“Hoa cúc xanh” đêm thơ- nhạc- kịch tưởng nhớ cố thi sĩ Xuân Quỳnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với tên gọi “Hoa cúc xanh” đêm thơ- nhạc- kịch kỷ niệm 80 năm Ngày sinh cố thi sĩ Xuân Quỳnh dự kiến sẽ diễn ra vào 20h ngày 5 và 6/10/2022 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Đêm diễn được tổ chức bởi Báo Nông thôn Ngày nay- Điện tử Dân Việt cùng gia đình thi sĩ Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ. Đêm thơ - nhạc - kịch “Hoa cúc xanh”, được lấy ý tưởng từ bài thơ cùng tên “Hoa cúc xanh” của thi sĩ Xuân Quỳnh và vở kịch nổi tiếng “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ.

Tham gia dàn dựng chương trình gồm những tên tuổi lớn như: Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp - Tổng đạo diễn; nhạc sĩ Quốc Trung - Giám đốc Âm nhạc; NSƯT Trần Lực - Đạo diễn sân khấu; họa sĩ Hà Nguyên Long - Thiết kế sân khấu. Chương trình có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi như: NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương, NSƯT Đỗ Kỷ, NSƯT Chiều Xuân, NSƯT Minh Trang, ca sĩ Thanh Lam, ca sĩ Bùi Lan Hương…

Chương trình sẽ có bố cục 4 phần: “Bầu trời trong quả trứng”, “Tự hát”, “Sóng” và “Hoa cúc xanh”. Nếu “Tự hát” tái hiện chân dung đa diện của Xuân Quỳnh thông qua những sắc màu âm nhạc mới mẻ và những đoạn phim tài liệu ngắn phát giọng nói thật của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, thì “Sóng” sẽ đem đến chân dung một nữ sĩ “dữ dội và dịu êm” trong tình yêu. Phần trình diễn thơ của các nghệ sĩ Lê Khanh, Chiều Xuân, Minh Trang, Lan Hương, Đỗ Kỷ… sẽ đem đến cái nhìn rõ nét hơn về hai tâm hồn thi sĩ để thấy được tình yêu của họ lãng mạn tới mức nào.

“Hoa cúc xanh” còn có một vở kịch do đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp viết kịch bản và sân khấu Lucteam của NSƯT Trần Lực dàn dựng. Vở kịch như một sự kết nối ý tưởng từ bài thơ “Hoa cúc xanh” của thi sĩ Xuân Quỳnh và vở kịch nổi tiếng “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ để hai tác phẩm tưởng chừng như không liên quan quyện hòa với nhau.

Tổng đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho biết, âm nhạc trong “Hoa cúc xanh” sẽ được làm mới bằng những bản phối tinh tế và có nhiều ca khúc được đặt sáng tác riêng cho chương trình. Phần hình ảnh sân khấu sẽ là những mảng màu cũ - mới đan xen, trong đó, chất thơ và hiện thực của đời sống biểu hiện trên bối cảnh sân khấu sẽ đưa người xem đến gần hơn với những năm tháng đương thời của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ.

Vợ chồng thi sĩ Xuân Quỳnh- Lưu Quang Vũ

Vợ chồng thi sĩ Xuân Quỳnh- Lưu Quang Vũ

Thi sĩ Xuân Quỳnh (1942-1988), sinh tại làng La Khê, xã Văn Khê, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay là quận Hà Đông, Hà Nội). Bà bước chân vào nghệ thuật với nghề nghiệp là diễn viên múa ở Đoàn Văn công nhân dân trung ương và đã nhiều lần đi biểu diễn ở nước ngoài.

Từ năm 1962 đến 1964, Xuân Quỳnh học Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ (khóa I) của Hội Nhà văn Việt Nam. Sau khi học xong, bà làm việc tại các báo Văn nghệ, Phụ nữ Việt Nam. Với những đóng góp xuất sắc cho nền văn học Việt Nam, năm 2017, bà được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Nhà thơ Xuân Quỳnh đã in các tập thơ “Tơ tằm - chồi biếc” (thơ, in chung, Nhà Xuất bản Văn học, 1963); “Hoa dọc chiến hào” (thơ, in chung, 1968); “Gió Lào, cát trắng” (thơ, 1974); “Lời ru trên mặt đất” (thơ, 1978); “Sân ga chiều em đi” (thơ, 1984); “Tự hát” (thơ, 1984); “Hoa cỏ may” (thơ, 1989); “Thơ Xuân Quỳnh” (1992, 1994); “Thơ tình Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ” (1994); “Hát với con tàu”; “Cây trong phố - Chờ trăng” (thơ, in chung)…

Ngoài ra, bà còn có nhiều tập thơ, sách viết cho thiếu nhi như: “Bầu trời trong quả trứng” (thơ thiếu nhi, 1982); “Truyện Lưu Nguyễn” (truyện thơ, 1985); “Mùa xuân trên cánh đồng” (truyện thiếu nhi - 1981); “Bến tàu trong thành phố” (truyện thiếu nhi, 1984); “Vẫn có ông trăng khác” (truyện thiếu nhi, 1986); “Tuyển tập truyện thiếu nhi” (1995); “Chú gấu trong vòng đu quay” (tập truyện)…

Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ sinh năm 1948, tại xã Thiệu Cơ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ; quê gốc ở phường Hải Châu, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, là con trai nhà viết kịch Lưu Quang Thuận. Năm 20 tuổi, ông đã có thơ in chung với nhà thơ Bằng Việt trong tập “Hương cây - Bếp lửa” (1968).

Từ 1978 đến 1988, nhà thơ Lưu Quang Vũ làm biên tập viên Tạp chí Sân khấu, bắt đầu sáng tác kịch nói với vở kịch đầu tay “Sống mãi tuổi 17” viết lại theo kịch bản của Lưu Quý Kỳ. Tiếp sau đó, hơn 50 vở kịch của ông đã gây nên một hiện tượng chấn động sân khấu kịch nói cả nước như: “Nàng Sita”, “Hẹn ngày trở lại”, “Nếu anh không đốt lửa”, “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, “Lời thề thứ 9”, “Khoảnh khắc và vô tận”, “Bệnh sĩ”, “Tôi và chúng ta”, "Người tốt nhà số 5”, “Ngọc Hân công chúa”, “Linh hồn của đá”, “Ông vua hóa hổ”, “Chiếc ô công lý”, “Ông không phải là bố tôi”, “Điều không thể mất”, “Ai là thủ phạm”, “Chuyện tình bên dòng sông thu”, “Tin ở hoa hồng”, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”, “Lời nói dối cuối cùng”, “Mùa hạ cuối cùng”…

Cùng với sự nghiệp sân khấu, Lưu Quang Vũ cũng là một thi sĩ xuất sắc với giọng điệu thơ mạnh mẽ, nồng nàn, làm say đắm lòng người.

Cũng vào dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của thi sĩ Xuân Quỳnh, gia đình phối hợp với Công ty Sách Nhã Nam và Nhà Xuất bản Kim Đồng cho ra mắt 3 cuốn sách: “Xuân Quỳnh - nhật ký chiến trường và những bức thư chưa từng công bố”, “Hoa cúc xanh thương nhớ” và tập thơ tuyển “Không bao giờ là cuối” (tái bản).