Hoa hậu... mất giá

ANTĐ - Nhắc đến danh xưng “hoa hậu”, hẳn hiếm có nước nào vượt qua được Việt Nam. Từ các cuộc thi người đẹp cấp quốc gia, đến các cuộc thi cấp vùng, miền, cấp tỉnh, cấp ngành, rồi các cuộc thi mang tính chất “vui vẻ” của một cộng đồng người… cũng đều được gắn mác hoa hậu. Và các cuộc thi ở những cấp độ, khác nhau sẽ chọn ra những đại diện ở mức độ khác nhau; cuộc thi “vui vẻ” sẽ chọn cho mình những đại diện mang tính “vui vẻ”. Sẽ không có gì đáng nói nếu người ta không lấy cái danh hoa hậu ấy để PR, để làm bệ phóng ngay cả cho những việc làm chẳng hay ho gì, thậm chí là bất chính.

Nếu như khoảng chục năm trước, Việt Nam mới chỉ có 2 cuộc thi Hoa hậu là Hoa hậu Việt Nam và Hoa hậu phụ nữ Việt Nam qua ảnh… thì vài năm trở lại đây hàng chục cuộc thi Hoa hậu đã được tổ chức như: Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Thể thao, Hoa hậu Trang sức, Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam, Hoa hậu Quý bà… Cộng thêm vào đó là không ít cô gái bỗng dưng thành Hoa hậu từ các cuộc thi cấp vùng miền, cấp ngành, hoặc các cuộc thi được gắn mác quốc tế như Hoa hậu Việt Nam toàn cầu, Hoa hậu Việt Nam Quốc tế, Hoa hậu châu Á tại Mỹ, Hoa hậu Cộng đồng người Việt tại Bắc Cali… Có những cuộc thi, người ta chẳng biết nó quy mô như thế nào, thể lệ ra sao, đêm chung kết diễn ra chỉ với vài gương mặt nhưng người đội vương miện vẫn được gọi là Hoa hậu.

Mới đây nhất phải kể đến cuộc thi Hoa hậu người Việt hoàn cầu tổ chức tại Mỹ. Cuộc thi này năm ngoái Ngọc Trinh đăng quang đã gây nên một cơn bão dư luận với hàng loạt phát ngôn gây sốc, khoe lối sống “ăn bám” và cả những hình ảnh khoe da thịt. Nhưng không vấn đề gì, vì ngay sau cuộc thi, người đẹp này càng xuất hiện nhiều trên các mặt báo gắn liền với cái danh hiệu Hoa hậu. Năm nay, khi “dư chấn” cuộc thi bắt đầu xẹp xuống thì ngay lập tức nó lại được những người tổ chức tìm cách làm “dậy sóng” trở lại. Vương miện được trao cho Julia Hồ, một cô gái không tên tuổi và theo sau cô là hàng loạt hình ảnh thác loạn thể hiện một quá khứ chơi bời của cô gái. Lúc này, truyền thông cũng phải nhìn lại vấn đề, có nên tốn quá nhiều giấy mực cho cuộc thi “ao làng” này hay không. 

Cũng là một cuộc thi “ao làng” nhưng người đẹp đội vương miện cuộc thi Hoa hậu Nam Mê Kông, Mỹ Xuân liên tục xuất hiện trên các báo với danh hiệu Hoa hậu và cùng với những hình ảnh mát mẻ. Khi cô bị bắt vì hành vi bán và môi giới mại dâm, người ta mới ngớ ra, hóa ra cô này chẳng phải hoa hậu gì, đó chỉ là cái danh để cô… làm giá. Cuộc thi này chẳng qua là một cuộc thi người đẹp trong khuôn khổ một Hội chợ, mới đầu được đặt tên là Hoa hậu Nam Mê Kông, nhưng sau đó phải đổi tên thành cuộc thi Người đẹp Sóc Trăng cho đúng quy định.

Rồi nhiều cuộc thi gắn mác quốc tế, nhưng nó diễn ra ở tận đẩu tận đâu, người ta chỉ biết đến nó khi bỗng dưng người đẹp Việt Nam dành một danh hiệu nào đó. Cách đây ít năm, khi người đẹp Vũ Hoàng Điệp đăng quang ngôi vị cao nhất tại cuộc thi Nữ hoàng sắc đẹp quốc tế, người Việt Nam được dịp mở mày mở mặt vì đây là lần đầu tiên một thí sinh của Việt Nam đoạt giải cao nhất trong một cuộc thi sắc đẹp quốc tế. Đến nay thì cuộc thi này có lẽ đã biến mất không còn dấu vết, nhưng người ta vẫn gọi Hoàng Điệp là Nữ hoàng Sắc đẹp quốc tế.

Nói về vấn đề có quá nhiều cuộc thi Hoa hậu, ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ VH-TT&DL cho rằng, tất cả những cuộc thi mà Bộ cấp phép phần lớn là đúng tiêu chí, tôn vinh cái đẹp, tâm hồn trí tuệ của các người đẹp và cũng chưa có cuộc thi nào đi ngược lại tiêu chí này cả. Tuy vậy, cũng có cuộc thi này tuyển chọn Hoa khôi, Hoa hậu, Người đẹp tốt, cuộc thi khác tuyển chọn chưa tốt. Đó là điều không thể tránh khỏi. Về việc loạn danh xưng Hoa hậu, ông Biên cho biết, trong Điều 2 của Quy chế Tổ chức thi Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp của Bộ 

VH-TT&DL ban hành đã nêu rất rõ: Thí sinh đạt giải chính thức trong cuộc thi Hoa hậu Toàn quốc được trao danh hiệu hoa hậu, á hậu. Thí sinh đoạt giải chính thức trong cuộc thi Hoa khôi được trao tặng danh hiệu Hoa khôi, Á khôi. Thí sinh đoạt giải chính thức trong cuộc thi Người đẹp được trao tặng danh hiệu Người đẹp thứ nhất, Người đẹp thứ hai. Vì vậy, việc các cô gái khoác lên mình danh xưng như thế hoặc là các cô tự nhận để đánh bóng tên tuổi, hoặc là dư luận, truyền thông vô tình hay cố tình phong cho họ. 

Và một sự thật trớ trêu là Việt Nam có rất nhiều người mang danh Hoa hậu, nhưng mỗi khi chọn nhan sắc đại diện nhan sắc Việt dự các cuộc thi nhan sắc thế giới lại toát mồ hôi đi tìm mà không mấy ai xứng đáng. Sự lộn xộn trong việc tổ chức thi Hoa hậu cũng như các loạn danh xưng Hoa hậu cùng những “tai tiếng” mà những người đoạt được vương miện mang lại càng làm dư luận thêm nghi ngờ về các cuộc thi người đẹp và khiến cho các cái danh hiệu Hoa hậu trở nên mất giá.