ bán được từ 20-30 con.

Nhìn anh Thả nặn tò he chúng tôi như bị cuốn vào một trò vui hấp dẫn, bàn tay anh thoăn thoắt véo bột lúc kéo dài ra, lúc lại vo tròn vào chỉ một loáng đã ra hình hài của nhân vật, việc kết hợp mầu sắc sao cho sinh động là việc làm khó khăn nhất đòi hỏi người nghệ nhân phải có đầu óc tưởng tượng rất phong phú. Có điều lạ, trên giá hàng của anh còn có cả  siêu nhân, thủy thủ mặt trăng, Pokemon…, những nhân vật chủ yếu xuất hiện trong phim hoạt hình của Nhật Bản.

 Thấy chúng tôi ngạc nhiên, anh cười phân bua, “bây giờ bọn trẻ xem phim hoạt hình, đọc truyện tranh nhiều nên chúng có “thần tượng” của chúng, mình cũng phải xem, phải đọc để biết hình dáng những nhân vật đó như thế nào để còn biết đường chiều lòng khách. Trước đây tôi chỉ nặn những con giống quen thuộc như trâu, gà, ngựa, dê… bọn trẻ tân tiến mình cũng phải tân tiến theo”.

Phố xá Hà Nội giờ tấp nập người xe, hình ảnh những chiếc xe đạp, đằng sau là vô số con giống xanh đỏ, gần như không còn thấy trên phố khiến nhiều người Hà Nội bỗng thấy nhơ nhớ, bỗng thấy Hà Nội như đang mất đi một nét văn hóa dân gian độc đáo dẫu nhỏ, rất nhỏ thôi.  Cũng chả phải riêng chuyện tò he sắp biến mất, mà nhiều trò chơi dân gian khác của Hà Nội giờ đang mất dần đi. Chúng không chống lại được làn sóng đồ chơi nhập ngoại ào vào.

Lại cũng có lý do khác, Hà Nội đang chuyển mình lên một thành phố văn minh và hiện đại, đâu còn chỗ cho hàng rong. Hơn nữa, tò he không giống như những mặt hàng khác, nó là thứ đồ chơi được nặn rồi bán luôn cho khách, không phải là thứ được sản xuất hàng loạt rồi bày bán trong các cửa hàng ngày này sang ngày khác. Vì không có chỗ “an cư”, người muốn mua cũng không biết đi đâu mà mua, người muốn bán cũng không biết ngồi đâu mà bán.

Vẫn biết, những con tò he bé nhỏ, món quà mà những đứa trẻ con chúng tôi khi xưa luôn khát khao nay không còn hấp dẫn bằng những ô tô, máy bay điều khiển từ xa, hay những con thú nhồi bông thơm tho, xinh xắn… nhưng sao, tôi vẫn cứ nhớ mãi cái cảm giác đón nhận con tò he từ tay mẹ tôi mỗi khi bà lên phố về, cứ nhớ mãi cái hình ảnh những ông già ngồi trên hè phố, trước mặt là giá tò he muôn màu sắc, đám trẻ con vây quanh xem ông véo bột để loáng một cái con trâu ngộ nghĩnh, con gà mái mơ hiện ra, đứa nào đứa nấy, nhìn ông với ánh mắt ngưỡng mộ.

Vẫn biết, Hà Nội đã chuyển mình để bắt kịp với cuộc sống hiện đại, nhưng sao vẫn nhớ, vẫn yêu, vẫn khát khao một khoảng lặng, mà ở đó tôi được trở về với những gì thân thương nhất của tuổi thơ, tràn ngập trong những sắc màu của tò he. 

Quang Cường - Thanh Thuỷ