Hỗ trợ phải hiệu quả

ANTĐ - Tình hình sản xuất kinh doanh năm 2013 được các doanh nghiệp cảm nhận là tốt hơn năm 2012. Đặc biệt, các doanh nghiệp dự cảm tình hình năm 2014 sẽ khởi sắc hơn nếu các biện pháp hỗ trợ thực sự hiệu quả. Đây là kết quả khảo sát động thái của hơn 700 doanh nghiệp trên toàn quốc, vừa được Phòng Thương mại-công nghiệp Việt Nam công bố. Theo đó, 50,7% doanh nghiệp có kế hoạch giữ nguyên quy mô kinh doanh trong năm tới, 42,5% doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô và 6,7% có thể giảm quy mô, chỉ 0,1% có thể sẽ phải tạm ngừng hoạt động.

Kết quả khảo sát cho thấy, doanh số thực của doanh nghiệp có cải thiện so với năm 2012 nhưng chưa đáng kể và thấp hơn nhiều so với dự cảm hồi cuối năm. Giá bán bình quân năm 2013 giảm so với năm 2012 và mức giảm giá diễn ra ở nhiều doanh nghiệp hơn so với dự cảm cuối năm 2012. Xu hướng giảm giá có thể để giải quyết lượng hàng tồn kho.

Tuy vậy, sự lạc quan về giá bán trong năm 2014 sẽ có xu hướng tăng lên nhưng mức lợi nhuận bình quân trên một đơn vị sản phẩm vẫn có xu hướng giảm mạnh. Để tồn tại, nhiều doanh nghiệp đã phải đẩy mạnh tái cấu trúc nên hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị và nguồn lực sẽ hiệu quả hơn so với năm 2013. Dẫu vậy, vấn đề tiếp cận vốn vay năm 2013 vẫn được đánh giá khó khăn hơn so với năm 2012 dù lãi suất đã giảm 2-3% nhưng còn ở mức cao so với nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Mặt khác, báo cáo cũng cho thấy, doanh nghiệp vẫn vấp phải rào cản về thủ tục vay vốn và các điều kiện được vay vốn. So với năm 2012, còn tới 34,8% doanh nghiệp cho biết không vay vốn, trong đó 40,5% trả lời vì lãi suất cao, 21,1% do thị trường tiêu thụ bị thu hẹp và 18,6% do đã tìm được kênh huy động vốn khác. Việc giảm lãi suất đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, song vẫn còn tới 63,3% số doanh nghiệp cho biết sẽ gặp khó khăn nếu phải chịu mức lãi suất trên 12% dài hạn.

Đánh giá về tính hiệu quả của các chính sách, 60% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, hiệu quả của các chính sách và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ở mức trên trung bình, 40% đánh giá ở mức thấp. Tại hội thảo “Ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng và cơ hội cho doanh nghiệp năm 2014”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ nhận định, phần lớn các doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn vay vốn ngân hàng, nhưng diễn ra tình trạng không dám vay do hàng tồn kho lớn vì sức tiêu thụ giảm. Mặc dù lãi suất của nước ta đã giảm mạnh nhưng vẫn cao gấp 2 lần so với các nước, khiến chi phí sản xuất cao hơn, sức cạnh tranh kém hơn.

Ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp đều nhấn mạnh rằng, các giải pháp thị trường nhiều khi chỉ có tác động đến một nhóm doanh nghiệp hoặc ngành hàng. Nếu các giải pháp vẫn vòng vo, lỏng lẻo thì nguy cơ lạm phát quay lại là rất cao. Bản chất của tín dụng là lòng tin. Yếu tố tạo nên niềm tin chính là mối quan hệ cộng hưởng, cộng lợi ích giữa ngân hàng và doanh nghiệp.