Hóa thạch gấu túi khổng lồ ở Australia

ANTĐ - Các nhà khoa học Australia vừa tìm thấy hóa thạch loài thú có túi lớn nhất thế giới, ước tính cân nặng khoảng 3 tấn và có kích thước bằng một chiếc xe hơi. Loài thú này từng sống cách đây hai triệu năm.

Các nhà sinh vật học tại Queensland vừa khai quật được gần như đầy đủ khung xương của một con gấu túi Diprotodon khổng lồ, loài sinh vật được biết đến với một hàm răng lớn và bộ não nhỏ.

Hóa thạch này là một khám phá có ý nghĩa hết sức quan trọng về thời tiền sử. “Đây là loài thú có túi lớn nhất từng tồn tại trên bất cứ một lục địa nào”, giáo sư Sue Hand, nhà sinh vật học tại trường đại học New South Wales nói.

 “Nó giống với loài gấu túi, nhưng lại đồ sộ như một con tê giác lớn… Chúng tôi tìm thấy cả hộp sọ và xương quai hàm. Đây thực sự là những mẫu vật rất tuyệt vời”.

Loài thú có túi này đã đi lang thang khắp đất nước cách đây 2,5 triệu năm và bị tuyệt chủng vào 55.000 năm trước. Các nhà khoa học tin rằng loài thú này bị tuyệt chủng bởi sự xuất hiện của con người hoặc do thay đổi khí hậu, cũng có thể là do cả hai.

Ở khu vực sông Leichhardt nằm giữa Normanton và Burketown cũng từng tìm ra hóa thạch của các sinh vật khổng lồ khác. Các nhà sinh vật học đang tìm kiếm trong suốt 40 năm qua và phát hiện ra dấu vết của thằn lằn và chuột túi khổng lồ.