Hố sâu ngăn cách

ANTĐ - Quốc hội Iran đã phê chuẩn dự luật hạ cấp quan hệ ngoại giao và kinh tế với nước Anh. Đây là một hành động trả đũa trực tiếp nhằm phản đối các biện pháp cấm vận mà các nước phương Tây áp đặt đối với Tehran về chương trình hạt nhân ở nước này. Chưa dừng lại đó, rất đông người biểu tình đã đập phá sứ quán Anh ở Tehran buộc Anh phải sơ tán toàn bộ nhân viên Đại sứ quán...

Iran đáp lại

Khởi sự bất đầu từ việc Chính phủ Anh loan báo các biện pháp cấm vận phối hợp cùng Mỹ và Canada nhằm chống lại Tehran. Biện pháp mạnh của các nước phương Tây được đưa ra tiếp sau báo cáo từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) nói rằng Iran đang tiến tới việc chế tạo vũ khí hạt nhân. Về phía Iran, họ luôn khẳng định chương trình hạt nhân của nước này nhằm mục đích phục vụ hòa bình. Đầu tiên, Bộ Tài chính Anh đã áp lệnh trừng phạt, cắt đứt mọi giao dịch với tất cả ngân hàng tại Iran, kể cả Ngân hàng Trung ương và đưa ra lời cáo buộc các ngân hàng này đã âm thầm tạo điều kiện cho chương trình phát triển hạt nhân của Tehran. Đây là lần đầu tiên nước Anh cắt đứt toàn bộ mọi giao dịch với khu vực ngân hàng của một quốc gia.

Trước các biện pháp cứng rắn của các nước phương Tây, đặc biệt là Anh, một động thái tiêu cực đã được đưa ra, đó là Quốc hội Iran biểu quyết với đa số phiếu ủng hộ việc hạ cấp quan hệ ngoại giao giữa nước này với Anh từ Đại sứ xuống Đại biện lâm thời với kết quả biểu quyết ủng hộ lên tới 87%. Chưa dừng lại ở đó, một lời kêu gọi nữa cũng được đưa ra kêu gọi Chính phủ Tehran giảm quan hệ kinh tế - thương mại với Anh xuống mức thấp nhất. Với những diễn biến xấu từ phía Tehran, nhiều khả năng Đại sứ Anh tại Tehran Dominick John-Chilcott, người vừa mới được bổ nhiệm tháng trước hoàn toàn có thể bị trục xuất khỏi Iran trong vòng 2 tuần lễ, để lại sứ quán cho một đại biện điều hành. Tất cả những quyết định mang tính đáp trả từ phía Iran được đánh giá là một phản ứng mạnh với lập trường và nỗ lực của Anh - Mỹ nhằm tăng sức ép buộc Tehran ngừng chương trình vũ khí hạt nhân mà họ bị cáo buộc. Phản ứng trước việc này, Anh tuyên bố sẽ đáp trả nếu Bộ Ngoại giao Iran làm theo điều luật trên.

Mọi quyết định của Iran được thông qua cần có sự chấp thuận từ Hội đồng Bảo vệ Cách mạng - cơ quan kiểm duyệt mọi văn bản pháp lý trước khi có hiệu lực. Chủ tịch Quốc hội Iran, Ali Larijani nhấn mạnh: “Dự luật này mới chỉ là sự khởi đầu. Tehran có thể nâng cấp trở lại các mối quan hệ trên với Anh trong trường hợp Chính phủ Anh chấp dứt những hành động thù địch”. 

Nhóm biểu tình quá khích

Rất đông người biểu tình đã trèo qua tường của Đại sứ quán Anh ở trung tâm Thủ đô Tehran, đập phá các văn phòng, cửa sổ, đốt một chiếc xe của ngoại giao đoàn và còn xé, đốt quốc kỳ Anh nhằm phản đối lệnh cấm vận do London áp đặt với Iran. Đám đông đã hô vang khẩu hiệu chống nước Anh: “Nước Anh chết đi; Đả đảo nước Anh” và yêu cầu Đại sứ Dominick John Chilcott rời khỏi quốc gia này ngay lập tức. Cảnh sát Iran đã có mặt và giải tỏa nhóm biểu tình. Nhưng ngay khi cảnh sát rút đi, nhóm những người biểu tình giận dữ đã quay trở lại và một lần nữa xông vào bên trong Đại sứ quán Anh, họ đã gom những giấy tờ, vật dụng còn lại ở đây và châm lửa đốt.

Lần này, cảnh sát đã phải dùng tới hơi cay để giải tán nhóm quá khích dẫn đến một số người bị thương. Tướng Hossein Sajadi-Nia, Cảnh sát trưởng Tehran đã có mặt tại hiện trường và yêu cầu người biểu tình chấm dứt đốt phá. Kết quả một người biểu tình bị thương nặng, một vài cảnh sát bị thương. Chưa dừng lại, nhóm biểu tình còn cướp phá một bức ảnh chân dung của Nữ hoàng Elizabeth II.

Tại một cơ quan ngoại giao khác của Anh ở phía Bắc Thủ đô Tehran, một nhóm biểu tình quá khích khác lên tới 300 người đã xông vào chiếm giữ khu nhà ở tại Qolhak ở phía Bắc ở Thủ đô Tehran, khu vực nằm trải dài với nhiều cây xanh được sử dụng làm nơi lưu ngụ cho các sinh viên và các nhân viên kiều dân Anh. Theo các nguồn tin ngoại giao phương Tây, cả 2 cơ sở ngoại giao của Anh đã bị hư hại nặng với tải sản bị cướp, phá hủy. Khu sứ quán chính có khoảng 50 người ở đó, và nhóm người biểu tình này đang giam giữ một số người nước ngoài.

Iran lên tiếng

Bộ Ngoại giao Iran khẳng định “Lấy làm tiếc vì vụ việc và cam kết sẽ đảm bảo an toàn cho các nhân viên ngoại giao”. Ở một động thái khác, Nhật báo Kar Va Kargar dẫn lời tuyên bố của những người tham gia vào vụ biểu tình cho biết: “Cuộc chiếm giữ các cơ sở ngoại giao Anh được các sinh viên cách mạng thực hiện không theo bất kỳ một mệnh lệnh của tổ chức hay cá nhân nào. Mỗi người Iran tự do đều hiểu rằng hành động này là vì quyền lợi của Iran”. Theo giới truyền thông phương Tây nhân định, hình ảnh người biểu tình xông vào Đại sứ quán Anh ở Tehran không khác gì vụ chiếm Đại sứ quán Mỹ năm 1979, khi đó đã có 52 người Mỹ bị bắt làm con tin trong 444 ngày, đó cũng chính là thời điểm Mỹ - Iran chấp dứt quan hệ ngoại giao.

Mới nhất, Tướng Hossein Sajadi-Nia khẳng định với Đại sứ Anh tại Tehran, Dominick John Chilcott, rằng một số cá nhân xông vào sứ quán Anh đã bị bắt. Ông cho biết thêm một số người liên quan khác cũng được xác định và bị bắt giữ.

Thế giới nói gì?

Tổng thống Mỹ Obama đã lên án kịch liệt Chính phủ Iran và cho biết đã bị sốc trước vụ xông vào sứ quán Anh của người biểu tình ở Tehran. Tổng thống Mỹ Obama đã đưa ra tuyên bố trên trong cuộc họp tại Phòng Bầu dục với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte: “Việc người biểu tình xông vào sứ quán Anh và phóng hỏa cho thấy Chính phủ Iran không nghiêm túc thực hiện những trách nhiệm quốc tế của mình. Chính phủ Iran phải chịu trách nhiệm bảo vệ các cơ sở ngoại giao”. Trong tuyên bố trước đó, Nhà Trắng kêu gọi Iran lên án vụ việc, khởi tố những người gây rối và đảm bảo rằng không có vụ việc nào tương tự xảy ra ở sứ quán Anh cũng như bất kỳ cơ quan nào khác ở Iran.

Về phía Bộ Ngoại giao Nga cũng khẳng định vụ tấn công vào sứ quán Anh của những người biểu tình ở Tehran là không thể chấp nhận được và đáng bị lên án. Giới chức Iran phải có các biện pháp cần thiết để lập tức phục hồi lại trật tự và điều tra vụ việc.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã đưa ra tuyên bố trên trong cuộc họp với Bộ trưởng Phát triển quốc tế của Anh Andrew Mitchell rằng ông vô cùng tức giận trước vụ tấn công sứ quán Anh ở Tehran đồng thời kêu gọi giới chức Iran ngăn chặn những vụ việc tương tự. Vụ người biểu tình này đã làm leo thang căng thẳng giữa phương Tây và Iran liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran.

Theo diễn biến mới nhất, Na Uy cũng đã đóng cửa Đại sứ quán ở Tehran nhưng chưa sơ tán nhân viên ngoại giao...

Nước Anh phản ứng

Trong phản ứng đầu tiên, Bộ Ngoại giao Anh nói rằng việc Iran hạ cấp quan hệ là “đáng tiếc”. Sau khi vụ biểu tình, đập phá diễn ra, một quan chức Đại sứ quán Anh khẳng định tất cả các nhân viên ngoại giao đều an toàn. Văn phòng Bộ Ngoại giao ở London đã bày tỏ sự phẫn nộ và kiến nghị nhà chức trách Iran hãy hành động với mức độ khẩn cấp tối đa để bảo vệ các cơ sở ngoại giao của nước Anh như quy định của công pháp quốc tế đồng thời chỉ trích những hành động trên là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Thủ tướng Anh David Cameron cảnh báo Iran về những hậu quả nghiêm trọng sau khi những người biểu tình tràn vào sứ quán Anh và một khu vực của Anh tại Thủ đô Tehran. Thủ tướng Cameron miêu tả những hành động này là: “Thái quá và không thể bào chữa được, việc Chính phủ Iran không bảo vệ được các nhân viên và tài sản của Bộ Ngoại giao Anh ở Tehran là một điều đáng hổ thẹn. Chúng tôi sẽ xem xét những biện pháp đáp trả  trong vài ngày tới”. Mỹ và EU đã kịch liệt lên án những vụ tấn công.

Theo một số nguồn tin, các nhân viên ngoại giao Anh đã được sơ tán,dự kiến toàn bộ nhân viên sứ quán Anh đang rời khỏi Cộng hòa Hồi giáo này. Hành động quá khích của những người biểu tình Iran đã đào thêm sâu hố ngăn cách giữa Iran và nước Anh nói riêng và các nước phương Tây nói chung. Bằng chứng mới nhất đó là Ngoại trưởng Anh William Hague cho hay, Đại sứ quán Iran tại London sẽ bị đóng cửa ngay lập tức và các quan chức ngoại giao ở đây sẽ bị trục xuất khỏi Vương quốc Anh.