Hỗ trợ cần thiết cho người lao động nghỉ hưu

(ANTĐ) - Hiện nay, người lao động sau khi nghỉ hưu chỉ được hưởng tiền lương hưu trí. Song bảo hiểm này chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của người về hưu.
Vì vậy Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội đang nghiên cứu, xây dựng Quỹ hưu trí bổ sung nhằm hỗ trợ, đảm bảo đời sống người lao động sau khi về hưu. Theo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), chúng ta đang thực hiện nhiều chế độ bảo hiểm như BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp... Tuy nhiên, để được coi là một nguồn thu nhập chính ổn định cho người lao động sau khi nghỉ hưu hiện mới chỉ có hình thức BHXH bắt buộc đang chi trả lương hưu cho cán bộ hưu trí. Nhìn chung, mức hưởng lương hưu hiện còn thấp, chỉ bảo đảm mức sinh hoạt tối thiểu. Theo tính toán của BHXH Việt Nam, chỉ trong ít năm nữa khi số lượng người nghỉ hưu lên đến 4-5 triệu người, như vậy bảo hiểm xã hội sẽ không có khả năng chi trả và ngân sách sẽ phải bù quá lớn. Trong khi hệ thống hưu trí hiện hành ở Việt Nam là một hệ thống đơn lẻ, lương hưu là thu nhập duy nhất của số đông người nghỉ hưu nên đời sống vẫn còn khó khăn.
Hỗ trợ cần thiết cho người lao động nghỉ hưu ảnh 1
Người nghỉ hưu rất cần được xã hội quan tâm, chia sẻ
Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ LĐ - TB&XH cũng cho rằng: Mặc dù Chính phủ có rất nhiều sự hỗ trợ, nhưng đời sống người hưởng lương hưu vẫn cần được cải thiện hơn. Lương hưu được chi trả tính trên số tiền lương đóng BHXH trong quãng thời gian công tác của đối tượng này (chỉ bằng 56,6% thu nhập thực tế). Mức chi trả lương hưu đạt thấp, đời sống của người về hưu khó được cải thiện. Đó là chưa kể Quỹ hưu trí hiện hành còn tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo chi trả trong tương lai gần. Việc nghiên cứu để thiết lập Quỹ hưu trí bổ sung là một hướng đi đúng và cần thiết. Quỹ hỗ trợ hưu trí đã được áp dụng thành công tại châu Âu trong nhiều năm. Tại Việt Nam nó vẫn còn là một khái niệm mới mẻ. Vì vậy Bộ LĐ - TB&XH đã làm cuộc điều tra thực hiện tại Hà Nội và TPHCM với 65.424 lao động tại 122 doanh nghiệp (DN) nhà nước, 108.408 lao động tại 286 DN có vốn đầu tư nước ngoài và 31.075 lao động tại 197 DN ngoài quốc doanh. Kết quả cho thấy, trong tổng số 610 DN có 429 DN cho biết sẵn sàng tham gia quỹ hưu trí bổ sung, chiếm 70,33%.  Về vấn đề Quỹ hưu trí bổ sung nên giao cho tổ chức nào thực hiện. Kết quả điều tra cho thấy, có 453 DN (chiếm 74,26%) được hỏi cho rằng nên giao cho Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thực hiện. Gần 50% DN cho rằng nên bắt đầu thực hiện chế độ hưu trí bổ sung vào năm 2015; lấy mức tiền lương làm căn cứ đóng Quỹ hưu trí bổ sung. Về tỉ lệ đóng góp, gần 40% số DN nhận định tỉ lệ này sẽ được chia ở mức lao động chịu 1/3 và người sử dụng lao động chịu 2/3; 29,67% số DN cho rằng tỉ lệ đóng góp sẽ được chia đều cho mỗi bên. Ông Nguyễn Hữu Thiết, Giám đốc nhân sự Công ty Dutch Lady VN cũng cho biết “Đã đến lúc chúng ta cần phải cải thiện hình ảnh của các cụ già hưu trí để hưu trí không đồng nghĩa là những người già và nghèo, phải nương nhờ sự cưu mang của con cái hoặc trông chờ sự hỗ trợ của xã hội”. Còn bà Kiều Thị Kim Hoàn, Giám đốc nhân sự Công ty Spartronics - KCN Việt Nam - Singapore: “Hiện nay, đối với các DN nước ngoài, việc giữ nhân viên giỏi rất được quan tâm. Ngoài lương, DN còn có nhiều chính sách phúc lợi khác để giữ lao động. Việc khống chế đóng BHXH đã khiến nhiều DN phải tìm một loại hình bảo hiểm khác để giúp nhân viên an tâm làm việc. Tại công ty chúng tôi, sắp tới, để bù lại phần chi phí cho nhân viên khi bị ốm đau, thai sản, công ty sẽ mua bảo hiểm y tế tự nguyện tại các bệnh viện quốc tế. Nếu có một loại hình bảo hiểm hưu trí tự nguyện thì sẽ tốt hơn cho DN”. Như vậy Quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung là thực sự cần thiết. Nếu thực hiện được việc này, những người nghỉ hưu sau những năm cống hiến sẽ được đãi ngộ tốt hơn, chất lượng cuộc sống sẽ được nâng lên đáng kể. Đồng thời nó cũng mang lại cho người lao động sự yên tâm, gắn bó lâu dài với DN trong quá trình làm việc, giúp DN ổn định nhân sự tốt hơn.