Hỏa hoạn rình rập chợ những ngày cận Tết

ANTD.VN - Dịp cuối năm, việc các hộ kinh doanh tập kết hàng hóa để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán diễn ra tấp nập tại các chợ trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, chính từ sự gia tăng đột biến hàng hóa, con người, ý thức người dân còn chưa cao trong thời tiết hanh khô luôn tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn tại các chợ vào thời điểm này.

Hỏa hoạn rình rập chợ những ngày cận Tết  ảnh 1Hiện trường vụ hỏa hoạn tại chợ Phùng Khoang

Hỏa hoạn: Nỗi lo có thật

Nhắc đến những khu chợ trên địa bàn Hà Nội là nói đến nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ, đặc biệt vào dịp cuối năm. Sở dĩ hiện hữu nỗi lo này xuất phát từ việc các tiểu thương tập kết hàng hóa để phục vụ người dân dịp Tết. Từ những ki-ốt nhỏ bỗng dưng biến thành kho chứa hàng hóa chồng chất, cùng với các hoạt động giao thương cuối năm thường tấp nập hơn trong khi tiểu thương lơ là vấn đề an toàn PCCC sẽ dẫn đến nguy cơ xảy ra hỏa hoạn bất kỳ lúc nào.

Theo ghi nhận của phóng viên, thực tế tại một số khu chợ Hà Nội trong nhiều ngày qua nhận thấy rõ sự chủ quan của người dân đi chợ và tiểu thương kinh doanh. Vốn là khu chợ tạm, song lượng khách và các mặt hàng kinh doanh tại chợ Nhà Xanh, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy luôn tấp nập. Kinh doanh mặt hàng chủ yếu là vải vóc, quần áo, tuy nhiên đây không phải là điều lo ngại nhất dẫn đến hỏa hoạn mà chính là hàng nghìn gian hàng xen lẫn giữa nhà dân và hoạt động của chợ. Trong khi đó, chợ Nhà Xanh được quận Cầu Giấy xác định là chợ tạm, vì thế việc đầu tư thiết bị, phương tiện an toàn PCCC rất thiếu thốn. Trước thực tế này, lực lượng Cảnh sát PCCC số 3 - Cầu Giấy cùng Ban quản lý chợ Nhà Xanh thường xuyên tổ chức tuyên truyền, tập huấn PCCC, thế nhưng nguy cơ hỏa hoạn vẫn luôn rình rập. 

Tương tự chợ Nhà Xanh, chợ Phùng Khoang được cho là đầu mối cung cấp các mặt hàng thời trang cho khu vực dân sinh các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, đặc biệt là số lượng lớn sinh viên tại các trường lân cận. Với hàng trăm sạp vải, quần áo thời trang cùng lượng lớn người ra vào khiến chợ luôn trong tình trạng quá tải. Tập trung đông người qua lại là nguy cơ cao dễ xảy ra cháy bắt nguồn từ chính ý thức cộng đồng chưa cao.

Đại tá Lê Chí Cao, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 3 - quận Cầu Giấy cho biết: “Với lượng hàng hóa lớn, nhưng ý thức an toàn PCCC của người dân chưa cao. Trong số nghìn người kinh doanh trong chợ chỉ cần một người thiếu ý thức hoặc sơ suất vứt tàn thuốc lá không dập, dùng thiết bị điện bỏ quên… là có thể dẫn đến nguy cơ cháy”. Tương tự, chợ Cầu Giấy, chợ Nhật Tân…  cũng tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn do chợ cũ đã xuống cấp.

Hỏa hoạn rình rập chợ những ngày cận Tết  ảnh 2Chợ Phùng Khoang tấp nập về đêm

Hạn chế: Xuất phát từ ý thức

Có lẽ, vụ hỏa hoạn gây chết người và thiệt hại hàng tỷ đồng xảy ra tại chợ tạm Phùng Khoang, quận Nam Từ Liêm hồi tháng 5-2015 là bài học lớn cho các hộ kinh doanh tại các chợ trên địa bàn Thủ đô. Tiếp đó là các vụ cháy xảy ra liên tiếp tại chợ Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm và chợ Nhật Tân, quận Tây Hồ cũng gây thiệt hại lớn về tài sản. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hỏa hoạn, song đa phần nguyên nhân đều xuất phát từ ý thức của con người. Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 2 - phụ trách địa bàn các quận Ba Đình, Đống Đa cho biết: “Hầu hết các chợ tại địa bàn đều tồn tại vi phạm khi đơn vị tiến hành kiểm tra. Tuy nhiên việc xử phạt còn nhẹ, cùng với đó là do các chợ được xây dựng từ lâu, hệ thống chữa cháy với các thiết bị đã cũ, xuống cấp không còn đạt tiêu chuẩn nên tiềm ẩn cao nguy cơ cháy, nổ”. Cũng theo Đại tá Nguyễn Trường Sơn, đối với các tiểu thương để tồn tại nguy cơ cháy thì có thể xử phạt, nhưng đối với người dân vào khu chợ chủ yếu kinh doanh hàng hóa dễ cháy nhưng vẫn hút thuốc lá, rồi gạt tàn tùy tiện thì việc này sẽ rất khó kiểm soát.

Về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho biết: “Hạn chế các vụ cháy trước tiên phải từ ý thức của người dân, bởi đảm bảo an toàn PCCC là trách nhiệm của toàn dân. Do đó, từ ý thức chữa cháy đến phương tiện PCCC đều phải đồng bộ, đầy đủ thì công tác PCCC mới hiệu quả”. Phân tích về những nguy cơ tiềm ẩn cháy, nổ tại các chợ tạm hiện nay, Đại tá Nguyễn Văn Sơn cho biết, do những khu chợ cũ có thẩm duyệt về PCCC từ những năm trước, nên đã không còn phù hợp. Nhiều hạng mục về an toàn PCCC đã hoạt động kém hiệu quả, thậm chí không còn hoạt động. Trong khi đó, các Ban quản lý chợ, bà con tiểu thương chủ quan, không chú trọng đầu tư nâng cấp thiết bị an toàn phòng cháy và đặt ra những quy định nghiêm ngặt về công tác này. 

Để hạn chế thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra, trước mắt các tiểu thương cần tuân thủ quy định an toàn PCCC, không tập kết hàng hóa số lượng lớn tại chợ; đối với Ban quản lý chợ ngoài việc tăng cường kiểm tra, đôn đốc cần phải bố trí tổ chữa cháy cơ sở túc trực và trước khi hết giờ kiểm tra lại các ki-ốt phải cắt cầu giao tổng chỉ để nguồn điện thắp sáng bảo vệ an ninh hoạt động.