Họa sỹ Thành Chương không ít lần rỗng túi

ANTĐ - Kể về 15 năm xây dựng Việt phủ, chủ nhân của không gian nghệ thuật độc đáo - họa sỹ Thành Chương bồi hồi nhớ về chặng đường đã đi qua. Ông cho biết: “Ai cũng nói về bảo tồn di sản văn hóa nhưng văn hóa dân tộc mặt ngang mũi dọc như thế nào thì ít người biết. Với chút hiểu biết về văn hóa Việt và sự tỉ mỉ, tôi đã xây dựng Việt phủ để cụ thể hóa điều này”. 

Họa sỹ Thành Chương không ít lần rỗng túi ảnh 1

Biến triền đồi trở thành tấm toan

Nhớ lại khoảng thời gian ban đầu, họa sỹ Thành Chương chia sẻ, ông xây dựng không gian nghệ thuật này xuất phát từ niềm đam mê vẻ đẹp của các giá trị văn hóa truyền thống, khát vọng tái hiện tinh thần, vẻ đẹp Việt Nam trong lịch sử. 

Sinh ra trong gia đình trí thức ở làng quê Bắc Ninh, từ lâu Thành Chương đã nhìn thấy ở nghệ thuật truyền thống sự đẹp đẽ, minh triết và thuần khiết. Tình cảm được nuôi dưỡng từ cha mình - nhà văn Kim Lân và vun đắp bởi mảnh đất Kinh Bắc phủ dày các tầng văn hóa, Thành Chương đã luôn hướng về nghệ thuật truyền thống và có ý thức giữ gìn di sản văn hóa Việt. Ông thấy mình cần có trách nhiệm truyền đến mỗi người trách nhiệm bảo tồn và giữ cái hồn cốt từ ngàn đời để lại và chỉ với ý thức đó, di sản cha ông mới tồn tại và phát triển. 

Vốn là nhà sưu tập cổ vật hơn 50 năm, sở hữu hơn 2.000 cổ vật Việt Nam đặc sắc, họa sỹ Thành Chương đã quyết định triển khai một không gian mang bản sắc văn hóa Việt theo ý tưởng của riêng mình. Triền đồi hơn 8.000m2 đã trở thành tấm toan mà trên đó, ông vẽ nên bức tranh có một không hai.

Thành Chương không đặt vào đó những mô hình, bộ sưu tập một cách rập khuôn, máy móc mà sắp đặt một đời sống, đưa trả các cổ vật trở về như chính nó trước kia, trong sự hòa hợp với những yếu tố mới của thời đại. Mỗi ngôi nhà, mỗi kiến trúc tự thân đã là một vật thể để chiêm ngưỡng, chứa đựng bên trong những vật thể đáng chiêm ngưỡng khác. Những kiến trúc cổ được đặt ở đây trong một tinh thần mới, hoàn toàn không bê nguyên xi nguyên gốc. 

Để làm được điều này, Thành Chương là một người thợ thủ công, một người thợ vườn, chăm chút từng mạch gạch, ngắm nghía từng cổ vật để đặt sao cho xứng, cho hợp với không gian tự nhiên, trong sự tổng hòa của kiến trúc, di sản và nghệ thuật. Nhiều sắp đặt cạnh nhau vô cùng khéo léo, tỉ mỉ. Trong diện tích 0,6 ha, Việt phủ làm nhiều người ngạc nhiên vì sự kỹ lưỡng, cẩn trọng và chỉ có Thành Chương với con mắt quan sát của mình mới đủ sức tạo nên sự hấp dẫn và thú vị ấy.

Từ một quả đồi khô cằn, ông mang sức lực và trí tuệ để biến không gian nơi đây thành một không gian nghệ thuật mang cái tôi cá nhân, một sản phẩm nghệ thuật khác biệt của một người yêu di sản cha ông. Hơn thế, cái cốt lõi ở đây là một tấm lòng bền vững, không lung lay trong việc tìm kiếm, nhặt nhạnh theo hệ thống của mình. Lượng cổ vật đồ sộ đã đành mà lượng không gian tạo dựng cũng thật hoành tráng.

Mỗi người đều tìm thấy cái ao của làng mình, mái đình cong cong yêu dấu, cái cổng làng xưa cũ, những viên gạch nối giữa quá khứ và hiện tại ngay tại nơi đây. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kể lại, “một đêm ngủ lại Việt phủ, chập chờn trong giấc mơ, tôi nghe thấy tiếng cổ xưa trò chuyện với mình. Tôi tìm thấy ở không gian thanh tĩnh những ký ức xa xưa không dễ gì trở về trong cuộc sống hiện đại”. 

Họa sỹ Thành Chương không ít lần rỗng túi ảnh 2

Việt phủ Thành Chương, nơi lưu giữ tâm hồn Việt

Tấm lòng của người yêu di sản cha ông

Ngay từ khi đang xây dựng, Việt phủ Thành Chương đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của du khách. Con đường vào Việt phủ tắc nghẽn do lượng người đổ về quá đông. Để tránh bị làm phiền và tìm một không gian sống cho riêng mình, Thành Chương đã cho đào một cái hầm ngay tại công trường đang xây dựng.

Cũng ở giai đoạn chưa hoàn thiện này, Việt phủ không chỉ đón lượng khách nội địa mà còn có các vị khách đến từ nhiều nước trên thế giới như Hoàng hậu Thụy Điển Sylvia và phái đoàn Hoàng gia Thụy Điển, các đại sứ nước ngoài…

Ở giai đoạn đã hoàn thiện, nhu cầu của người dân đã đưa Thành Chương đến quyết định sẽ mở cửa chào đón du khách. Còn trước đó, ông không có ý định kinh doanh Việt phủ và càng không nghĩ đến việc biến tư gia trở thành địa điểm tham quan.

 Với 15 năm phát triển, đến nay, ngay với các nhà chuyên môn cũng không tìm được một tên gọi chính xác dành cho Việt phủ Thành Chương. GS Hoàng Đạo Kính chia sẻ: “Tôi đã đến nơi đây nhiều lần và suy nghĩ sẽ gọi không gian này là gì đây, nếu nói bộ sưu tập trưng bày, bảo tàng ngoài trời, phức hợp kiến trúc, công viên sưu tầm đều không đúng. Tên thực sự thì tôi chưa nghĩ ra được nhưng tôi quý anh Thành Chương ở tấm lòng đối với di sản cha ông, sự kiên trì theo đuổi đến cùng dù anh đã gặp không ít khó khăn, dị nghị”. 

Thành Chương đã đối mặt với nhiều điều tiếng từ khi xây dựng Việt phủ và không nhiều người hiểu được tấm lòng của ông. Một người bán tranh tốt như Thành Chương nhưng bắt tay vào xây dựng Việt phủ cũng không ít lần “rỗng túi”. Một căn nhà sàn vừa mua 200 triệu đồng bỗng bốc cháy ngùn ngụt trong đêm chỉ vì ý thức kém của du khách… Vượt lên tất cả, Thành Chương vẫn cần mẫn tạo dựng, xây đắp công trình.

Và đến hôm nay, ông rất tự hào với thành quả mình gặt hái. Tuy vậy, ông cũng trăn trở làm sao để Việt phủ Thành Chương tiếp tục “sống tốt” và truyền đến mỗi người ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ di sản của cha ông. Điều đó, theo ông “cần có sự chung tay giúp đỡ từ phía cộng đồng. Một mình đi mãi trên con đường cô độc rồi cũng sẽ đến lúc oải”.