Hỗ trợ khác cứu trợ

ANTĐ - Tính đến hết tháng 4 cả nước đã có 6.200 doanh nghiệp giải thể cả tự nguyện và bị cưỡng chế. Đó là chưa kể 11.600 doanh nghiệp đã đăng ký tạm ngừng sản xuất kinh doanh hoặc ngừng thực hiện đóng thuế cho Nhà nước. Trong số này doanh nghiệp ngành công nghiệp khai khoáng chiếm 15,5%, doanh nghiệp xây dựng, bất động sản chiếm 10,54% và ngành vận tải kho bãi chiếm 10,09%. Con số này chỉ là phần nổi, bởi nhiều doanh nghiệp không muốn “lộ bệnh” để bị ngân hàng, bạn hàng đẩy vào tình trạng ốm nặng hơn thậm chí “chết” hẳn.

Cả ngân hàng và doanh nghiệp đang “nắm tay nhau” trông chờ tia sáng… cuối đường hầm. Dường như hàng loạt các giải pháp của Chính phủ đưa ra để cứu doanh nghiệp như giãn, giảm thuế, thu nhập doanh nghiệp, kiểm soát trần lãi suất huy động để kéo lãi suất cho vay xuống khoảng 10% trong vài tháng tới đều không có nhiều tác dụng. Cũng không thể quá hi vọng vào một “liều thuốc chung” hỗ trợ cho mọi doanh nghiệp bởi đặc thù và tình trạng “sức khỏe” của các doanh nghiệp không giống nhau. Ngay cả việc “bắt bệnh” chính xác để có một phác đồ điều trị, kê đơn, bốc thuốc cũng không đơn giản. Đã có không ít lo ngại về quyết định nới van tín dụng cho bất động sản khi mà yếu tố đầu cơ và “bong bóng giá” hiện vẫn là xu thế của thị trường này. Từ thắt chặt tiền tệ chuyển sang lãi suất nhanh, nhất là nới lỏng tín dụng bất động sản nhiều chuyên gia cho rằng, so với năm trước, chính sách đã linh hoạt và nới lỏng hơn để hỗ trợ doanh nghiệp.

Một quan chức viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, không nên dùng từ “cứu” doanh nghiệp mà là “hỗ trợ”. Đối với khối sản xuất kinh doanh, cùng với việc cắt giảm lãi suất, một điều hết sức quan trọng là phải xử lý các khoản nợ xấu, trong đó nợ xấu nhất liên quan đến bất động sản cùng với 9 ngân hàng yếu kém.

Trong phiên họp thường kỳ tháng 4, Chính phủ đã có quyết định riêng về hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường để duy trì tăng trưởng kinh tế. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ đưa ra gói hỗ trợ khoảng 29.000 tỷ đồng. Nên nhớ đây không phải là gói kích cầu “giải cứu” như hồi năm ngoái mà là các giải pháp tổng hợp từ điều hành vĩ mô đến giản, giảm, miễn thuế. Một Thứ trưởng Bộ Tài chính phân tích, gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô không để lạm phát quay trở lại; tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường.

Hỗ trợ phải đúng đối tượng, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, phải tính đến khả năng cân đối ngân sách tạo điều kiện về vốn cho doanh nghiệp; phối hợp với chính sách tiền tệ để giảm lãi suất và chi phí đầu vào. Tiền của ngân hàng không thiếu song điều đáng nói là vòng quay đồng tiền quá chậm. Muốn đẩy nhanh vòng quay này, trước hết phải vực dậy lòng tin. Thời điểm quyết liệt nhất là tháng 5 này. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay có 5-9 ngân hàng đang trong quá trình sắp xếp và tái cơ cấu. Công việc này khá phức tạp để làm sao không gây xáo động thị trường, thiệt hại cho người gửi tiền và bất ổn cho nền kinh tế. 

Cần phải khẳng định rằng hỗ trợ không phải là cứu trợ. Nếu những doanh nghiệp phải giải thể vì lý do nội tại yếu kém thì cũng nên coi là cái giá phải trả cho cuộc chiến chống lạm phát, một bộ phận người lao động mất việc làm. Song, xét toàn cục, tác động chỉ nhất thời so với hậu quả lâu dài nếu lạm phát không được kiểm soát hiệu quả.