Họa sĩ Lê Trí Dũng: Nghìn ngựa ào qua đầu ngọn bút

ANTĐ - Năm Giáp Ngọ, nghĩ đến việc chấp bút một giai phẩm ngày Tết thì chẳng chệch đi đâu được đề tài “thăm trang trại ngựa” và được họa sĩ Lê Trí Dũng tiếp chuyện ngựa tại tư gia. Nguyên do thì thừa lý lẽ, bởi như họa sĩ Lê Thiết Cương đã từng viết “Sau lớp họa sĩ bậc thầy Nguyễn Tư Nghiêm thì Lê Trí Dũng là người vẽ ngựa nhiều nhất”. Còn họa sĩ Thành Chương thì khẳng định “đã được chiêm ngưỡng hàng nghìn bức tranh ngựa của họa sĩ Lê Trí Dũng”… 

Đàn ngựa chiến thuở ấu thơ

“Một cái gì xưa cũ, một cái gì đã mất đi nhưng rất bền vững, tựa như người ông ngoại của tôi, người thầy vỡ lòng đã dẫn tôi vào thế giới chữ nghĩa, trong đó có thế giới của những con ngựa chiến lừng danh” - họa sĩ Lê Trí Dũng tâm sự - “5, 6 tuổi, lứa tuổi rất nhạy bén trong tiếp thu kiến thức đầu đời, và ông ngoại chính là người thầy đầu tiên lùa đàn ngựa chiến của nhân loại vào trí não non nớt của tôi. Ông ngoại tôi đặc biệt mê truyện Tàu. Ông đọc bằng tiếng Trung Quốc. Hàng ngày ông lại có các bạn đến chơi, đàm đạo, bình giảng. Tôi dỏng tai lên nghe. Ông ngoại tôi gọi tất cả bằng anh hết, anh Tào Tháo, anh Quan Công, anh Khổng Minh… Đến con ngựa cũng thành anh Xích Thố, anh Đích Lư… Rồi các bạn của ông ngoại cũng bổ sung nhiều giống ngựa quý. Mãi sau này tôi tập trung các con ngựa ấy lại, chỉ còn nhớ một vài con”... 

Họa sĩ Lê Trí Dũng kể đến đây rồi im lặng khiến tôi chưng hửng. Như chiều lòng, ông kể tiếp: “Con Kiền Trắc là một giống ngựa Ấn Độ, hai tai chụm vào nhau, Thái tử Tất Đạt Đa từng cưỡi. Con Xích Thố, toàn thân đỏ như lửa của Quan Công.  Con Đích Lư nổi tiếng phản chủ vì có vũng nước đáy mắt của Lưu Bị. Con Ô Chuy màu đen loang trắng của Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ. Con Hoàng Phiêu lông vàng như mây của Tần Thúc Bảo; con Trảo Hoàng Phi Điện của Tào A Man. Hai con Thiên Lý Phong và Vạn Lý Vân của Mạnh Lương. Con Hồ Lôi Bảo của Thượng Sỹ Đồ; con Nhàn Lương Thông của Bồ Tùng Linh tiên sinh trong Liêu Trai Chí Dị…”. Ông kể đến đây thì tôi ngắt chuyện để hỏi rằng sao toàn ngựa xưa tích cũ trong văn học, lịch sử Trung Hoa mà thiếu hẳn ngựa nước Nam? Họa sĩ Lê Trí Dũng cười và nói: “Tôi cũng đã từng hỏi ông ngoại: Ông ơi, ở An Nam ta không có ngựa hay hả ông? Ông bảo đừng tưởng chỉ có Trung Quốc mới có ngựa hay, An Nam ta khối ngựa tốt. Ngày xưa Lý Thường Kiệt từng cưỡi con Song Vĩ Hồng, đuôi rất dài chia làm hai màu hồng và trắng đã từng đánh Tống, chiếm Lưỡng Quảng. Vua Trần Duệ Tông cưỡi con Nê Thông, giống này lông xanh đen ửng sắc kim xám bùn, chinh chiến sa trường. Vua Thái Đức Nguyễn Nhạc dùng con Bạch Long Câu, thuộc loài “ngựa Hạc”, lông trắng, phi như hạc bay. Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát được Vua Cao Miên cống con Xích Kỳ, toàn thân sắc đỏ, bờm và đuôi đen huyền, sau này lọt vào tay Đô đốc Tuyết. Đại tướng quân Đặng Xuân Phong có con ngựa, toàn thân đen như mun có biệt danh là Ô Du (con quạ rong chơi), phi thì như bay, nhưng nước kiệu uyển chuyển như cọp. Nữ tướng Bùi Thị Xuân có con Ngân Câu, rất to khỏe lực lưỡng thuộc giống ngựa Kim. Tướng quân Lý Văn Bưu có con Hồng Lư, thoạt nhìn thấy ngây ngô, đầu như đầu lừa, sắc lông nâu hồng, cực bất kham, chỉ tuân lệnh chủ, hí một tiếng các ngựa khác đều sợ hãi bỏ chạy. Ông Đinh Cường ở xứ Bằng Châu là ngoại tổ của anh em nhà Tây Sơn có con Kỳ Mã, thuộc loại Huyết Hãn Bạch Tạng, lông trắng như tuyết, mắt đỏ như hai hòn than, gặp sông sâu, lửa cháy không bao giờ từ nan… Trong quân Cần Vương lừng lẫy năm xưa, nguyên soái Mai Xuân Thưởng có con ngựa Hồng, Quản Trấn Trần Tân có con ngựa đen, giống Bắc Thảo, thường đi cặp đôi với nhau rất thân thiết, người đời gọi là Linh Phong Song Tuấn Mã”…

Ngựa xuân mã hồi

Ông có nhớ hết mình đã từng vẽ bao nhiêu con ngựa không? Tôi hỏi họa sĩ Lê Trí Dũng và được đáp: “Có một cuộc trò chuyện giữa 3 người, tôi, họa sĩ Thành Chương và họa sĩ Lê Thiết Cương. Cương hỏi tôi vẽ dễ có đến hàng trăm con đấy nhỉ? Thành Chương ngồi lẩm nhẩm tính từ đầu năm 1980 đến giờ quãng 30 năm, mỗi ngày chỉ vẽ 1 con bởi có ngày Dũng không vẽ con nào nhưng có ngày lại vẽ 5 con thì đến giờ cũng đến 9.000 con ngựa rồi. Thế nhưng tôi khiêm tốn nhận rằng không cần tính thế, dù con số đó chưa hẳn đã sai thì tôi vứt hẳn 8.000 con đi, nghĩa là 10 ngày tôi mới vẽ 1 con thì chắc chắn cũng phải đến hàng nghìn con… Nhà thơ Hữu Thỉnh đã từng bảo tôi: Chú có phải tuổi ngựa đâu mà vẽ nhiều ngựa thế? Sau này nhiều nhà báo trong và ngoài nước cũng hỏi tôi như thế. Thực ra để trả lời các câu hỏi đó tôi đã phải nghĩ ra bao nhiêu lý do, nào là vì con ngựa có đủ đức tính cao quý Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín, rồi Trung - Dũng… Để chứng minh tôi phải vận dụng cả kho kiến thức nghèo nàn của mình ra, nào là tích “Ngựa quen đường cũ”, rồi “Tái ông thất mã”, “Xích Thố bỏ ăn”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, “Nhảy ngựa Đàn Khê”… Có lần, để khỏi dài dòng kể lể cho các ông Tây bà đầm khi mua tranh, tôi viện luôn lý do là con trai tôi tuổi ngựa, họ thích lắm, thật thắm tình phụ tử! Thật ra tất cả các lý do đó không hề sai. Đúng là ngựa hùng hục kéo xe, kéo cày từ mờ sáng đến tối đêm, tối về nhai bó cỏ, suốt đời không ăn thịt, không hại ai, lâm trận thì coi chốn tên bay đạn lạc như không, lại còn bị đem nấu cao bồi bổ sức khỏe cho con người, nhất là mấy anh Bạch mã. “Anh” nào khéo léo sau vài cua huấn luyện đã có thể ra rạp xiếc biểu diễn. Lại còn những cuộc đua ngựa nữa chứ, vẻ phong lưu mã thượng, tốc độ như gió khiến nhiều người tự hào là Thiên Lý Mã. Và cũng vì thế ngựa như là biểu tượng cho may mắn, an lành, phúc đức…”. 

Ngồi trong không gian họa thất, thư phòng của họa sĩ Lê Trí Dũng, được ông bảo những lúc tĩnh lặng như thế này trong ngày xuân khi nhấc cây bút lông lên sắp dồn khí vào tấm giấy dó trắng ngà trước mặt, bao giờ cũng có một con ngựa trạm nâu sậm, vạm vỡ bờm xù, đai yên lục lạc, chuông khánh loảng xoảng, bóng loáng mồ hôi chạy nước kiệu tới bên ông. Gọi là ngựa trạm vì nhiệm vụ của nó là thông tin, là hỏa tốc, phải chạy ngày chạy đêm cùng những người lính bé nhỏ, rắn như sắt, nhanh như ngựa và phải vượt qua đồng cỏ, sông suối, dốc đèo, bản làng… Nhưng bao giờ khi chạy về phía ông nó cũng đèo thêm một cành hoa đào, loại đào bích, bông to, đỏ sẫm, cành đào còn rất nhiều nụ. Trong đêm, cái rét khi khí xuân về, tê tái, con ngựa rũ bụi đường trường, dậm chân hí vang, cành đào buộc cạnh túi công văn lúc lắc theo gió, xuân về rồi? Xuân và ngựa cùng về trong vất vả, niềm vui… 

Và giấc mộng ngựa ô

Thăm “trang trại ngựa” với hàng nghìn con ngựa ngũ sắc được họa sĩ Lê Trí Dũng nâng niu, chăm sóc cẩn thận thật kỳ thú. 

“Dù chúng có được vẽ trên nền giấy Điệp rực sắc bạch, điều, dù chúng có được vẽ trên nền lụa Tàu óng ả, trên những tấm toan thô ráp, xù xì hay trên những tấm vóc cao sang với những vỏ trứng, những vàng, những bạc… thì theo dòng thời gian chúng sẽ bỏ tôi mà đi”, ông bảo. Theo lý giải thì trong đàn ngựa của ông dẫu có lúc đã đông tới cả nghìn con, với đủ các chủng loại từ Á sang Âu cũng chẳng thể đấu lại được dòng thác hỗn loạn của thị trường đời người và thị trường tranh pháo, trong dòng thác suy thoái của tình người, trong sự “phấn đấu mãnh liệt” của các “họa sĩ nhái tranh”. Biết vậy nhưng con người ta vẫn phải mơ chứ, ông chắc hẳn cũng không phải ngoại lệ - “Giống ngựa tôi vẽ nhiều nhất là ngựa Ô. Thế nhưng đời tôi chưa một lần được nhìn thấy một con Ô thật! Không có lẽ cổ nhân tưởng tượng ra giống ngựa Ô? Đã có lần, thấy một con Ô chạy nước kiệu trên quãng từ đoạn ngã tư Hà Đông ra Văn Điển, mừng hú, lại gần thì lại là một chú nâu sậm, cực sậm, dù sao cũng cực đẹp, cứ lẽo đẽo theo ông xe thồ mà ngắm mấy cây số, lòng mơ nhà có đất có vườn mà nuôi vài con Ô, con Bạch để cưỡi để chơi để vuốt ve hôn hít, chả cái giống nào lành bằng giống ngựa, trung thành thì nhất mực, giữ lễ thì thế là cùng, chữ tín thì không thể nói… Ấy thế mà cho đến nay tôi vẫn chưa từng gặp một ngựa Ô nào ngoài đời thường. Thật thế! Lạ thế!”. 

Có đến cả trang trại với cả nghìn con nhưng ngày xuân vẫn xin chúc giấc mơ của ông sớm thành hiện thực. Nhưng hiện tại thì tôi tin vào lời thơ nhà thơ Vũ Quần Phương đề tặng ông rằng: “Nghìn ngựa ào qua đầu ngọn bút/ Thân chưa khô mực, đã đường xa/ Ngựa ơi đồng đất người thiên hạ/ Cỏ nuôi mày vẫn cỏ lòng ta”… Xuân về! Ngựa trạm về đến ngõ rồi kìa! Nghe móng gõ lộp cộp, lòng ai không khỏi xúc động khi khí xuân rét tê tái ùa vào lòng… Tiễn tôi khỏi “trang trại ngựa” cuối cùng còn lại vẫn chỉ có “một con ngựa”, gam màu đơn sắc, bờm xù, ngoảnh lưng lại người xem. Bây giờ “nó” đi chậm rãi, thản nhiên, ngạo nghễ, dường như muốn nói: “Đời là thế! Có gì đâu mà phải hoắng lên”.