Họa sĩ Trần Văn Quân: 30 năm khám phá và đam mê đồ họa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ba thập niên gắn bó với nghệ thuật của người chiến sĩ, họa sĩ, giảng viên Trần Văn Quân đã được ông trải lòng trong buổi triển lãm cá nhân diễn ra từ ngày 4 đến 14-7-2020.

Giới nghệ thuật đồ họa Việt Nam từ lâu nhắc đến cái tên Trần Văn Quân với sự yêu mến và cảm phục tình yêu, lòng đam mê sáng tạo của ông dành cho loại hình nghệ thuật đặc biệt này. Hơn 40 năm làm nghệ sĩ và hơn 30 năm truyền lửa say mê cho các thế hệ sau, họa sĩ Trần Văn Quân đã sở hữu cho mình một "gia tài" mà ông muốn giới thiệu tới tất thảy đồng nghiệp cũng như những người yêu nghệ thuật trong nước, đặc biệt là nghệ thuật đồ họa.

Từ ngày 4 đến 14-7 tới đây, họa sĩ Trần Văn Quân sẽ trưng bày những tác phẩm đồ họamà ông tâm đắc nhất sự nghiệp họa sĩ tại phòng triển lãm Hội Mỹ thuật TP.HCM. Cũng tại đây, trong ngày khai mạc, ông cũng sẽ ra mắt cuốn sách để đời "Hoạ sĩ Trần Văn Quân - Say mê cùng chất liệu đồ họa"- một tài liệu quý báu, giàu giá trị nghiên cứu được ông ấp ủ suốt nhiều năm làm nghề.

Họa sĩ Trần Văn Quân miệt mài sáng tạo với nghệ thuật đồ họa suốt mấy chục năm qua

Gói gọn cả thế giới chất liệu đồ họa

Bước chân vào không gian triển lãm của họa sĩ Trần Văn Quân, người yêu nghệ thuật như lạc vào thế giới phong phú ngợp mắt của các chất liệu đồ họa. Dường như chất liệu đồ họa nào người họa sĩ cũng tâm huyết tìm tòi, khai phá và sáng tạo. Trong buổi triển lãm cũng như cuốn sách của mình, họa sĩ Trần Văn Quân thu thập trong đó hầu hết các thể loại tranh thuộc ngành đồ họa như tranh in đá, tranh khắc gỗ, tranh ghép gỗ, tranh khắc Mi ca , collagraphy, độc bản, in lưới, sơn khắc, khắc cao su....

Các tác phẩm của họa sĩ Trần Văn Quân mộc mạc về đề tài nhưng phong phú về thể loại và đặc sắc trong cách thể hiện.

Họa sĩ Trần Văn Quân: 30 năm khám phá và đam mê đồ họa ảnh 3

Trong thời gian học tại Khoa đồ họa của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Trần Văn Quân lựa chọn tập trung vào kỹ thuật in đá. Kỹ thuật này theo chân ông suốt những năm hoạt động nghệ thuật và nhiều năm giảng dạy sau đó. Nhưng không chỉ dừng ở đó, niềm đam mê sáng tạo luôn thôi thúc ông tiếp tục học hỏi và khám phá những kỹ thuật mới nhất của ngành đồ họa mà ở thời điểm đó còn xa lạ tại Việt Nam.

Trong dịp tham dự một trại sáng tác đồ họa quốc tế tại chiềng mai Thái Lan, họa sĩ Trần Văn Quân đã cập nhật và tâm đắc nhất kỹ thuật in khắc gỗ phá bản. Ngay lập tức, người nghệ sĩ biến kỹ thuật này thành nội dung giảng dạy tại trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM và đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong phổ biến và ứng dụng ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Những năm sau đó, ông tổ chức những trại sáng tác đồ họa nhằm tạo cơ hội giao lưu, trao đổi và học hỏi cho nhiều thế hệ nghệ sĩ đồ họa đã trở thành "cái nghiệp" của họa sĩ Trần Văn Quân. Trong suốt thời gian ông đảm nhiệm vai trò phó trưởng khoa, phụ trách Khoa đồ họa của trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM, ông thường xuyên phối hợp với Hội Mỹ thuật TP.HCM để tổ chức các trại sáng tác mở, giao lưu cùng các họa sĩ đồ họa của 3 miền Hà Nội - Huế - TP.HCM. Cho tới tận khi ông về hưu, giới yêu nghệ thuật đồ họa vẫ thường xuyên thấy họa sĩ Trần Văn Quân có mặt ở nhiều  trại sáng tác khắp ba miền đất nước.

Trần Văn Quân luôn không ngừng chia sẻ kiến thức và lan tỏa cảm hứng nghệ thuật.

Bên cạnh các trại sáng tác, họa sĩ Trần Văn Quân và những người bạn chung đam mê còn tạo lập nên nhóm họa sĩ "Ngẫu hứng" gồm những cái tên quen thuộc trong giới nghệ thuật TP.HCM như: Võ Anh Thơ, Thanh Mai, Nguyễn Phú Hậu, Lê Hoa, Lệ Hằng, Lâm Thanh, Trần Thu, Cường tuse... Không gian thân mật của nhóm là nơi Trần Văn Quân hào hứng chia sẻ những kĩ thuật đồ họa mà chính ông học hỏi và sáng tạo mới được như: dán vỏ trứng trong kỹ thuật tạo bản in Collagraphyhoặc tự sáng chế mũi dao khắc riêng cho mình, hơn thế nữa ông còn tự thiết kế máy in đồ họa để luôn chủ động trong việc thực hiện in ấn tại nhà. Cũng chính vì vậy mà các thành viên nhóm họa sĩ Ngẫu Hứng thường tập trung tại nhà ông để tạo cảm hứng, tạo lửa,trải mình trong say mê kỹ thuật đồ họa. 

Ông được giới nghệ thuật biết đến như một người nghệ sĩ của tìm tòi và sáng tạo.

Người lính yêu nghệ thuật

Theo dõi sự nghiệp của họa sĩ Trần Văn Quân, không khó để nhận ra đề tài chiến tranh cách mạng được ông trở đi trở lại và có nhiều tác phẩm xuất sắc. Bức "Vượt Trường Sơn" thuộc thể loại sơn khắc là một tác phẩm thể hiện rõ "chất lính" trong tâm hồn người nghệ sĩ.Từng nhành cây, ngọn cỏ cho tới các tư thế, dáng đứng cách đi của người lính trên bức tranh như được in ra từ ký ức rất thật của một người chiến sĩ. Đó là một trong những nét đặc biệt khiến "Vượt Trường Sơn" giành được giải C trong Triển lãm "Ký ức Mậu Thân", do Hội Mỹ Thuật TP.HCM tổ chức năm 2017.

Bức Vượt Trường Sơn của họa sĩ Trần Văn Quân.

Trần Văn Quân trở thành người lính cụ Hồ từ năm 18 tuổi, là chiến sĩ đặc công của tiểu đoàn 28 – sư đoàn 7, tham gia tại chiến trường miền Đông Nam bộ. Chiến tranh rất khốc liệt nhưng không bao giờ làm nguôi bớt tình yêu với hội họa của ông.Những bức ký họa bút sắt và màu nước là cách Trần Văn Quân nuôi dưỡng lửa đam mê nghệ thuật giữa bom đạn chiến tranh.

Sau khi giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, ông thi đỗ trung cấp Mỹ thuật TP.HCM và sau đó học tại trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Sau khi rời khỏi quân ngũ, Trần Văn Quân khoác lên mình tấm áo nghệ sĩ và bước lên bục giảng với tư cách một người thầy giàu sức truyền cảm hứng. Mọi kỹ thuật kiến thức thu nhận và khám phá được ôngtừng chia sẻ cho bạn bè và truyền dạy cho các thế hệ họa sĩ trẻ, lan tỏa tài năng và tình yêu nghệ thuật khắp mọi nơi Trần Văn Quân từng đặt chân hay giảng dạy.

Chia sẻ về sự kiện triển lãm và ra mắt sách lần này, họa sĩ Trần Văn Quân bày tỏ: "Cuốn sách này đã tập hợp nhiều kỹ thuật chất liệu đồ họa mà tôi đã nghiên cứu và sáng tác trong hơn 30 năm qua. Tôi muốn gửi tặng cuốn sách này tới các anh, chị, em trong nghề và khán giả yêu thích đồ họa cùng tham khảo".

Họa sĩ Trần Văn Quân sinh năm 1953. Ông tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1985. Trần Văn Quântừng đảm nhiệm vị trí Phó Trưởng Khoa, phụ trách khoa Đồ họa tại Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng ngành đồ họa của Hội Mỹ thuật TP-HCM và trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 ông là Trưởng Ban Kiểm tra Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông giành được nhiều giải thưởng danh giá trong hoạt động nghệ thuật như giải Nhất cuộc thi tranh Cổ động do cục Mỹ thuật tổ chức năm 1999, giải C tác phẩm khắc gỗ - Miền yên tĩnh năm 2005, giải Tặng thưởng tại triển lãm Mỹ thuật khu vực 6 TP.HCM năm  2011, giải A tác phẩm Khắc gỗ - Điểm hẹn của Liên hiệp Các Hội Văn Học Nghệ Thuật TP HCM năm 2016, giải B tác phẩm Biển trời của ta – Sơn khắc do Liên Hiệp các Hội văn học nghệ thuật TP.HCM trao tặng năm 2018...