Hồ "nuốt xác" ở Hà Nội - kỳ 3

ANTĐ - Dạo một vòng quanh các hồ ở Thủ đô, từ hồ Văn Chương, Thiền Quang, Đình Chèm đến hồ Văn, Nghĩa Tân, Văn Quán, Giảng Võ…; rồi nghe những câu chuyện “thực - hư” về những người xấu số chết ở hồ khiến cho những câu chuyện được thêu dệt về hồ “nuốt” xác càng trở nên huyền bí, và là nỗi ám ảnh của nhiều người dân sống quanh những cái hồ như thế. Nhưng đến nay chưa có một luận cứ khoa học nào chứng minh sự tồn tại của những cái hồ “nuốt” xác ở nước ta.



Đến hồ... “Than Thở”

Sau những cái chết của người trẻ chưa rõ nguyên nhân ở hồ Văn Quán, nhiều người cho rằng ở hồ có chuyện “thần bí”. Điều ngạc nhiên hơn, xưa kia hồ chỉ là một mảnh  ruộng của HTX Văn Quán nhưng vẫn có người chết đuối.

Hồ Văn Quán (nay được truyền miệng là hồ Than Thở) được chia làm 2 khu vực rõ rệt, tuy nhiên theo những người dân sống lâu năm tại phường Văn Quán cho biết, hồ đã có nhiều người chết nhưng chủ yếu lại chết tại phần hồ bên trong cạnh nghĩa trang Văn Quán. Được biết, từ khi xây dựng khu chung cư Văn Quán, khu vực xung quanh hồ cũng theo đó mà  được cải tạo thành nơi vui chơi giải trí, nhiều dịch vụ mở ra... Hiện tại, cả 2 phần hồ đều có mở dịch vụ đạp thuyền du ngoạn, đối  tượng thu hút nhất chủ yếu là những cặp tình nhân, những đôi bạn trẻ đang tuổi “cập kê” tìm đến đây chơi và ngắm cảnh.

Cũng tại hồ này đã xảy ra bao chuyện tình bi đát, mà mới đây nhất là vụ một nữ sinh khoảng ngoài 20 tuổi tự tử vì tình. Xác chết của người con gái xấu số này cũng được tìm thấy  tại vị trí mà cách đây hàng chục năm cũng có nhiều người chết. Theo bà Nguyễn Thị Diễn (75 tuổi), người phường Văn Quán kể lại rằng: “Xưa kia hồ Văn Quán là một thửa ruộng của dân. Thời bao cấp, ruộng được chia theo nhân khẩu, mỗi khẩu khoảng vài thước. Về sau chính quyền có chủ chương thành lập HTX, thì khu vực ruộng được biến thành ao nuôi cá của HTX mà ngày nay gọi là hồ”. Một chuyện rất bí ẩn rằng, từ thời hồ còn là ruộng đã có một cậu bé đi thả diều quanh bờ bị chết không rõ nguyên nhân, chỉ biết cậu bé nằm trên mặt ruộng đầu quay về hướng nghĩa trang ngày nay. Cũng chính chỗ cậu bé chết là nằm trong phần hồ mà mọi người đã vớt được xác của người con gái trên. Sau khi cậu bé thả diều không may chết thì liền sau đó cũng tại chỗ này cũng có mấy vụ chết đuối xảy ra.

Theo bà Diễn ngày xưa khi ao cá của HTX Văn Quán nằm trên địa hình bằng phẳng, rộng rãi, xung quanh là những lối đi nhỏ. Buổi tối trăng  thanh gió mát cũng có nhiều người mang rượu ra giải sầu, chia vui. Nhiều lần cánh đàn ông uống say rồi chẳng biết đường về cứ “thẳng tiến” theo hướng ao mà đi, rất nhiều người đã chết hụt được người dân trông ao cá cứu nên thoát chết. Ông Nguyễn Văn Hùng (73 tuổi), người làng Văn Quán kể lại rằng: “Sau vụ thằng bé thả diều chết thì khi thành lập ao HTX cũng có mấy trẻ nữa bị chết cũng tại khu vực hồ gần nghĩa trang. Một vụ là cái chết thương tâm của một ông già làm nghề trông coi cá cho HTX khi nhảy xuống cứu một cháu bé trên đường đi học về xuống ao tắm, đấy là người lớn tuổi nhất chết tại hồ này. Và hình như chỗ hồ này có “dớp” với bọn trẻ con thì phải”.  

Một điều bí ẩn khác xung quanh nhiều cái chết... nổi ở hồ Văn Quán người ta đã cho xây dựng một cái miếu nhỏ thờ thần đất (thổ công) cạnh nơi mà các nạn nhân xấu số. Chính tại ngôi miếu này hàng tháng vào ngày Rằm, mùng một người dân nơi đây thường đến để cầu lộc, cầu may. Theo những người cao tuổi sống tại khu vực này cho biết thì từ những vụ “chết nổi” của nhiều người nên xây dựng miếu này (?!)

Hồ nào cũng có người chết…

Đó là một thực tế vẫn diễn ra tại các hồ trên địa bàn Thủ đô. Năm ít thì vài ba mạng người, năm nhiều thì hơn chục mạng người xấu số chìm mình xuống lòng hồ. Cho đến giờ  nhiều người vẫn chưa thể quên vụ việc 3 cháu bé bị rơi xuống hồ Văn (thuộc khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội) và cướp đi tính mạng của 1 cháu vào tháng 8-2011. Khi có mặt tại hồ Văn lúc 16h45 ngày 20-8, theo lời kể của người dân đi tập thể dục, có 3 cháu bé đá bóng, khi bóng văng xuống lòng hồ, 3 cháu ra nhặt bóng rồi sa chân xuống lòng hồ, ôm nhau kêu cứu. Một số người lớn nhanh chân kéo được 2 cháu lớn hơn vào bờ, trong khi đó cháu bé nhất do không biết bơi, nên lảng dần ra xa. Tiếp tục có thêm vài thanh niên ngay lập tức nhao xuống hồ ứng cứu, song không ai chạm được vào cháu thứ ba. Thời gian dần trôi đi, 5 phút, 10 phút, 15 phút… hy vọng tắt dần. Khoảng 30 phút sau, trong nỗ lực lặn lần cuối cùng, cháu bé được đưa lên. Tuy nhiên, do ngạt nước quá lâu, hà bá đã cướp đi tính mạng của một cháu bé xấu số. Theo nhiều người dân sống gần hồ, hồ Văn tuy nhỏ và nông nhưng năm nào cũng có người chết đuối. Đến nay đã có rất nhiều phụ nữ gieo mình tự vẫn tại đây (?!)

Khi nhắc đến những phụ nữ chết tại hồ, người ta vẫn nhắc đến vụ việc cô gái 18 tuổi chết đuối tại hồ Giảng Võ. Chuyện xảy ra lúc 12h đêm ngày 27-6-2010, đang ngồi hóng mát với nhóm bạn, do mải nô đùa, chị Bùi Thị Thúy (18 tuổi), quê ở Thanh Hóa đã bị trượt chân ngã xuống nước. Một người bạn nam đi cùng đã nhảy xuống cứu, nhưng do đêm tối, lòng hồ sâu nên không tìm được. Đến 9h sáng ngày hôm sau, xác nạn nhân mới được thợ lặn vớt lên bờ. Hồ Giảng Võ nằm trên đường Trần Huy Liệu, giữa trung tâm Thủ đô, nơi đây đã từng xảy ra nhiều vụ chết đuối, tự tử. Trước đó, ngày 24-7-2008, một xác chết đã nổi trên mặt hồ Giảng Võ. Tử thi là một người đàn ông cao khoảng 1,6m, gầy, mặc áo vàng, quần màu sẫm, trên người nạn nhân không có giấy tờ tùy thân, mặt mũi chưa bị biến dạng. Ngay lập tức lực lượng chức năng đã khám nghiệm xác định xác chết không có dấu hiệu bị xâm phạm, nguyên nhân tử nạn là do ngạt nước. Tung tích nạn nhân được CAQ Ba Đình làm rõ là ông Nguyễn Văn Ban (46 tuổi), ở phường Cát Linh…

Bao nhiêu % sự thật?

“Hồ tử thần”, hay “hồ chết” trên thế giới luôn là tâm điểm nghiên cứu của các nhà khoa học và là nơi thu hút trí tò mò của nhiều người. Theo thống kê, trên thế giới có khoảng 100 loại “hồ chết” nổi tiếng như vậy. Rõ ràng những cái chết tại các hồ Hà Nội là có thật, nhưng nguyên nhân là vì đâu? Và sự thật về những lời đồn là như thế nào. Tại Việt Nam đến nay chưa một luận cứ khoa học nào chứng minh sự tồn tại của những cái hồ như trên; nhưng theo thời gian, số lượng người chết đuối trên hồ vẫn thường xuyên diễn ra khiến cho câu chuyện hồ “nuốt” xác luôn là điều bí ẩn khiến cho con người thường có tâm trạng bất an, lo lắng xen lẫn ám ảnh khi đứng gần những hồ “nuốt” xác như thế. Nhưng “thực - hư” của những hồ “nuốt” xác đầu tiên là do chính những “nhân vật” sinh sống, làm ăn, buôn bán ngay cạnh những cái hồ có nhiều người chết đuối “thêu dệt” nên. Dạo quanh các hồ, nghe trăm câu chuyện của người dân thì sẽ bắt gặp nhiều tỉnh cảnh dở khóc, dở mếu trong khi kể chuyện về người chết cũng “bất đồng quan điểm”. Từ nhiều nguyên nhân do thất tình, tự tử, trượt chân, say rượu, sốc thuốc… đến cả sự đồn thổi là do dớp, điềm xấu, người thế mạng người ở hồ.

Tuy nhiên, theo kết luận của nhiều cuộc khảo sát, đánh giá tại Việt Nam của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho thấy hầu hết người chết đuối là do không biết bơi, đặc biệt là trẻ em hay chơi đùa gần sông, hồ, suối… Theo Cục Bảo vệ & Chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, ở Việt Nam, đuối nước là nguyên nhân chủ yếu gây tử vong từ lứa tuổi sơ sinh cho đến vị thành niên (chiếm 50%), vượt xa những nguyên nhân tử vong khác. Và theo kết quả giám sát của Bộ Y tế, vài năm gần đây, số lượng người chết đuối tại sông, hồ ngày một tăng. Từ một sự lý giải khác, vì sao có nhiều người chết đuối ở hồ thì theo kiến trúc sư Nguyễn Khánh Duy, Công ty Kiến trúc An Việt và kỹ sư xây dựng Phan Đình Tuấn, Công ty Tu tạo & Phát triển Nhà Hà Nội đều có chung một nhận định, thường trong các thiết kế xây dựng, cải tạo các lòng hồ thường có kiến trúc thoai thoải hình bậc thang từ mép hồ đến đáy lòng hồ; nếu người dân vô tình trượt chân sẽ bị tuột xuống rất nhanh, nếu không biết bơi rất nhanh bị chết đuối. Đấy cũng là nguyên do của việc vớt các xác chết đuối thường khó khăn vì xác bị trôi đi rất xa so với vị trí ban đầu được xác định. 

Ở góc độ tâm lý tín ngưỡng, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nhận định: “Nỗi ám ảnh về tai nạn, cái chết… vốn là một niềm tin tín ngưỡng đồng hành suốt chiều dài lịch sử. Từ thời nguyên thủy, hình thái tín ngưỡng vạn vật hữu linh đã cho thấy cách thức lý giải mọi hiện tượng bất thường của thiên nhiên hay xã hội loài người. Việc gán cho các tai nạn trùng hợp hay bất thường một sự kiến giải nhuốm màu sắc dị đoan là điều hoàn toàn bình thường ở góc độ tâm lý. Nhìn chung, cách thức lý giải thế nào sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tầm tri thức, bối cảnh xã hội, tâm lý cộng đồng”... Nhà xã hội học Hà Ánh Bình chia sẻ: “Thực chất chúng ta cần phải vén bức màn để hiểu rõ về “hiệu ứng tâm lý đám đông”. Từ việc xuất hiện vài bức ảnh được chụp bỗng dưng có… hình người mờ mờ thì tất cả đồn thổi là có ma, nay thì hồ có nhiều người chết đuối thì tất cả gọi chung là hồ “nuốt” xác… - Đó chính là hiệu ứng tâm lý đám đông tạo nên phản ứng thông tin lan truyền trong một nhóm người, cộng đồng rồi toàn xã hội. Tôi đồng quan điểm với nhà tâm lý học người Pháp Gustave Le Bon, tác giả của công trình “Tâm lý học đám đông” cho rằng “Tâm lý đám đông đặc trưng bằng ký ức, ám thị và trong đám đông, trình độ trí tuệ bị hạ thấp đi và trở nên vô thức, con người trong đám đông chỉ hành động, suy nghĩ theo một xu hướng chung mà thiếu đi sự sáng suốt vốn có, đồng thời nhân cách ít khác biệt đi dẫn đến việc phóng đại các tư tưởng, nhấn mạnh hay trầm trọng hóa vấn đề”.

“Có lẽ chưa bao giờ, mọi sinh hoạt tín ngưỡng của người Việt lại có cơ nở rộ muôn hình vạn trạng như hiện nay. Số lượng những người thực hành tín ngưỡng như các thầy phù thủy, thầy cúng, ông đồng bà đồng, thầy bói, thầy địa lý... mọc lên nhan nhản như nấm sau mưa. Sự hồn nhiên tín ngưỡng đó có thể đánh giá là sự tiếp nối từ truyền thống xưa của ông cha, cũng một phần thể hiện sự thiếu, mất niềm tin vào cuộc sống hiện hữu nơi trần thế. Điều đó cũng có nghĩa con người thời nay vẫn chưa vượt qua được những nỗi ám ảnh nguyên thủy. Tất cả là một hệ quả, đặc biệt dưới sự “tiếp sức” của hiệu ứng tâm lý đám đông tạo nên phản ứng thông tin lan truyền trong xã hội” - Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nhận định.

Nếu bình tĩnh nhìn nhận, sẽ thấy trong khu vực dân sinh, việc sơ xảy chết đuối ở một cái hồ sâu đến 3m là điều hết sức bình thường khi con người bất cẩn trong hành động của mình. Cũng giống như việc tham gia giao thông, nếu lơ là chỉ tích tắc, bất cứ ai cũng có thể gặp tai nạn trên đường phố… Dưới góc độ tâm lý tín ngưỡng, việc thiêng hóa mọi sự vật, sự việc âu cũng xuất phát từ cái gọi “trình độ tín ngưỡng” của con người nói chung. Còn quả thực với rất nhiều điều bí ẩn từ xa xưa, theo thời gian qua những câu chuyện thực - hư của những người đang sống “thêu dệt” thì đến nay, không chỉ riêng nước ta mà trên thế giới vẫn còn rất nhiều điều kỳ bí mà con người chưa thể lý giải được.