Họa sỹ, nhà thơ Chinh Lê: Kiếm tiền cũng chỉ cần vừa đủ

ANTD.VN - Đẹp mặn mà lại ăn nói nhỏ nhẹ, nhìn Chinh Lê chẳng thấy có mối liên hệ nào với nghề nghiệp chị đang theo đuổi. Nói về nghệ thuật, Chinh Lê thuộc diện “con nhà nòi” và chẳng thể tránh đi đâu cái nghiệp với nghệ thuật. 

Họa sỹ, nhà thơ Chinh Lê: Kiếm tiền cũng chỉ cần vừa đủ ảnh 1Họa sĩ Chinh Lê và triển lãm “ Đêm rằm”

Chọn lối sống khép kín

Có cha là nhà điêu khắc nổi tiếng TP.HCM - Nguyễn Hải, có chồng là nhà điêu khắc nổi tiếng Sài thành Phan Phương Đông, dù cho có trót dan díu với nghệ thuật, nhưng cả Chinh Lê và Phan Phương Đông vẫn chọn cho mình lối sống khép kín, bỏ qua tốc độ, không ồn ào. Anh chị hiện đang ở trong “dinh thự” có lối kiến trúc xưa, do chính Phan Phương Đông thiết kế.

Nơi đây vừa là nhà, vừa là nơi làm việc, cũng là phòng trưng bày, triển lãm tác phẩm, nghĩa là tất cả đều trong một. Chinh Lê vẫn tiếp tục làm thơ, vẽ tranh và giờ còn thêm cả điêu khắc. Còn Phan Phương Đông đang từ một kiến trúc sư lại đổi nghề sang… điêu khắc chỉ vì lòng tự ái, không được thiết kế theo ý mình, không được làm điều mình muốn. Khi đến với điêu khắc, cả Chinh Lê và Phan Phương Đông đều gặp may. 

Nếu như Phan Phương Đông xuất hiện với tần suất nhiều hơn, bằng các triển lãm cá nhân liên tục trong Nam ngoài Bắc thì Chinh Lê lại thủng thẳng 3-4 năm mới trình làng một lần. Và cứ sau mỗi lần như thế, chị gần như ở ẩn.  

Hiếm khi thấy chị xuất hiện tại nơi trưng bày và lại càng hiếm những lần phát ngôn trước đám đông. Cùng nghề, cùng nghiệp với ông xã, Chinh Lê đã chọn cách lùi về hậu phương để Phan Phương Đông tập trung cho sự nghiệp. Dù chị vẫn nói, trong công việc, không ai là người hy sinh, chỉ có cùng nhau làm việc, cùng nhau hy sinh mới giữ được một gia đình nghệ sỹ yên ổn.

Họa sỹ, nhà thơ Chinh Lê: Kiếm tiền cũng chỉ cần vừa đủ ảnh 2Điêu khắc đồng “Đêm rằm” của Chinh Lê đang diễn ra tại Art Vietnam, số 24 Lý Quốc Sư 

Không tách bạch công việc và gia đình 

Chuyện Chinh Lê đến với điêu khắc bên cạnh yếu tố truyền thống gia đình còn là khả năng vượt qua chính mình. Dù trong gia đình chị có cha và anh trai đều làm nghề nhưng từ nhỏ, chị luôn nghĩ hình khối của điêu khắc thuộc về đàn ông. Lớn lên, một lần đến xưởng gốm để vẽ, chị đã thử đất để nặn tượng và thoát được nỗi sợ về hình khối.

Kể từ đó, Chinh Lê bắt đầu với những bức tượng nho nhỏ, mang nhiều chiêm nghiệm về triết lý, vũ trụ và thiền học. Sự suy tư, mong muốn khám phá về thế giới là những điều chị được ảnh hưởng từ cha, người rất đam mê thiên văn, lý số. Chính phần huyền bí của thế giới rộng lớn đã cuốn hút chị ngay từ những ngày còn nhỏ. Hai cha con thường cùng nhau thưởng trà, trông trăng và đàm đạo. Những kỷ niệm đó không ngờ đã giữ vị trí quan trọng làm nên mạch sáng tác xuyên suốt trong điêu khắc của chị. 

Chinh Lê làm điêu khắc theo cách người phụ nữ vẫn làm các công việc nhà, tức là không đao to búa lớn và thiên về cảm xúc. Chị không tách bạch giữa công việc và gia đình. Nếu đang sáng tác mà Chinh Lê phải bỏ dở để nấu cơm, chị cũng không thấy khó chịu và cũng sẽ không có chuyện vì đuổi theo suy nghĩ mà Chinh Lê để chồng con phải chờ cơm. Có nghĩa, chị có khả năng thích ứng với nhiều hoàn cảnh và cũng dễ chấp nhận thực tế.

Vì thế, tác phẩm bán ra dù chỉ đủ để Chinh Lê không cảm thấy mình là kẻ vô dụng và bớt ngượng với gia đình chồng nhưng chị vẫn làm, vẫn tìm kiếm các đề tài để tiếp tục sáng tác. Với chị, tiền bạc chỉ cần vừa phải, không cần phải lao ra ngoài đời để quên rằng, cuộc sống còn rất nhiều niềm vui khác.

Xuất hiện rồi lại vắng bóng, mỗi lần thực hiện xong một cuộc triển lãm, chị không biết còn có lần sau. Nhưng hết đợt này lại đến đợt khác, Chinh Lê vẫn là một tên tuổi được nhắc đến với các tác phẩm trong hội họa, điêu khắc mang phong thái thiền.

Lần ra Hà Nội này, Chinh Lê giới thiệu tới người yêu mỹ thuật Thủ đô một triển lãm có tên gọi “Đêm rằm”, trưng bày 24 bức tượng đồng và một số bức tranh theo phong cách trừu tượng. Triển lãm diễn ra từ nay đến hết ngày 10-10 tại Art Vietnam, số 24 Lý Quốc Sư.