Hỗ trợ tiền cho gia đình sinh 2 con gái: Chỉ là giải pháp tình thế!

ANTĐ - Đề án can thiệp mất cân bằng giới tính khi sinh mà Bộ Y tế vừa trình Thủ tướng xem xét, với điểm mấu chốt là chính sách tăng hỗ trợ cho các gia đình sinh con gái một bề, đang được dư luận hết sức quan tâm. Trao đổi với báo chí, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số- kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) khẳng định, đó chỉ là giải pháp mang tính… tình thế.

Tâm lý trọng nam khinh nữ đã ăn sâu vào tư tưởng của nhiều người dân

Khuyến khích sinh con gái!

Đề án can thiệp mất cân bằng giới tính khi sinh do Tổng cục DS-KHHGĐ soạn thảo ghi rõ: “Trong năm 2013, rà soát, bổ sung, xây dựng và triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái. Hoàn thiện việc xây dựng mô hình, đề án liên quan đến việc can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh…”. Vài ngày qua, ngay sau khi Tổng cục 

DS-KHHGĐ thông báo đã gửi Đề án này trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, xuất hiện khá nhiều luồng thông tin, quan điểm đối lập. Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại, nếu thực hiện chính sách hỗ trợ cho các gia đình sinh 2 con gái, nhất là hỗ trợ bằng tiền mặt, sẽ nảy sinh vấn đề bất bình đẳng giới. Một số ý kiến khác phân tích, hiện nay đang xuất hiện xu hướng những người khi đã giàu có lại thích sinh nhiều con, đeo đuổi sinh cho bằng được con trai để nối dõi, nên nếu chính sách này thực hiện không cẩn thận thì bản chất của việc hỗ trợ có khi lại bị lệch lạc. 

Nói về vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ Dương Quốc Trọng nhấn mạnh, chính sách hỗ trợ tiền cho các gia đình sinh con một bề là nữ chỉ là giải pháp tình thế, với hy vọng mang lại tác dụng ngay lập tức trong việc cải thiện tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang diễn ra rất trầm trọng ở nước ta hiện nay. Chỉ có giải pháp “đánh mạnh vào kinh tế” đối với các gia đình sinh con gái một bề, để động viên, giúp họ thấy được chính sách của Nhà nước khuyến khích sinh con gái, thì mới phát huy được hiệu quả nhanh nhất. Cụ thể, trong Đề án nêu rõ, những gia đình sinh con một bề là gái theo đúng chính sách gia đình có từ 1-2 con, sẽ được hỗ trợ bằng tiền mặt, đứa trẻ gái của gia đình sinh con một bề khi lớn sẽ được ưu tiên về chế độ bảo hiểm y tế, học phí, khi lớn hơn có thể được tạo điều kiện trong học tập, đào tạo nghề, việc làm và vay vốn làm kinh tế. Những người cao tuổi sinh con gái một bề cũng sẽ được hưởng chế độ an sinh xã hội ưu tiên hơn…

Ông Trọng phân tích, một giải pháp “đánh vào kinh tế” khác mà Bộ Y tế đã, đang triển khai rất mạnh là tăng cường các hình thức xử phạt, xử phạt nặng hành vi lựa chọn giới tính thai nhi. Tuy vậy, kinh nghiệm cho thấy, dù phạt tiền, kỷ luật hay cách chức người có hành vi vi phạm thì người ta vẫn có nhiều cách để lách luật, thậm chí sẵn sàng chịu phạt để sinh con trai. Hơn nữa, để xử phạt được hành vi này là rất khó.

Về lâu dài phải thay đổi được tâm lý

Tại hội nghị tổng kết ngành y tế năm 2012 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong năm 2012 toàn ngành đã đạt 4/5 chỉ tiêu do Quốc hội giao, chỉ có duy nhất chỉ tiêu về tỷ số giới tính khi sinh không đạt. Hiện tỷ số giới tính trung bình cả nước là 112,3 trẻ nam/100 trẻ nữ (chỉ tiêu Quốc hội giao trong năm 2012 là 112/100), có nghĩa cứ 100 trẻ gái thì lại có 112,3 trẻ nam được sinh ra. Tại nhiều địa phương như Hưng Yên, Hải Dương… tỷ số này lên đến 125-130 trẻ nam/100 trẻ nữ. Nếu không nhanh chóng giảm được tỷ số này thì ước tính đến năm 2030, chúng ta thiếu khoảng 4-5 triệu cô dâu, rất nhiều nam giới có nguy cơ không lấy được vợ, kéo theo đó là những hệ lụy to lớn cho xã hội. 

Nhấn mạnh sự cần thiết phải có giải pháp “đánh vào kinh tế” song ông Trọng cũng cho rằng, giải pháp lâu dài vẫn phải là thay đổi được nhận thức, quan niệm và tâm lý của cộng đồng, mỗi người dân về vấn đề giới tính. Gốc rễ của vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh chính là tâm lý “trọng nam khinh nữ” đã ăn sâu vào tư tưởng của nhiều người dân nước ta nhiều thế hệ, muốn giảm mất cân bằng giới tính phải thay đổi được căn nguyên này. Hiện Tổng cục DS-KHHGĐ cũng đang triển khai nhiều biện pháp như sửa đổi, bổ sung và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi, nhất là các gia đình sinh con một bề là nữ để thúc đẩy nhanh sự chấp nhận các giá trị bình đẳng giới trong đời sống gia đình và xã hội.

Bên cạnh đó, thực hiện các chính sách tác động, làm thay đổi hương ước của các dòng họ, cộng đồng, đấu tranh để con gái cũng có quyền thờ cúng tổ tiên, được đưa tên vào gia phả, con gái có quyền lợi và nghĩa vụ chăm sóc cha mẹ già… 

Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ ước tính: “Chúng ta đã mất 50 năm mới thay đổi được tư tưởng con đàn cháu đống và mỗi gia đình chỉ sinh 1 - 2 con, thì cũng có thể mất bằng đấy thời gian để thay đổi tâm lý ưa thích con trai trong cộng đồng”. Với một cuộc chiến lâu dài như vậy, rất cần có các giải pháp tình thế nhưng có hiệu lực tức thời, mang lại hiệu quả đột phá cao và thiết thực.