Họa sỹ Trần Tuấn Long: Mê đắm trong sắc diện các giá đồng

ANTD.VN - 20 năm say mê với những khoảnh khắc đẹp đến mê hồn của sắc diện các giá đồng, họa sỹ Trần Tuấn Long đã mang những giai điệu, tiết tấu của nhạc văn, những nghi thức nhập hồn của các thầy đồng, bà cốt vào các tác phẩm tranh sơn mài… 

Lần đầu tiên tiếp xúc với tín ngưỡng thờ Mẫu, họa sỹ Trần Tuấn Long đã tâm niệm phải vẽ về đề tài này bởi màu sắc nguyên thủy, huyền bí của một loại hình nghệ thuật đặc trưng của dân tộc. 

Không có căn nhưng vẫn mê

Trong suốt 20 năm gắn bó với đề tài tín ngưỡng thờ Mẫu, họa sỹ Trần Tuấn Long đã tham dự nhiều buổi hầu đồng ở khắp các làng quê Việt. Nhưng có lẽ, lần đầu tiên được biết tới tín ngưỡng này vẫn luôn đọng lại trong tâm trí người nghệ sỹ này nhiều kỷ niệm khó quên. Đó là một đêm trăng, họa sỹ Trần Tuấn Long cùng người bạn có dịp tới thăm đền vua Bà (Quảng Yên, Quảng Ninh), ngôi đền nhỏ nằm nép mình bên cửa sông Bạch Đằng.

Trong không gian tĩnh mịch, âm nhạc của hát văn và những giá đồng đầy mê hoặc đã dẫn dắt người họa sỹ này lạc vào cõi mê. Sau buổi xem diễn xướng ấy, Tuấn Long đã yêu nghệ thuật hát văn ngay tức thì và đinh ninh sẽ vẽ về đề tài này.

Dù khoảng thời gian ấy, đạo Mẫu còn gặp nhiều rào cản trong cách nhìn nhận và đánh giá. Điều đó đã gây ra những khó khăn trong quá trình Trần Tuấn Long kiên trì theo đuổi đề tài này. Đó là việc tranh vẽ ra đã bị loại tại các triển lãm mỹ thuật do Nhà nước tổ chức. Thậm chí, có vị quan chức của ngành mỹ thuật đã nói với Trần Tuấn Long rằng, tranh “anh mang đầy màu sắc mê tín dị đoan”. 

Tác phẩm vẽ ra lại cất đi, đời sống họa sỹ đã có những lúc rơi vào khó khăn. Trần Tuấn Long đành xoay xở bằng cách, anh vẫn vẽ về đề tài này nhưng làm theo lối nhỏ giọt, mỗi năm vẽ vài bức. Còn các bức tranh phong cảnh hay các đề tài khác mới đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình.

Bằng cách này, anh đã duy trì niềm yêu thích của mình kéo dài trong suốt 20 năm. Đến thời điểm hiện tại, khi tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Trần Tuấn Long đã “bung lụa” trong các sáng tác. 

Trần Tuấn Long chia sẻ: “Cái duyên đưa tôi đến với đạo Mẫu đã như mơ thì cái cách tôi gắn bó với đạo Mẫu phải gọi là… siêu thực. Cũng nhờ tranh không bán được mà tôi đã có được bộ sưu tập trọn vẹn từ ngày mới bắt tay vào vẽ cho tới thời điểm hiện tại”. Cái siêu thực Trần Tuấn Long nói đến ý chỉ về cách anh đã âm thầm thực hiện đề tài này từ khi đạo Mẫu còn bị cấm đoán đến khi được vinh danh. 

Cõi thiêng trong tranh

Trong tranh của Trần Tuấn Long, đạo Mẫu mang màu sắc nguyên sơ như thuở ban đầu. Sử dụng sơn mài để diễn tả về thế giới tín ngưỡng biến ảo lung linh, Trần Tuấn Long đã tận dụng được lợi thế của các sắc độ ẩn sâu dưới tầng tầng lớp lớp sơn.

Những mảng trầm sâu thẳm, những lung linh vàng son hay những luyến láy uyển chuyển của sơn ta đã giúp họa sỹ thể hiện một cách tối đa các sắc thái của nghệ thuật diễn xướng hát văn. Nhưng nếu chỉ có thế, e rằng tranh của Trần Tuấn Long sẽ đơn điệu.

Triển lãm “Giá thánh” sẽ diễn ra từ ngày 8 đến hết 15-3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.

Anh đã tìm ra cách làm thông minh: nền của mỗi bức tranh là hình ảnh phảng phất của các tranh tượng thờ quen thuộc của người Việt với các tố nữ, tam phủ, tứ phủ, hộ pháp, thiện-ác, tiên nữ… của các đình, đền cổ. 

Cõi thiêng trong tranh như vậy đã có chỗ dựa vững chắc của những hình thức mỹ thuật cổ, làm nền cho các “đồng” đang múa nổi bật phía trước. Nếu các đồng cốt múa trong thế giới tâm linh của họ thì Tuấn Long cũng được dịp “múa” trong kỹ thuật sơn mài bằng việc dát vàng bạc, rắc trai hay vỏ trứng, tỉa tót điểm xuyết các hoa văn, vờn các mảng lửa khói.

Say mê với các giá đồng, Trần Tuấn Long sau 20 năm theo đuổi đã tích cóp được vài chục tác phẩm. Tuyển chọn trong số ấy, anh sẽ ra mắt triển lãm “Giá thánh” để khẳng định cho con đường đi trong nghệ thuật. Dù bước đầu thành công với đề tài này nhưng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hòa, giá như tranh của Trần Tuấn Long tiết chế và cân nhắc trong việc miêu tả sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.

Nhưng nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hòa tin tưởng, với từng ấy năm gắn bó với hầu đồng, có lẽ Trần Tuấn Long sẽ tiếp tục tìm ra một cách thể hiện mới với đề tài mang đậm tính tâm linh như tín ngưỡng thờ Mẫu.

Tin cùng chuyên mục