Hòa Vang - Hạt bụi người bay ngược

ANTĐ - Bây giờ Hòa Vang đi rồi, “hạt bụi người bay ngược” đã về trời, tôi thấy tính cách anh thật đúng với tên tác phẩm do anh đặt ra. Tôi đọc thấy ghê ghê, mà không dám thổ lộ với ai. Ông ấy đang sống sờ sờ ra đấy, ăn uống vui vẻ, viết lách đang được mà nói ra không nỡ! Mà biết thế nào mà nói, đành “chôn” vào trong bụng vậy. 

Đấy ta thử xem truyện ngắn “Sự tích ngày đẹp trời” của anh được giải thưởng - ai cũng đọc rồi - Hòa Vang dám làm ngược lại, như là bênh Thuỷ Tinh trong sự thách lễ vật của vua cha khi cưới Mỵ Nương (những thứ Thuỷ Tinh không có: voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao…) mà đẩy ý tưởng của truyện lên, không chỉ dừng lại ở sự trả thù thiên nhiên cố hữu.

Lại nhớ bữa ấy tôi qua thăm nhà văn Lê Bầu, gặp một người thấp đậm, tóc xoã, mặc áo chàm… Cảm giác đầu tiên là tưởng anh vừa xuống núi về Hà Nội, nhưng chính anh lại là người thành phố này. Anh Lê Bầu giới thiệu đấy là Hòa Vang. Tôi đã đọc truyện của anh, tình cờ được diện kiến nên rất vui. Tính anh bộc trực, suồng sã. Hòa Vang xưng xưng bảo tôi: “Nói ông đừng giận, mặt ông tròn tròn, người ông thấp béo trông rất giống một ông tổng thống tôi đã được xem trên báo! Ấy là tôi nói ngoại hình của ông, chứ ông là dân Kinh Bắc cứ ngơ ngơ ngác ngác, cái thứ thi sĩ dở người thì trộn vào đâu được!”. Tôi và Hòa Vang cười xòa, nâng chén chúc nhau viết cho hay. May mà có chút rượu nếp cẩm của ông anh Lê Bầu nên chúng tôi dễ hoà giải và thân gần từ đó.

Biết tôi có chơi với Nguyễn Lương Ngọc, ở một quán nhỏ, ngồi uống rượu với Hoà Vang tôi có đưa ra một đề nghị nhỏ với anh: viết một bài nhân ngày giỗ đầu của anh Ngọc cho Báo Sức khoẻ và Đời sống (nơi tôi công tác). Không ngờ Hoà Vang đồng ý ngay: “Ai chứ, Ngọc thì tôi phải viết rồi. Không phải chỉ “cái cú” xuyên Việt đâu mà tôi ấp ủ định viết về Ngọc lâu rồi. Có một bài báo nào đấy viết về chuyện này xuyên tạc đủ mọi chuyện. Không phải thế đâu, nó cứ thêm dấm thêm ớt vào cho lâm li, li kì vậy để “đánh” vào sự hiếu kì của bạn đọc. Tôi sẽ viết, không chỉ để thanh minh cho việc này đâu, mà để tỏ cái lòng tôi với người bạn quá cố. Đồng ý viết. Thế nhé!”. Nhân lúc ngà ngà say Hòa Vang lại hát: “Đời mình là một khúc quân hành. Đời mình là bài ca chiến sĩ…” như để nhớ thời Quảng Trị máu lửa mà anh đã từng khoác áo lính. Giọng anh nghe hào sảng hùng khí lắm. Tưởng cuộc rượu tàn Hòa Vang cho qua, thế mà mấy hôm sau anh hẹn mang bài “Người đồng hành vượt trước” đến tòa soạn cho tôi đọc. Tính Hòa Vang cứ ngỡ thất thường như vậy, nhưng anh trọng chữ tín lắm. Hóa ra hứa với ai chuyện gì anh cũng làm xong, không bao giờ thất hứa.

Lại nhớ sau khi Hòa Vang đi dự trại sáng tác của Uỷ ban Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam tổ chức ở Thái Bình về. Tôi và một người bạn văn có đến mời anh ra quán nhậu để mừng anh có thêm sáng tác mới, và cũng để biết thêm thông tin về trại viết. Hòa Vang nói: “Tôi đi trại viết được mười tám bài thơ. Đọc được lắm. Đừng tưởng các ông làm thơ mà đã có thơ hay đâu. Bọn văn xuôi chúng tôi mà “xuất chiêu” thì các ông cứ xẹp như con gián”. Ấy là Hòa Vang muốn thử sức mình trong các thể loại văn chương. Mà lại ở cái tuổi gần 60, sức ỳ lớn lắm. Chúng tôi nhìn Hòa Vang cười không nói gì. Cứ tưởng Hòa Vang sau trại viết trình truyện ngắn hoặc tiểu thuyết, hóa ra lại là thơ. Mọi người trố mắt nhìn Hòa Vang như từ trên trời rơi xuống và thấy anh hơi bị hồn nhiên. Biết tính anh rồi nên không tranh luận nhiều và cũng dễ thông cảm thôi!

Tính khí Hòa Vang là vậy nhưng bạn bè rất quý anh. Riêng tôi có chứng kiến hôm Hòa Vang đến phòng làm việc của một nhà thơ vốn là phó giám đốc phụ trách nội dung của Nhà xuất bản Thanh niên để nhận bông cuối của cuốn tiểu thuyết “Năm tháng và mẹ” về sửa. Nom anh cảm động, tay run run giở từng trang như một người hành lễ lật từng trang kinh vậy. Không ngờ đấy lại là cuốn sách cuối cùng của đời anh, mà đến khi mắc bệnh trọng (ung thư gan) mới được in với số lượng bản thật khiêm tốn (700 cuốn). Chuyện là thế này: Tôi có quen biên tập viên Lê Hùng của nhà xuất bản Thanh niên. Sau khi đến thăm Hòa Vang ở nhà riêng thấy anh khó lòng qua khỏi nên đã vận động phát hành in bằng được cuốn sách “Năm tháng và mẹ” cho anh. Biên tập Lê Hùng nói với tôi: “Cái kiếp nhà văn nước mình khổ thế. Cuốn của anh Hòa Vang lại kén bạn đọc nữa. Mà thời buổi cơ chế thị trường, sách hay mà không tiếp thị được cũng xếp đấy thôi. Mình lo cho anh Hòa Vang cuốn này vì đời anh đã quá vất vả và nhọc nhằn rồi”.

Bây giờ Hòa Vang đã cùng bạn thơ Nguyễn Lương Ngọc - “Người đồng hành vượt trước” rong ruổi ở nơi vĩnh hằng, để lại chốn dương thế còn quá nhiều phiền toái. Vâng cõi vô thường này, chúng ta chỉ là hạt bụi nhỏ nhoi mà thôi, nhưng trong một trò chơi ngỡ như vô tăm tích của sáng tạo, trong hành trình của kiếp người, chúng ta cũng nguyện làm một chút gì đó để sáng lên “hạt bụi người lấp lánh” như một nhà văn đã từng nói.