Họa sỹ trẻ Ngô Lực: Mẹ tôi cũng là một tác phẩm

(ANTĐ) - Nhiều người ngạc nhiên khi bước chân vào không gian triển lãm mang cái tên lạ: “Vào chợ”. Đúng là ngổn ngang như chợ với các bức tranh chép lại của các danh hoạ thế giới, các gian hàng lộn xộn không trật tự,  cọ vẽ, màu, sơn tung vương vãi trên sàn.

Họa sỹ trẻ Ngô Lực: Mẹ tôi cũng là một tác phẩm

(ANTĐ) - Nhiều người ngạc nhiên khi bước chân vào không gian triển lãm mang cái tên lạ: “Vào chợ”. Đúng là ngổn ngang như chợ với các bức tranh chép lại của các danh hoạ thế giới, các gian hàng lộn xộn không trật tự,  cọ vẽ, màu, sơn tung vương vãi trên sàn.

"Chợ nghệ thuật" lạ lùng, dị biệt của Ngô Lực
"Chợ nghệ thuật" lạ lùng, dị biệt của Ngô Lực

Có người hứng thú phóng bút màu lên các bức tranh, có người dè dặt đứng nhìn cái “chợ nghệ thuật” lạ lùng, dị biệt, chưa từng gặp này. Còn ông chủ chợ thì đi đi lại lại, hết phỏng vấn lại hý hoáy ghi hình. Đó là quang cảnh “buổi chợ” của hoạ sỹ trẻ Ngô Lực.

PV - “Vào chợ” thật khác lạ với cách thưởng thức hội hoạ thông thường của công chúng. Ý tưởng lạ lùng này có từ đâu vậy?

Ngô Lực: Bạn đã bao giờ nhìn thấy bức ảnh chụp một bà lão ăn mày được lồng trong khung kính và treo tại một phòng triển lãm sang trọng chưa? Tôi đã từng chứng kiến một cảnh tượng như thế, hình ảnh bà lão ăn xin khổ sở được chụp rất có hồn nhưng lại đặt trong một không gian quá chỉn chu, quá sạch sẽ đến mức lạc lõng. Bức ảnh vì thế không còn đẹp nữa, không còn xúc động nữa trong con mắt của tôi. Tôi muốn làm khác đi, muốn thay đổi những quan niệm, cách thức truyền tải ý niệm trong nghệ thuật đã quá cũ. 

Tôi muốn chia sẻ với mọi người những suy nghĩ, cảm xúc, tâm trạng của tôi và tôi muốn ghi lại phản ứng của mọi người với những điều ấy. Do đó tôi đã tìm ra hình thức này. Trong cái chợ nghệ thuật, mỗi người là một nghệ sỹ và tác phẩm cuối cùng là sản phẩm tương tác của cả một tập thể với nhiều tầng cảm xúc, tâm trạng, tư tưởng khác nhau.

PV - Nhưng việc chép tranh của các danh hoạ nổi tiếng thế giới rồi cho mọi người tô vẽ, bôi trát lên đó liệu anh có sợ mình đã “phá” tranh không?

Ngô Lực: Quá khứ rất đáng trân trọng nhưng quá khứ không phải là một cái gì đó mang tính mẫu mực mà mình buộc phải tuân theo, học theo, làm theo. Tôi quan niệm mỗi tác phẩm hội hoạ - của danh hoạ hay của chính tôi - cũng chỉ là một ký hiệu mà mỗi người có một cách soi chiếu riêng. Người ta cứ quy ước nghệ thuật phải là thế này, phải là thế kia. Tôi lại nghĩ khác, tôi quan niệm nghệ thuật là những gì hết sức giản dị và đời thường. Bản thân mỗi con người là một tác phẩm nghệ thuật trong môi trường ấy, hoàn cảnh ấy, không gian ấy. Mẹ tôi cũng là một tác phẩm trong bố cục của gia đình tôi. Và người nghệ sỹ xét cho cùng chỉ là người biết xâu chuỗi những mẩu, lớp nghệ thuật trong cuộc sống để cấu thành nên một tác phẩm chung nhất.

PV - Làm nghệ thuật tức là phải có những sản phẩm sáng tạo mang dấu ấn cá nhân. Với Vào chợ, các bức tranh là tranh chép lại của người khác, sau đó thì nó lại là sản phẩm của tập thể như anh nói. Vậy đâu là dấu ấn của anh?

Ngô Lực: Không gian triển lãm với mô hình triển lãm này chính là dấu ấn của tôi. Tôi đã tạo ra một mô hình mới để mọi người có thể tiếp cận với nghệ thuật một cách dễ dàng và thực sự chủ động. Với mô hình này, tôi có thể đón nhận tất cả những suy tư, cảm xúc, trạng thái tâm lý rất khác nhau tương tác lẫn nhau, hoà trộn vào nhau. Nó khiến tôi luôn hồi hộp, bất ngờ, thú vị. Tôi không muốn tạo ra một sản phẩm hoản chỉnh rồi áp đặt lên mọi người. Điều tôi tâm đắc nhất là cùng với mọi người tạo ra một tác phẩm của chung.

PV - Công chúng sẽ nhớ đến hoạ sỹ Ngô Lực bằng cách nào khi anh không để lại một bức tranh hiện hữu?

Ngô Lực: Tôi nghĩ một nghệ sỹ đích thực không bao giờ mưu cầu hay tính toán điều gì. Khi họ sáng tạo ra tác phẩm thì chỉ toàn tâm toàn ý với tác phẩm đó, cũng không bao giờ băn khoăn xem tác phẩm của mình sẽ cho ai, để làm gì. Còn nếu đã có sự tính toán thì tác phẩm của họ chỉ là một thứ hàng hoá hàng chợ – một thứ để trao đổi, mua bán, mặc cả, thương lượng và như thế nó không còn giá trị nghệ thuật nữa. Khi công chúng nhớ đến một nghệ sỹ thì điều mà họ trân trọng và yêu quý là chính giá trị tự thân của nghệ sỹ đó, cái tên của hoạ sỹ đó chứ không phải là những sản phẩm hữu hình.

PV - Xin cảm ơn anh và chúc anh sẽ thành công với dự án Chợ nghệ thuật của mình!

Hoàng Hồng (thực hiện)