Hỏa hoạn đang đe dọa nhiều chợ

ANTĐ - Không chỉ lực lượng chuyên trách, mà các tiểu thương cũng cần cắt cử, thay phiên nhau canh gác, phòng ngừa cháy nổ - Thiếu tướng Trần Anh Dũng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát QLHC về TTATXH, Bộ Công an nhấn mạnh tại cuộc họp bàn biện pháp ổn định tình hình cháy nổ, diễn ra ngày 10-2.

- PV: Nhiều chợ lớn trên địa bàn cả nước đã xảy cháy, nguyên nhân là gì thưa Thiếu tướng?

- Thiếu tướng Trần Anh Dũng: Cả nước hiện có khoảng 2.000 chợ lớn từ cấp quận, huyện trở lên, cùng với hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại. Đợt kiểm tra an toàn PCCC mới đây cho thấy, một số chợ miền Nam đã huy động tốt nguồn kinh phí xã hội hóa để mua sắm phương tiện, thiết bị PCCC. Bên cạnh bố trí lực lượng tại chỗ ứng trực, các chợ này còn phân công, cắt cử tiểu thương thay phiên nhau canh gác, phòng ngừa cháy nổ về đêm.

Sơ hở, thiếu sót trong công tác PCCC các chợ có thể bắt đầu từ khi thiết kế, thi công và trong quá trình sử dụng. Mọi người để ý sẽ thấy, cháy chợ gần như đều xảy ra vào sáng sớm, sau khi điện được cấp trở lại. Theo quy định, điện của chợ phải tách riêng làm 3 đường gồm: điện sinh hoạt, chiếu sáng và PCCC. Song thực tế nhiều chợ hiện nay chung một hệ thống điện. Quá tải gây hỏa hoạn là điều được dự báo trước.

- Cháy chung cư, nhà cao tầng tại Hà Nội gần đây liên tiếp diễn ra, những vi phạm PCCC được xác định là gì, thưa Thiếu tướng?

- Nguy cơ xảy cháy nhà cao tầng luôn thường trực. Đợt tổng kiểm tra an toàn PCCC nhà cao tầng năm 2010 cho thấy, nhà nào kiểm tra cũng phát hiện vi phạm. Chúng tôi ghi nhận có 12 lỗi chính, phổ biến nhất là: cầu thang thoát nạn, dây dẫn điện, phương tiện, lực lượng chữa cháy tại chỗ, giao thông vào chữa cháy hư hỏng, không đảm bảo... Trong số 4.973 nhà cao tầng đã kiểm tra, Cảnh sát PCCC phát hiện trên 5.000 vi phạm về PCCC và đang đôn đốc khắc phục.

- Các vụ cháy lớn vừa qua cho thấy, phương tiện, thiết bị PCCC, cứu nạn cứu hộ của lực lượng chuyên trách vừa thiếu vừa yếu. Việc đầu tư, trang bị cho Cảnh sát PCCC thời gian tới như thế nào?

- Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, chính quyền các cấp… đã tập trung đầu tư, mua sắm mới nhiều phương tiện, thiết bị chiến đấu cho lực lượng PCCC chuyên nghiệp. Tuy vậy có thể khẳng định, 63 Sở, Phòng Cảnh sát PCCC toàn quốc, hiện chưa đơn vị nào có đủ phương tiện, thiết bị làm nhiệm vụ. Nhu cầu về phương tiện PCCC là rất lớn, chúng tôi đang nghiên cứu, tính toán, đề xuất xã hội hóa công tác này.

- Có ý kiến đề xuất mua trực thăng chữa cháy, vậy có địa phương nào đề xuất Bộ Công an việc này, thưa Thiếu tướng?

- Chưa địa phương nào có văn bản chính thức đề nghị mua trực thăng chữa cháy, cứu nạn cứu hộ. Sử dụng trực thăng chữa cháy hiện còn nhiều bất cập, dễ thấy nhất là địa hình. Các thành phố lớn có quá nhiều nhà cao tầng, không đủ không gian, khoảng cách cho trực thăng chữa cháy vận hành an toàn. Đó là chưa kể đến kinh phí, con người đi kèm.

- Xin cảm ơn Thiếu tướng!