Hóa thạch để “sống dậy” tình yêu Hà Nội

ANTĐ - Những khối hóa thạch màu hổ phách, trong suốt, được bày biện duyên dáng trong một con phố nhỏ của Hà Nội. Tạc trong nó là tháp Rùa, cầu Long Biên, là cổng làng rêu phong, cột điện cũ kỹ… tất cả như một Hà Nội thu nhỏ, sống động mà gần gũi. Người kỳ công mang từng ấy những nét xưa cũ đáng yêu của Hà Nội vào trong tác phẩm là nghệ sĩ Vương Văn Thạo (ảnh).

Ba phiên bản hóa thạch cầu Long Biên

Nặng lòng với giá trị xưa cũ

Ngắm nhìn những tác phẩm hóa thạch của nghệ sỹ Vương Văn Thạo thấy thật lạ lẫm và thích thú. Ban đầu là ấn tượng bởi màu hổ phách trong suốt, giống như một lớp thạch mềm mại bao trùm lên công trình thu nhỏ ở bên trong nhưng kỳ thực lại rất rắn. Hóa thạch long lanh, thu hút nhưng không bóng bẩy, mượt mà bởi những vết rạn, nứt hay cả những vết tạp chất được tác giả chủ ý tạo ra. Vương Văn Thạo kể anh say sưa với những khối hóa thạch về Hà Nội từ năm 2006. Từ những chiếc cổng làng, những ngôi nhà cổ, tháp Rùa hồ Hoàn Kiếm, Nhà thờ Lớn, cho đến những chiếc cột điện cũ kỹ còn gắn nguyên chiếc loa phường, những chú Tễu trong dáng điệu ngộ nghĩnh… tất cả đều được anh cho “đông cứng”. Lý giải việc làm này có lẽ đơn giản chỉ vì anh là người Hà Nội, một người Hà Nội hoài cổ, hay luyến tiếc, hay nặng lòng với những gì xưa cũ, những thứ dễ bị quên lãng theo thời gian. 

Có nhiều điểm hấp dẫn trong triển lãm “Hà Nội hóa thạch” của Vương Văn Thạo. Đó là 18 khối hóa thạch xếp liền nhau được anh gọi chung bằng cái tên giản dị: “Nhà phố cổ”. Những ngôi nhà mái ngói nhỏ xinh nối tiếp nhau, chạy dài thành con phố - một phố cổ nguyên vẹn, trầm mặc trong tiềm thức của người dân Hà Nội. Nhưng đáng chú ý hơn cả là hóa thạch cầu Long Biên. Có tới 3 phiên bản cây cầu này với kết cấu gần như nguyên vẹn, đủ các nhịp được đặt song song. Nếu quan sát kỹ, người xem có thể thấy cây cầu được đặt ở xa nhất lại là cây cầu có màu sắc đậm và rõ nhất. Phải chăng đây là cách tác giả gửi gắm nỗi lo lắng đối với số phận cây cầu Long Biên. “Nhạt dần, nhạt dần rồi biến mất” - một cây cầu đã chứng kiến thăng trầm lịch sử với bao giá trị quý giá, thời gian trôi đi, hình như không còn nhận được sự quan tâm xứng đáng.  \

Cây cột điện cũ kỹ cũng được mang hóa thạch

Tìm ý tưởng là đau đầu nhất

Trước khi gắn bó với những khối hóa thạch, Vương Văn Thạo nổi tiếng với những bức tranh giấy dó mượn “tòa thiên nhiên” của người phụ nữ mà nổi bật là bộ tranh “Thân thể và những ước mơ” ra mắt từ năm 2001. Bẵng đi một thời gian, người ta thấy anh dốc sức dốc lòng cho điêu khắc. Nói về sự chuyển hướng này, anh bảo đơn giản chỉ là: “một người sáng tác nghệ thuật đã muốn truyền tải ý tưởng của mình, thì vẽ tranh hay tạc tượng, cũng đâu khác nhau nhiều lắm”. Đó chỉ là sự thay đổi trong cách thể hiện, mà sự thay đổi này có sức hấp dẫn nhất định đối với chính bản thân anh. Nói vậy nhưng để tìm sự thành công đối với khối hóa thạch đầu tiên, anh mất tới cả tháng trời. Giải thích nhẹ nhàng thì là làm khuôn silicon, trang trí, tô màu cho thật, rồi đổ “composite” trùm lên. Còn khổ công hơn thì đi khắp nơi để xem xét, thậm chí lùng sục chụp hình, tìm ra bằng được ý tưởng thể hiện mà việc này là đau đầu hơn cả, nhất là với một người được coi là mở đường cho một địa hạt mới như anh. 

Hóa thạch “Cổng làng”

Nếu hội họa của Vương Văn Thạo có phần kích thích, khiến người ta vắt óc liên tưởng, thì những tác phẩm hóa thạch của anh cũng mang nhiều ý nghĩa sâu xa. Những chiếc cổng làng - những di sản đang “kêu cứu” bởi sự xâm lấn của sắt thép, xi măng, của những ngôi nhà cao tầng, những đoạn đường bê tông. Những ngôi nhà phố cổ cũng đang mất dần trước sức ép của đô thị phát triển với tốc độ vũ bão, trước đời sống hối hả đang ngày một vươn lên… Đưa những giá trị ấy vào hóa thạch âu cũng là cách để lưu giữ và bảo tồn chúng, để ta được thấy chúng vẫn luôn “sống” cùng thời gian. Nhìn những tác phẩm của Vương Văn Thạo, có cảm giác anh còn có thể cho hóa thạch nhiều thứ hơn nữa, có thể là một khối hóa thạch nguyên bản một ngôi nhà cổ để mọi người cùng chiêm ngưỡng như anh đã từng tiết lộ. Hoặc biết đâu đấy lại là một công trình nào đó quy mô hơn, táo bạo hơn, độc đáo hơn, mà chưa ai đoán được.