Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền và "những đứa trẻ"

ANTĐ - Được coi là thần đồng hội họa từ nhỏ, khi là người Việt Nam đầu tiên đoạt giải vẽ tranh quốc tế (Hungary, 1954), họa sĩ Nguyễn Thị Hiền là “tổ hợp của ngạc nhiên” cho những ai tiếp xúc. Không thể gọi là “bà” với người phụ nữ 67 tuổi này, khi chị vẫn làm việc với khối lượng và cường độ hơn thanh niên, bằng bút pháp đa phong cách.

Con gái cả của nhà văn Kim Lân là người con hiếu thảo, người chị độ lượng, hy sinh vì các em và đại gia đình. Định cư tại TP. HCM từ 1984, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền vẫn ra Hà Nội nhiều lần hàng năm. Nhà chị ở hai miền đều như bảo tàng nhỏ quá tải tranh, cổ vật. Vừa trở về sau chuyến tham quan Mỹ, Hàn Quốc, họa sĩ Nguyễn Thị Hiền dành cuộc trò chuyện với An ninh Thủ đô Cuối tuần.

- Chúc mừng chị có chuyến bay nửa vòng Trái đất thành công. Với đa số, nước Mỹ “xa vời”, còn chị?

- Không, “Mỹ” ở ngay trong nhà tôi. Lê Hiền Minh con gái duy nhất của tôi học Đại học Connecticut, yêu bạn cùng trường. Thu 2006, Hiền Minh và Gregory cưới tại Hà Nội. Sau đó, các con tôi sống và làm việc ở New York rồi lại về TP. Hồ Chí Minh. Tôi đã triển lãm tranh tại Ohio, Hawai, sang Mỹ 4 lần.

- Một trong các mặt nổi trội của tài sản Mỹ là hội họa. Chị thỏa đam mê thăm các bảo tàng (BT)?

- Đến 40 nước trên thế giới, dù bận lu bù, tôi luôn chú ý dành thời gian tới các Bảo tàng Mỹ thuật - nơi lưu giữ tinh hoa đỉnh cao của nhân loại. Xem, đọc, nghe đều nhằm học hỏi để tìm và theo đuổi những gì của mình. Không có xấu sẽ có đẹp, không xem người khác thì biết mình thế nào. Hiểu người để hiểu ta, như con ong chăm hút nhụy, sẽ làm ra mật ngọt. Đúng dịp, Bảo tàng Nghệ thuật đương đại Metropolitan triển lãm tranh siêu thực của P.Renoir, C.Monet (Pháp), A.Klimt (Áo). Lần đầu tiên, tôi xem mà giàn giụa nước mắt.

Quả là nghệ thuật đích thực, khi chiêm ngưỡng trong sự chú tâm, thả lỏng, sẽ khiến người hiểu biết nạp được/ mở ra nhiều thứ và nhận về sự xúc động, trong sáng.

- Ở Hàn Quốc, đất nước đang ảnh hưởng lớp trẻ Việt Nam qua phim truyền hình, tạo làn sóng thời trang, mỹ phẩm, nhạc trẻ, chị có ấn tượng gì?

- Tôi cùng con gái, con rể từ Mỹ sang Hàn Quốc 9 ngày cuối tháng 5 và từ đó về TP. HCM. Như ở Mỹ, tôi lại đến các bảo tàng, gallery. Tôi rất khâm phục tính kỷ luật, ý thức trân trọng lịch sử của người Hàn Quốc, khi họ gìn giữ rất tốt những khu phố cổ ở Seoul, Incheon. Không thể không liên tưởng tới Hà Nội. Chờ đến lúc “phá hết”, Hà Nội không còn gì cổ kính nữa, mới đoái tiếc “biết thế” (!) và đành ngắm di tích qua ảnh thôi sao? Lượng lớn người sống tại Hà Nội không vì yêu thành phố này.

- Chị sống ở TP. HCM nhưng vẫn có một ngôi nhà ở Hà Nội để làm Nhà Lưu niệm nhà văn Kim Lân. Thế khi nào chị trở về Hà Nội. 

- Mẹ con tôi luôn ý thức dành tác phẩm mới ra mắt tại Hà Nội và sẽ trở về sống trong những năm tới. Tôi sẽ làm triển lãm cá nhân thứ 6 “Những đứa trẻ” tại đây vào tháng 10 và tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 60 Nguyễn Thái Học Hà Nội, vào cuối tháng 12-2013.

- Chị ấp ủ dự án này từ lâu, xin hãy chia sẻ!

- Tôi có nhiều ý tưởng, khát vọng sáng tạo. Muốn làm gì, thì căn cốt của mỗi nghệ sĩ không phải là “chịu khó showbiz”, anh chỉ được nể, ghi nhận bằng lao động chuyên môn mà mình có chức danh. Một đạo diễn không có phim hay mà tầm tã lên TV làm giám khảo, chê bai đủ lĩnh vực; một họa sĩ hăng hái khắp mặt báo, đài chẳng vững bền được. Nhiệm vụ cốt yếu của nghệ sĩ là làm tác phẩm tốt. 

- Chị có thể nói về “Những đứa trẻ” trong triển lãm sắp tới được không?

- Tôi yêu trẻ con từ khi trẻ. Hồi xưa, sống ở phố Hạ Hồi cùng bố mẹ, dịp 1-6, Trung thu, tôi hay dẫn lũ trẻ hàng xóm vào phố cổ, sắm quần áo, quà; mua màu, bút vẽ, giấy, dạy chúng vẽ nhiều năm không lấy tiền. Trẻ con hồn nhiên, trong sáng luôn cho tôi sống lại thời thơ ấu, khi chúng tôi tản cư ở ấp Cầu Đen, Đồi Cháy, Bắc Giang, quả đồi đã vào tranh tôi (đoạt giải quốc tế). Thời thiếu niên, thanh niên của chúng tôi tại Hà Nội, gắn với cuộc chiến tranh chống Mỹ, dù đội mũ rơm tránh bom bi, vẫn ra ga Hàng Cỏ vẽ vào ngày nghỉ, dịp hè theo “giáo trình” của bố. Những đứa trẻ là bạn mình, là chính mình, vì chúng thành thật. Tôi vẽ những đứa trẻ khắp các miền đất nước và trẻ con thời chiến tranh, đã được trăm tác phẩm, sẽ chọn lọc 40 bức sơn mài, 20 sơn dầu cho cuộc trưng bày năm nay.

- Chu du cùng Ông nội, tập thơ của Vi Thùy Linh được NXB Kim Đồng tái bản lần 2 trước ngày 1-6, chị vẽ bìa và minh họa rất đẹp. Chị sẽ tiếp tục vẽ cho các em nhỏ chứ?

- Vẽ cho trẻ con, thấy cuộc sống “dễ chịu” hơn khi hóa thân, nhìn đời bằng đôi mắt mộng mơ, trong trẻo, ngây thơ, để mãi “mắt mở to trong nắng thẳm mong chờ“ như thơ Lưu Quang Vũ viết tặng tôi 40 năm trước. Từ 1968 - 1978, tôi vẽ liên tục cho tủ sách Ngựa Gióng, NXB Kim Đồng. 6 tháng cuối năm bận dồn dập, tôi vẫn nhận lời minh họa cho tập truyện thiếu nhi của Vi Thùy Linh, ra mắt tháng 10-2013. Tôi sẽ luôn dành quan tâm đặc biệt cho trẻ nhỏ, tình yêu của tôi.

- Đã du lịch, đi làm việc, triển lãm nhiều nước, khi về, chị mang gì?

- Sách, dù rất nặng. Con người ta có thể không đẹp, nhưng nếu trí tuệ, tài năng, vẫn có sức hút, vì vẻ đẹp tỏa sáng từ bên trong. Có người càng già càng xẹo xọ đi, không phải do dấu ấn tuổi tác, mà vì đầu óc tăng mưu toan, tính. Thần thái con người do tâm mà ra, từ đó ảnh hướng đến phong cách. “Tạp chất”, sự phản trắc nhiễu loạn của các quan hệ có thể khiến ta bị mệt, tổn thương, cuộc sống vẫn còn vô số điều tốt, việc phải làm. Tôi coi sự thúc giục của công việc và áp lực sáng tạo ấn tượng là nguồn vui sống.

- Chị có những câu nói sâu sắc như danh ngôn!

- Thỉnh thoảng, tôi lại gọi điện trò chuyện với ông anh Đào Trọng Khánh đang nghỉ hưu ở Hải Phòng. Mới đây, anh Khánh bảo: “Những điều cô nói trùng với sách Kinh Phật tôi đọc”, trong khi tôi chưa xem các cuốn sách ấy. Sự trùng hợp này cũng như mối đồng cảm với đạo diễn Đào Trọng Khánh, là bởi tôi sống theo tâm niệm: có thế lực siêu nhiên định đoạt nhân quả của con người, có một thế giới tâm linh tồn tại đồng thời với thế giới hiện thực này.

- Trong cuộc gặp gần đây, ĐD Đào Trọng Khánh cho biết, ông đang làm phim về nhà văn Kim Lân. Chị có bài trên ANTĐ Tết Quý Tỵ và một vài báo đã lúc nào chị muốn dừng vẽ để viết sách?

- Có lần, cha tôi bảo: “Hiền ạ, chính ra con phải là nhà văn đấy!”. Tôi yêu văn chương và đọc sách mỗi ngày. Thừa hưởng đam mê và được cha hướng vào hội họa, chị em tôi đã gắn bó với ngôn ngữ màu - hình. Có thể tôi sẽ xuất bản cuốn sách về năm tháng tuổi trẻ, tình yêu, bè bạn - những giá trị theo tôi suốt đời. Viết, hay vẽ đều phải nghiêm túc với chính mình, đưa ra tác phẩm tâm đắc, tôn trọng người xem là phải chịu tìm cái mới, tìm ra cái khác, khác những gì mình đã đưa ra. Một bức tranh đẹp mà phong cách monotone (đơn điệu), phòng tranh sẽ gây nhàm chán. Cái đẹp trong hội họa khác bình thường, không bao giờ là “chụp ảnh” đời sống. Người có thiên tài là nghệ sĩ nhìn thấy trước cái mà đám đông không thấy. Khi Claude Monet (1840 - 1926) trưng bày tranh “Sương mù màu hồng” ở Paris, người xem ở kinh đô ánh sáng phản đối chỉ có sương trắng, làm gì có sương hồng. Nhưng vài năm sau, họ phải thán phục danh họa.

- Sau “Những đứa trẻ”, chị sẽ vẽ gì?

- Sau Những đứa trẻ, tôi sẽ vẽ 100 chân dung (không bán), về các nhân vật đóng góp đặc sắc cho nghệ thuật, xã hội Việt Nam trong thế kỷ 20 đến nay, theo lựa chọn của tôi. Trước hết, họ là những người tử tế.