Họa sĩ Kà Kha Sam - chàng rể Hà Nội tài hoa

ANTĐ -  Mỗi lần lên Tây Bắc, tôi lại muốn được ngồi uống rượu và trò chuyện về xứ sở của hoa ban cùng chàng rể Hà Nội Kà Kha Sam, người đang dành thời gian cho công việc lưu giữ nét đẹp văn hóa núi rừng Tây bắc bằng chính những tác phẩm hội họa của mình...
Họa sĩ Kà Kha Sam -  chàng rể Hà Nội tài hoa ảnh 1

Sóng gió đầu đời

Ngôi nhà ông đơn sơ như những ngôi nhà dân nghèo ở phố núi Sơn La. Cái mõ trâu treo ngay cửa vào, mấy bức vẽ dở dang dựng ở cửa... Chủ nhân ngôi nhà là họa sỹ người Khơ Mú - Kà Kha Sam từng được giới thiệu trong các tài liệu du lịch cho khách ngoại quốc. Sau cái bắt tay là câu mở đầu quen thuộc: “Uống rượu nhé!”. 

Kà Kha Sam kể rằng, quê ông bên dòng Đà giang hung dữ và heo hút. Thuở nhỏ, mới 6 tuổi đã mồ côi cha mẹ. Tây càn lên đây đốt cháy nhà, cháy làng. Cha mẹ mất, thằng bé Khơ Mú ấy nhớ mẹ, lang thang trong rừng, gọi mẹ khản cả hơi. May thay có cô gái Thái là Kà Thị Nhại đi tìm chồng là Kà Văn Sĩ. Kà Văn Sĩ đi đâu Nhại không biết được... Người đàn bà Thái đã nhặt được cậu bé mồ côi ngay đầu bản. Cô ôm lấy đứa bé như là thứ quà của đất núi Tây Bắc. Không thấy Kà Văn Sĩ về, Kà Thị Nhại đã làm lễ cúng, tuyên bố với thần núi, thần nhà rằng từ nay xin cho Kà Kha Sam làm con.  Kha Sam mang họ Kà người Thái từ đó. 

Mẹ Nhại nuôi Kà Kha Sam một mình. Rồi một hôm khi Sam từ rừng về thì không thấy mẹ Nhại đâu. Cậu bé lại một lần nữa lay lắt giữa đời, hôm sớm nhờ dân bản cưu mang. Một hôm có người lạ mặc áo Tây đầu đội mũ nồi người Thái đến bảo: “Bố mày theo Việt Minh nên Tây bắt mẹ mày làm gái xòe rồi. Mày phải về ở với tao, chăn trâu cho tao”. Vậy là Kà Kha Sam  thành người ở cho nhà giàu Lò Văn Muôn ở bản Hẹo gần thị xã Sơn La.

Chiến thắng Điện Biên Phủ rồi, Sam vẫn còn ở đấy. Bỗng một hôm có người đàn bà lạ trở về ôm lấy cậu mà khóc. Lúc ấy Khà Kha Sam mới biết bố đi làm cách mạng nên mẹ bị bắt đi vào đồn Tây rồi đưa về chốn thị thành. “Bố con đã hy sinh ở Mường Mơn ngoài Mai Sơn rồi...”, mẹ Nhại bảo thế rồi đưa Sam về dựng lại túp lều bằng những đồng tiền cóp nhặt được...

Buổi chiều cuối năm núi rừng mờ sương khói, tôi ngồi với Kà Kha Sam để cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp Tây Bắc qua những bức tranh mới vẽ của ông. Ông đang nhớ nếp nhà sàn nghèo Khơ Mú, cái nhà sàn mà vì không có “khau cút” (chi tiết trang trí nóc nhà bằng gỗ) nên ngày xưa ông mãi thuộc về đẳng cấp nghèo... 

Muốn lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc

14 tuổi, Sam được đi học trường Thiếu nhi dân tộc Trần Đăng Ninh. Mới học lớp 3, nhưng năng khiếu hội họa bộc lộ sớm nên cậu có một bước rẽ khác, ấy là Nhà nước lại cho cậu về Hà Nội học trường Mỹ thuật. Năm 1963, Kà Kha Sam tốt nghiệp Trung cấp Mỹ thuật rồi xung phong trở lại Sơn La làm việc ở Ty Văn hóa. Được chừng 1 năm, Kà Kha Sam lại thi tiếp vào Đại học Mỹ thuật Hà Nội và trúng tuyển. Học được 3 năm, chàng trai người Thái gốc Khơ Mú này  làm đơn xung phong đi chiến trường.

Thế là trong đoàn quân vào Nam chiến đấu năm ấy có người họa sĩ trẻ Kà Kha Sam. Ở chiến trường được 3 năm, đơn vị phát hiện ra ông là… con một, lại mồ côi nên buộc phải về hậu phương theo quy định. Sau khi về an dưỡng tại Bộ Tư lệnh Thủ đô, ông xin không đi học tiếp  mà trở lại Sơn La.

 Quen biết và đem lòng yêu cô gái ngoại thành Hà Nội thời còn vác giá đi vẽ ở Gia Lâm. Chàng trai Tây Bắc trở về quê hương công tác đã dẫn cô theo cùng. Về Sơn La, Kà Kha Sam lại trở về Ty Văn hóa. 

Đang công tác sôi nổi như vậy nhưng lòng say mê hội họa đã đưa Kà Kha Sam trở lại Hà Nội để học tiếp năm thứ tư Đại học Mỹ thuật. Ông được học thầy Trần Lưu Hậu và một số họa sĩ tên tuổi khác... Năm 1982, Kà Kha Sam tốt nghiệp với tấm bằng thủ khoa. Tác phẩm sơn dầu “Uống rượu cần” của ông hiện vẫn còn treo ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và ông trở thành hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam từ ấy.

Còn một điều ít người biết là Kà Kha Sam đã từng là Đại biểu Quốc hội Khóa IX và là Ủy viên Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. Bằng hội họa, bằng cống hiến của mình, cậu bé mồ côi Kà Kha Sam năm nào đã góp phần làm rạng danh cho dân tộc mình, quê hương mình...

 Vốn sống, vốn hiểu biết và đặc biệt là nét đẹp văn hóa truyền thống đã ăn vào máu thịt của ông, nên tranh ông vẽ gần gũi với đời sống vùng cao. Ông vẽ thiếu nữ Thái, Mông, Mường... vùng  Tây Bắc cùng những sinh hoạt gắn với truyền thống văn hóa của các dân tộc.

Thế mạnh và sở trường của Kà Kha Sam và cũng là tâm huyết của ông là làm sao lưu giữ vốn văn hóa, bản sắc vùng đất, dân tộc trong các tác phẩm hội họa và trong đời sống thường nhật... Hai lần triển lãm riêng ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Nhà Triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội là hai mốc đánh dấu sự đầy đặn trong sáng tác của ông.  

Không ít lần Kà Kha Sam được nhận Giải thưởng Mỹ thuật quốc gia, nhưng điều ông vui nhất đó là giải thưởng công chúng dành cho mình. Hầu như bức nào của ông vẽ ra cũng đều có người mua.... Hội họa Kà Kha Sam là hồn vía bản làng quê ông, chính vì thế mà bố cục, mầu sắc trong các tác phẩm dù chất liệu sơn dầu, màu nước hay sơm mài... đều mang vẻ nguyên sơ, hồn hậu. Ông còn rủ tôi có dịp vào một bản Mông, nơi có nghề làm giấy dó đặc biệt. “Đến đấy bạn sẽ thấy giá trị của văn hóa bản địa còn lại đáng trân trọng khi công nghệ làm giấy thủ công độc đáo không nơi nào giữ được...”. 

Tôi hứa với ông là sẽ cùng đi, mặc dù từng bao lần lỡ hẹn trong đời làm báo của mình mà về sau cứ tiếc mãi...