Hoa quả “đại hạ giá”: Của rẻ là của ôi

ANTĐ - Thời gian qua, trên một số tuyến phố, nhiều mặt hàng hoa quả, trong đó có cả hàng nhập ngoại được bán với giá rất thấp. Điều đáng nói là hầu hết những mặt hàng này đều đã bị bầm dập, thối ủng một phần nhưng người tiêu dùng vì ham rẻ vẫn mua về sử dụng, bất chấp những nguy cơ đe dọa đến sức khỏe.

Hoa quả đại hạ giá được bày bán khắp nơi

Cam, dưa vàng: 2.000 đồng/kg

Tại một số tuyến đường xung quanh các chợ đầu mối như chợ Long Biên, chợ Xanh… hoa quả “đại hạ giá” được bày bán khá nhiều với đủ loại như cam, dưa vàng, bưởi, táo… Điểm chung của hầu hết các mặt hàng là đều bị cắt gọt mất một phần và được bán với giá rẻ… như cho. Theo bà N.T.T - người bán hàng khu vực quanh cầu Long Biên, cam, táo và dưa vàng, thường có giá từ 2.000-3.000 đồng/kg, những loại quả khác như bưởi, chuối… thì được bán theo quả, theo nải. Trước sự băn khoăn của một số khách hàng về sự an toàn của những loại quả này, bà T khẳng định: “Hàng chất lượng đảm bảo, chỉ bị dập một phần do vận chuyển nên không vấn đề gì. Người mua chỉ cần bỏ ra vài nghìn đồng là có hoa quả ăn, đúng là “mát, bổ, rẻ”. Bản thân tôi và người nhà ngày nào cũng ăn mà có sao đâu”. 

Không chỉ bán những mặt hàng hoa quả đã bị dập, thối, bà T còn kinh doanh các loại nho xanh có vị ngọt, không hạt và khá dễ ăn. Mặc dù theo bà T, đây là nho Ninh Thuận, song chúng lại có giá chỉ từ 30.000-40.000 đồng/1kg. Trong khi đó nho Ninh Thuận “xịn” vị hơi chua, có hạt, vỏ dày hơn lại có giá 90.000-100.000 đồng/kg. Do vậy, chỉ cần tinh ý, người tiêu dùng có thể nhận ra loại nho mà bà T đang bày bán có xuất xứ từ Trung Quốc.

Không chỉ hoa quả được bày bán ở các chợ mà trong một số siêu thị, một số loại hoa quả như lê Corella, chuối, cà tím, xoài cát… đều bị bầm dập, khô héo cũng được bán tại một số siêu thị với giá giảm từ 60-70%. Cụ thể như: Lê Corella Nam Phi giá 90.000 đồng giảm xuống còn 26.000 đồng/0.8kg, chuối từ 26.000 đồng giảm còn 9.000 đồng/nải, su su từ 6.000 đồng giảm còn 2.500 đồng/0,6kg…

Do giá quá rẻ nên những mặt hàng này thu hút được sự chú ý của nhiều khách hàng. Tuy vậy, không phải ai cũng bỏ tiền ra mua. Chị Vũ Mai Lan - nhân viên văn phòng ở quận Thanh Xuân cho biết, ban đầu khi nhìn thấy giá các mặt hàng hoa quả trên, chị rất ngạc nhiên, nhưng sau khi trực tiếp xem hàng, chị Lan mới hiểu tại sao giá của chúng lại rẻ đến vậy. Phần lớn quả đã chuyển sang màu thâm tím, bị khô héo, bầm dập, thậm chí đã thối quá nửa. “Dù chỉ bỏ ra vài chục nghìn đồng tôi cũng không dám mua loại hoa quả này về ăn vì chắc chắn chúng đã được bày bán khá lâu. Bên cạnh đó, nguy cơ vi khuẩn xâm nhập vào bên trong hoa quả là rất cao do đã bị thối rữa. Đúng là “của rẻ là của ôi” - chị Lan chia sẻ.

Trái ngược quan điểm với chị Lan, một số bà nội trợ vẫn mua loại hoa quả này về ăn với quan niệm “ăn được thì ăn, chỗ nào không sử dụng được thì bỏ”, thậm chí sau khi mua xong họ còn bổ thử một vài quả ra ăn tại chỗ để “kiểm tra chất lượng” trước sự lo ngại của nhiều người xung quanh.

“Rẻ” nhưng không “bổ”

Ông Lê Đình Tiến - Kỹ sư hóa thực phẩm cho rằng, các loại hoa quả ngọt đậm như lê, xoài và các loại dưa... khi bị thối một chỗ nào đó sẽ rất nhanh chóng nhiễm khuẩn cả quả. Còn các loại quả có độ chát, ít đường thì vi khuẩn ít xâm nhập hơn. Vi khuẩn xâm nhập vào bên trong quả bằng nhiều con đường. Với những loại quả như ổi, mướp đắng, dưa chuột... các loài côn trùng như ong, bướm có thể chích hút hoặc đẻ trứng vào trong quả qua những lỗ nhỏ mà mắt thường khó phát hiện được. Do vậy, trong nhiều trường hợp nếu không xem xét kỹ, người tiêu dùng có thể mua phải những quả bên ngoài trông vẫn tươi ngon nhưng bên trong đã bị thối nát, thậm chí có dòi. Những loại quả khi bị vi khuẩn xâm nhập thường bị lên men nên có vị chua, sau đó chuyển sang thối rữa. Bên cạnh đó, màu sắc của chúng thường nhợt nhạt, không được tươi ngon như ban đầu. 

Còn đối với những loại quả nhanh hỏng như lê, đu đủ, táo, na... các nhà sản xuất thường phải sử dụng chất bảo quản. Tuy vậy, hóa chất bảo quản cũng chỉ có tác dụng trong một thời gian nhất định và chỉ với phần vỏ bên ngoài của quả, còn bên trong lõi quả vẫn có nguy cơ bị thối hỏng nếu quả được bày bán từ khá lâu. Do đó, chất lượng và giá trị dinh dưỡng ở những loại quả này sẽ không được đảm bảo như khi mới thu hoạch nên chắc chắn không tốt cho sức khỏe.

Ông Lê Đình Tiến cũng khuyến cáo, hoa quả là nguồn thực phẩm quan trọng và không thể thiếu trong việc cung cấp vitamin, nước và chất xơ cho cơ thể. Song để bảo vệ sức khỏe của mình, hạn chế nguy cơ bị ngộ độc, người dân chỉ nên mua và ăn những loại hoa quả còn tươi, sạch, không dập nát. Với những loại quả khi phát hiện dập thối bên trong, người tiêu dùng nên vứt bỏ ngay, bởi đó là dấu hiệu cho thấy hoa quả này đã được sử dụng chất bảo quản với thời gian quá lâu. Đặc biệt, đối với những loại hoa quả đã bị cắt gọt một phần, người dân tuyệt đối không nên mua vì nguy cơ nhiễm khuẩn của chúng rất cao.