Hồ trong phố

ANTĐ - Cũng giống như nhiều đô thị cổ kính và lãng mạn, Hà Nội luôn có những con phố nghẹn ngào cũ. Và trong những phố cũ kỹ được thời gian che chở đó, bâng khuâng luôn có mấy mảnh hồ. Người Hà Nội không thể hình dung nổi, nếu như phố Lê Thái Tổ hay Hàng Khay lại thiếu đi cái màu xanh thẳm của hồ Gươm (Lục Thủy). Hoặc đường Thanh Niên sẽ bơ vơ xiết bao, khi vắng ánh hoàng hôn bàng bạc sóng sánh trên mặt nước hồ Tây. Có lẽ, hồn của phố cũ Hà Nội đã sâu lắng trầm đọng trong nắng trong gió của mỗi mảnh hồ. 

Hồ trong phố ảnh 1Hồn phố cũ Hà Nội đã sâu lắng trầm đọng trong nắng gió của mỗi mảnh hồ 

Theo các nguồn sử liệu chính thống, ngay từ lúc manh nha mới là kinh đô của vương triều Lý -Trần, thì Hà Nội đã mênh mông sông hồ. Kể cả cho tới thời Lê mạt, cách đây chừng bốn trăm năm, hồ Hoàn Kiếm (phần cũ đã bị lấp), không phải ngẫu nhiên còn được gọi là Thủy Quân. Bởi đơn giản, nó là chỗ bao la để triều đình dùng làm nơi tập luyện hoặc trình duyệt hải trận.

Thế rồi văn minh châu Âu hung hăng vào, Đông Đô-Kẻ Chợ rùng mình Tây phương hóa. Ở thời đoạn sơ khai ra một Hà Nội hiện đại này, không thể không nhắc đến vai trò của người Pháp. Có điều, ngoài những cái hay người Pháp cũng để lại thật lắm cái dở.

Theo cuốn “Khu phố cổ Hà Nội - nửa đầu thế kỷ XX qua tư liệu địa chính” của NXB Chính trị Quốc gia -2013 thì “Từ năm 1891 cho tới năm 1916, thực dân Pháp đã ra nhiều chính sách ưu đãi những người dân giàu có lấp ao hồ trong khu phố cổ.

Người nào bỏ tiền hoặc công sức ra lấp ao hồ thì Nhà nước cấp chứng nhận đất thuộc sở hữu công nhưng tư nhân được toàn quyền sử dụng. Có lẽ do chính sách này mà chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, đến giữa thế kỷ 20, diện tích nước ao, hồ trong khu phố cổ dường như biến mất hoàn toàn”. Người Pháp là người Pháp ơi, liệu cùng với thời gian, có chịu nói một lời xin lỗi.

Bởi một trong những phẩm chất nổi bật nhất của người Việt là “thủy tính”. Đơn giản, Việt Nam là đắc địa tụ hội của biển, của sông, của hồ. Sông biển làm nên những trận thủy chiến vĩ đại, khẳng định tính cuồn cuộn thượng võ của một dân tộc yêu nước. Hồ thì mềm mại xác tín chất sâu lắng trữ tình. Đại loại, sông biển là cao cả “Dương tính” của người Việt.

Còn hồ thì nuôi dưỡng sự dịu dàng “Âm tính”. Một Âm một Dương, lồng lộng nghìn năm gìn giữ mảnh đất đẫm đầy bi tráng này. Có lẽ vì thế, đâu đâu trên vùng đất Việt thì hồ cũng đẹp. Thế nhưng đẹp nhất là khi nó nằm ôn nhu trong lòng phố ở các đô thị lớn như Hà Nội chẳng hạn. 

Người Hà Nội không kể tuổi, ai ai cũng có thú đi dạo hồ. Hoặc sáng sớm hoặc chiều ngả, hồ đã đọng trong thói quen sâu xa nếp nghĩ. Người Thủ đô lúc tha hương, thì nỗi nhớ nước hồ luôn miên viễn ám ảnh. Quanh hồ Tây có đường Cổ Ngư (tên một thời xa xưa, nay gọi là Thanh Niên). Đoạn đường không dài, ríu rít tuổi mười lăm mười chín. Tiếng cười khanh khách trong trắng nữ sinh văng vẳng vang suốt dọc thời gian.

Tuổi sinh viên của vô số chàng trai Hà thành lãng đãng ngập tím gió hồ Tây và giờ đây man mác muối tiêu lại xanh liễu hồ Gươm. Màu của hồ Hà Nội đã da diết nhuộm ký ức của họ. Ở hôm nay, người Hà Nội đông dần lên và hình như ít nhiều hồ Hà Nội đã nhỏ dần đi. Đã có cằn nhằn về việc lấn hồ Tây, đã có cảnh báo về ô nhiễm hồ Bảy Mẫu. Người Tràng An vốn nhạy cảm và phải chăng cái vô thức hồ ám ảnh chục năm gần đây làm người Hà Nội đổ xô đi câu cá.

Gia Lâm, Đông Anh khoét thêm nhiều chỗ trũng để giả cảnh sơn thủy cố tình. Đã có những ông chủ đầu tư liều lĩnh văn hóa kê đôi ghế đá ơ thờ bên cạnh vài gốc liễu phảng phất mùi phân trâu. Thế nhưng ao có làm mình làm mẩy cũng không gọi được là hồ. Có cải tạo, có trùng tu, thì ao vẫn là ao. Cái lãng mạn chỉ có ở hồ và tuyệt chưa thấy bao giờ người Hà Nội lại tỏ tình bên ao. Còn gì cảm động bằng khi đôi nam thanh nữ tú lóng ngóng đi trong cái lạnh gió mùa tới một ghế đá lặng ngắt bóng người ven hồ Hoàn Kiếm mà thề thốt yêu nhau.

Hồ trong phố của Hà Nội luôn nghẹn ngào trong văn vắt đầy bi tráng. Nó đã song hành rồi chứng kiến những biến thiên thăng trầm của Thủ đô. Lúc vui, hồ Hà Nội lung linh như những Mặt trời nho nhỏ. Lúc buồn, nó phảng phất như những giọt nước mắt đằm đặm mặn. Cái sâu lắng của giọt lệ ấy luôn âm thầm chảy hào hùng ở thơ, ở nhạc, ở họa của biết bao thế hệ văn nghệ sĩ Hà thành. Nó là cái mạch ngầm làm nên và nuôi dưỡng mảnh đất vốn là địa linh nhân kiệt này.

Hầu hết quê hương ở người Việt đều có bóng dáng của dòng sông. Nhưng với đa phần đám con giai phố cổ, thì sóng nước xanh ngắt màu chung thủy ấy chính là hồ. Hồ của phố còn thì Hà Nội còn. Một nghìn năm trước đã vậy thì cả nghìn năm sau vẫn vậy.  

Tin đọc nhiều