Họa sĩ Cao Ban Ban: "Người lạ" giữa phố quen

ANTD.VN - Nếu chỉ nghe tên gọi, nhiều người sẽ lầm tưởng họa sĩ Cao Ban Ban là người dân tộc. Nhưng thực ra, ông là người Kinh 100% nhưng lại thích vẽ về đề tài dân tộc. Có lẽ thế, ở triển lãm cá nhân lần thứ 5, ông đã cho ra mắt loạt tranh về Sapa  như một điểm nhấn trong “Việt Nam ơi”.

Năm nay 66 tuổi nhưng nhựa sống trong các tác phẩm của Cao Ban Ban vẫn tràn trề với bút lực tươi mới, dứt khoát và mạnh mẽ. Màu sắc sinh động và phần lớn trong số ấy là những gam màu mạnh. Do vậy, khi xem tranh của Cao Ban Ban, nhiều người đều cảm thấy niềm vui, sự tươi tắn mà tác giả đã truyền tới khán giả.

Một tác phẩm của họa sĩ Cao Ban Ban

Khi vẽ về phong cảnh đất nước, những nơi Cao Ban Ban đặt chân tới, ông thể hiện cảm xúc của mình đầy khoáng đạt trước thiên nhiên. Nhưng không chỉ có như thế, trong tranh ông còn có sự xót xa cho những số phận, những mảnh đời ông gặp dọc đường. Vì thế, ông đã đặt tên cho cuộc triển lãm là “Việt Nam ơi” với đong đầy tình cảm của một người con Việt Nam đối với quê hương đất nước.

Nhiều tác phẩm về Sa Pa được họa sĩ Cao Ban Ban trưng bày trong triển lãm

Nhận xét về các tác phẩm của họa sĩ Cao Ban Ban tại triển lãm “Việt Nam ơi”, họa sĩ Tô Ngọc Thành chia sẻ, Cao Ban Ban đang theo đuổi một lối vẽ riêng, theo chủ nghĩa biểu hiện hiện sinh. Đó là phong cách hồn nhiên, ngây thơ đem lại sự đáng yêu cho người xem. Ông vẽ tranh không theo một nguyên tắc mà tự do bộc lộ cảm xúc của mình. Như Picaso từng nói, nghệ thuật chống gò bò, thì Cao Ban Ban đang triệt để theo đuổi trường phái này. Tình cảm của người nghệ sĩ với đối tượng là thứ được đề cao trong các sáng tác của ông. Khi xem tranh Cao Ban Ban, nhiều người cảm thấy thú vị vì không giống ai và cũng không ai vẽ giống Cao Ban Ban.

Cao Ban Ban đề cao cảm xúc trước đối tượng trong sáng tác

Đặc biệt, ở triển lãm lần này, ông dành phần lớn nét bút để diễn tả vẻ đẹp của Sa Pa. Khi hỏi ông có gặp áp lực khi đi vào một đề tài đã có cả nghìn họa sĩ cùng theo đuổi. Cao Ban Ban cười khà khà và rằng, chẳng thấy một chút áp lực nào, bởi mỗi người có một cảm nhận riêng và ông là người thiên về cảm xúc nên chắc chắn sẽ khác. Và so với 4 cuộc triển lãm cá nhân đã diễn ra trước đó, đúng là Cao Ban Ban đã “lên tay”. Lần này, ông đi vào những ngõ nhỏ của cảm xúc thay vì đi vào những đại thể.

Ở đó có cả những bức chân dung được ông thể hiện về những người yêu mến. Một anh dân tộc thổi khèn với cái dáng một chân co, một chân duỗi và cái miệng tru lên để dành hơi cho điệu nhạc. Dù hội họa không diễn tả được âm thanh nhưng Cao Ban Ban thể hiện được giai điệu ấy nhờ vào việc diễn tả dáng điệu của người thổi kèn. Là người nắm lấy rất nhanh tinh thần của phong cảnh, Cao Ban Ban vẽ và hoàn thành tác phẩm trong…1 nốt nhạc.

Họa sĩ Cao Ban Ban

Có lẽ với sự sung sức ấy, ông đã hoàn thành các tác phẩm lần này với 45 bức tranh chỉ trong năm 2019. Và xem ra, lão họa sĩ chưa muốn dừng lại về đề tài phong cảnh đất nước. Ông chia sẻ, điều tiếc nuối của ông là chưa được thăm thú hết các vùng đất của tổ quốc. Thời gian tới đây, ông sẽ tiếp tục có những chuyến đi tới nhiều vùng miền và sáng tác các tác phẩm.

Một điệu nhạc được diễn tả trong hội họa

Họa sĩ Cao Ban Ban tên thật là Cao Văn Ban, sinh năm 1953 tại Nho Quan, Ninh Bình. Sinh ra trong gia đình không có truyền thống nghệ thuật, nhưng ngay từ khi còn trên ghế nhà trường, Cao Ban Ban đã yêu thích mỹ thuật. Tuy nhiên, khi ước mơ còn chưa thực hiện được thì năm 1973, khi mới 20 tuổi, ông phải lên đường nhập ngũ. Đến năm 1977 thì ông trở về, làm qua nhiều việc để kiếm sống, rồi lấy vợ sinh con. Vì đam mê, ít năm sau, ông quyết định thi vào trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, đến năm 1985 thì tốt nghiệp, rồi trở thành giảng viên tại đây.

Để có thể theo đuổi được đam mê, sống được với đam mê của mình, Cao Ban Ban đã phải làm rất nhiều việc từ đi vẻ chân dung, rồi đi dạy học từ Bắc vào Nam. Cho đến thời điểm này, khi gánh nặng cuộc sống mưu sinh đã vơi đi, ông mới toàn tâm toàn ý cho nghệ thuật.

Triển lãm "Việt Nam ơi" diễn ra tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền từ ngày 23 đến ngày 31-12.