Hoài niệm quán ăn thời bao cấp

ANTĐ - Giữa cái nắng tháng tám “rám trái bưởi”, anh nhân viên trông xe bên ngoài quán ăn mang tên “Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37” vừa tất tả dắt xe cho khách vừa nói với những người mới đến giọng như hối lỗi: “Xin lỗi, đã hết chỗ”. Quả thật, trong thời buổi khó khăn hiện nay, sự nhộn nhịp của quán ăn này đã gây bất ngờ không chỉ cho riêng chúng tôi.

Hoài niệm quán ăn thời bao cấp  ảnh 1


Xếp hàng mua tem phiếu

Nhìn từ bên ngoài, “Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37” được thiết kế sơ sài song vẫn thu hút được sự chú ý của thực khách bởi chiếc xe đạp cũ treo ngay ngoài cửa, cạnh tấm biển đề tên cửa hàng được sơn màu xanh nhạt gắn trên bức tường đã ố màu thời gian. Một điều thú vị nữa là ở mặt tiền cửa hàng, quốc kỳ được treo trang trọng 24/24h. Vào bên trong, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy những đồ vật có từ thời bao cấp hiện diện ở khắp nơi, từ chiếc điện thoại cũ kỹ, chiếc máy chữ xỉn màu đến đôi dép cao su, chiếc quạt tai voi, quạt con cóc. Bên cạnh đó, trong cửa hàng, những dòng chữ viết vội, nguệch ngoạc đúng kiểu thời bao cấp với nội dung khá “hoài cổ”: “Quầy giải khát”, “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, “Ở đây có bán nước sôi”, “Ở đây tai vách mạch rừng. Có gì bí mật xin đừng nói ra”…cũng thu hút được sự chú ý của nhiều thực khách.

Để được phục vụ, khách phải đọc kỹ bảng nội quy của cửa hàng treo trên tường: Khi mua đồ ăn đồ uống tại cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37 quý khách hàng phải mua các loại tem phiếu để đổi lấy đồ ăn đồ uống tương ứng với các loại tem phiếu. Việc thanh toán cũng được thực hiện thông qua tem phiếu. Khi mua tem phiếu khách hàng phải xếp hàng theo thứ tự, không chen lấn xô đẩy. Cửa hàng ưu tiên cho khách có thẻ thương binh. Cửa hàng phát hành ra ba loại phiếu: Phiếu mua thực phẩm loại B1 - thanh toán các loại đồ ăn, phiếu mua đồ uống loại B, phiếu mua hàng công nghệ A - thanh toán cho đồ uống đặc biệt tại quầy giao tế. 

Sau khi đọc nội quy trên, dù phải xếp hàng khá lâu nhưng hầu kết thực khách đều tỏ ra vui vẻ.

Cầm tập tem phiếu trên tay, anh Lê Đình Hùng (ở phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm) cho biết, từ hôm nghe tin có quán ăn “thời bao cấp” mới mở, anh và bạn gái rất muốn đến ăn thử xem sự thể thế nào. Đây là lần thứ 3 anh Hùng đến quán ăn này nhưng 2 hôm trước do đi muộn lại không đặt chỗ trước nên anh đành phải quay về. “Bố mẹ tôi thường kể lại những câu chuyện về thời bao cấp khó khăn, nào là phải xếp hàng, phải mua tem phiếu, phải ăn cơm độn…Tôi dù đã nghe nhiều lần nhưng vẫn không thể tưởng tượng ra hết những vất vả mà thế hệ trước đã trải qua. Biết có quán ăn đặc biệt này, tôi muốn đến ăn thử để cảm nhận, sau đó đưa bố mẹ tôi đi ăn cùng. Dù có hơi nhỏ bé và chật chội song cách trang trí cùng những món ăn quán phục vụ khiến tôi thực sự bất ngờ”.

Những món ăn “hiếm có, khó tìm”

Dưa xào tóp mỡ, cá khô Mậu Dịch, bánh đúc tương, cơm độn khoai, phở trộn cơm nguội…là những món ăn có thể xa lạ với những người trẻ tuổi nhưng đối với những ai đã trải qua thời bao cấp, chúng lại khơi gợi nhiều nỗi niềm. Giá các món ăn dao động từ 30-60.000đ/món tùy theo lượng người ăn. Thú vị ở chỗ, đồ ăn tại “Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37” không chỉ được chế biến một cách khéo léo mà còn được bày biện trong những chiếc bát, đĩa bằng sứ, nhôm có tuổi thọ đến hàng chục năm. Nhân viên phục vụ quán cũng có trang phục độc đáo với áo phin nõn trắng, quần lụa đen tất tả phục vụ khách.  

Khi được hỏi về lý do mở cửa hàng ăn này, ông Phạm Quang Minh - chủ cửa hàng tâm sự, từ lâu ý định mở một hàng ăn tuy nhỏ nhưng chứa đựng nhiều kỷ niệm về thời ấu thơ đã nhen nhóm và ngày càng trở lên mãnh liệt trong ông. Để hiện thực hóa ý tưởng này, ông Minh đã cất công mày mò, sưu tập và nhặt nhạnh khắp nơi những vật dụng đặc trưng của thời bao cấp, từ những chiếc bát cũ kỹ tróc men đến những chiếc quạt gãy cánh long ốc…Nhiều bạn bè, người thân khi biết ý tưởng của ông Minh cũng nhiệt tình giúp đỡ, ủng hộ. Người thì tặng cái nón, người cho đôi dép đã mòn vẹt…Đến khi cảm thấy đồ vật trang trí trong quán đã tạm ổn, ông Minh tìm thuê một ngôi nhà nhỏ nằm trong khu phố cổ để thực hiện giấc mơ của mình. “Tôi muốn tái hiện lại một cách chân thực nhất về thời bao cấp nên không mở quán ở những nơi rộng rãi, hoành tráng. Tôi hi vọng là sau khi đến đây, những người trẻ tuổi sẽ có thể hình dung được phần nào về một thời khốn khó của đất nước, của cha mẹ họ để họ sống có trách nhiệm và ý nghĩa hơn. Bên cạnh đó, những người đã trải qua thời kỳ này cũng tìm được không gian để ôn lại những kỷ niệm, tìm lại một phần trong quá khứ mà lâu nay họ không có cơ hội để hoài niệm” - ông Minh chia sẻ.

Tuy mới mở cửa được 10 ngày nay nhưng hầu như ngày nào “Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37” ở phố Nam Tràng, quận Ba Đình cũng đông khách. Với sức chứa từ 50-60 người, quán luôn trong tình trạng “hết chỗ”. Đối tượng tìm đến phần lớn trong độ tuổi trung niên. Tuy vậy đến thời điểm hiện tại, ông Minh vẫn chưa có ý định mở rộng quy mô hoạt động bởi theo ông, việc tìm kiếm những vật dụng thời bao cấp trang trí cho quán là điều không đơn giản. “Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cần có thêm thời gian để tiếp nhận và xem xét những thông tin phản hồi từ phía khách hàng. Từ đó sẽ có sự điều chỉnh và quyết định hướng phát triển cho phù hợp” - ông Minh thông tin thêm.