Hộ khẩu một thời

ANTD.VN - Sau năm 1954 của thế kỷ trước, nhiều người dân sống ở nông thôn sợ bị quy thành phần địa chủ khi thực hiện cải cách ruộng đất đã bỏ quê ra Hà Nội khiến dân số thành phố này tăng vọt. Kéo theo đó là nhu cầu lương thực ở Hà Nội là rất lớn.
    

Hồ Hoàn Kiếm năm 1973 - thời điểm này, Hà Nội đã quản lý nhân khẩu bằng sổ hộ khẩu 

Vì thiếu lương thực do thiếu nguồn cung, năm 1955, Nhà nước đã đưa ra chính sách bán lương thực theo định lượng cho cán bộ, công nhân viên chức, bộ đội, sinh viên, dân thành thị với giá cung cấp, rẻ hơn nhiều lần so với giá thị trường. Thấy làm dân Hà Nội được Nhà nước lo cho gạo ăn nên ngày càng nhiều người dân nông thôn bỏ quê ra Hà Nội.

Trước thực trạng này, ngày 24-10-1957, Hội đồng Chính phủ đã có Thông tư số 495/TTg “về việc hạn chế bà con ở nông thôn ra thành phố”. Thực hiện Thông tư của Chính phủ, Công an Hà Nội là đơn vị đầu tiên tổ chức đăng ký hộ khẩu thường trú cho từng gia đình, cơ quan, trường  học, xí nghiệp..., tiếp đó là Hải Phòng.

Sổ hộ khẩu khi đó có 2 loại: gia đình và tập thể. Với sổ hộ khẩu gia đình, chủ hộ thường là người cao tuổi hay người là cán bộ công nhân viên chức Nhà nước. Còn sổ hộ khẩu tập thể thì chủ hộ là thủ trưởng cơ quan, đơn vị đó. Trong sổ hộ khẩu gia đình ghi rõ quan hệ giữa các thành viên, kèm theo đó là thông tin cá nhân gồm: ngày, tháng, năm sinh; quê quán, tình trạng hôn nhân, nghề nghiệp. Để quản lý nhân khẩu, mỗi khối (tương ứng với phường hiện nay) có một Công an viên phụ trách gọi là Công an hộ tịch. 

Trên con đường tiến lên CNXH, vào những năm 1959, 1960, các công trình xây dựng nhà ở, nhà máy được xây dựng nhiều ở Hà Nội làm tăng nhu cầu sử dụng công nhân. Nhiều nhà máy, công trường tự tuyển quá nhiều lao động đã gây khó cho Hà Nội trong cung cấp lương thực, thực phẩm theo chế độ. Nhằm kiểm soát được số người về Hà Nội, ngày 9-9-1960, Hội đồng Chính phủ đã ban hành “Điều lệ tạm thời quy định việc tuyển dụng và sử dụng nhân công ở nông thôn” cùng với Nghị định số 36/CP.

Theo đó, Bộ Lao động có trách nhiệm quản lý việc thi hành chính sách tuyển dụng và sử dụng nhân công dựa theo kế hoạch của Nhà nước. Điều lệ tạm thời này cũng nghiêm cấm ủy ban hành chính các huyện, xã, các đoàn thể ở nông thôn không được tự tiện giới thiệu người ra tìm việc tại Hà Nội hoặc tại các xí nghiệp, công trường ở các tỉnh thành khác. 

Để quản lý nhân khẩu một cách bài bản và toàn diện trong khi đất nước đang có chiến tranh, ngày 27-6-1964, Hội đồng Chính phủ ban hành “Điều lệ đăng ký và quản lý hộ khẩu” kèm Nghị định 104/CP. Theo Nghị định, mỗi công dân phải đăng ký là nhân khẩu thường trú trong một hộ nhất định, hộ này là nơi ở thường xuyên của họ. Việc đăng ký và quản lý hộ khẩu lấy hộ làm đơn vị.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Một hộ gồm những người ăn ở chung với nhau trong một nhà riêng hoặc nhà tập thể của cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, trường học. Một người ăn ở riêng một mình cũng kể như một hộ. Trường hợp chuyển chỗ ở đến một thành phố, thị xã, thì khi đến đăng ký lấy giấy “Chứng nhận chuyển đi”, họ phải đem theo giấy đã cắt hộ khẩu nơi ở cũ.

Và từ năm này, người có hộ khẩu Hà Nội sẽ được Nhà nước bán thực phẩm theo tiêu chuẩn gồm: thịt, cá, nước mắm, đậu phụ... với giá  cung cấp, vì thế việc quản lý hộ khẩu càng chặt chẽ. Khi kết hôn, trong trường hợp 2 người cùng có hộ khẩu ở Hà Nội thì người vợ mang đăng ký kết hôn cùng với giấy cắt hộ khẩu do công an cấp là có thể nhập hộ khẩu về nhà chồng. Tuy nhiên đàn ông Hà Nội lấy vợ tỉnh khác không thể nhập khẩu cho vợ về Hà Nội và khi có con thì con cái phải nhập hộ khẩu theo mẹ. Phụ nữ Hà Nội lấy chồng tỉnh khác thì “Thuyền theo lái/ Gái theo chồng”, họ cũng buộc phải cắt hộ khẩu Hà Nội nhập về nơi chồng ở. 

Thời bao cấp, chẳng ai muốn xa và người các tỉnh ai cũng muốn được nhập hộ khẩu vào Hà Nội vì ở đây có điện, có đường nhựa, có nước máy, lại có gạo và thực phẩm giá cung cấp. Thậm chí hộ khẩu còn là  tiêu chuẩn chọn chồng của các cô gái: “...Ba yêu anh có nhà sang/ Bốn yêu hộ tịch rõ ràng Thủ đô...”.

Vì một lý do nào đó, việc phải cắt hộ khẩu và khi nhập lại là không dễ dàng bởi hộ khẩu liên quan đến tiền bạc của Nhà nước. Ông Phạm Quang Nhuận, bạn thân của nhà viết kịch Lưu Quang Thuận, người  phụ trách phòng hộ khẩu của thành phố trong nhiều năm có lần kể rằng khi con trai bạn là Lưu Quang Vũ rời quân ngũ về nhà mãi không nhập được hộ khẩu dù ai cũng biết Vũ ở Hà Nội và đã nổi tiếng trong làng thơ với tập “Hương cây - Bếp lửa” (in chung với nhà thơ Bằng Việt).

Nhiều tháng, Lưu Quang Vũ không có tiêu chuẩn gạo nên ông Phạm Quang Nhuận phải đứng ra cam kết và nhập lại hộ khẩu cho Lưu Quang Vũ. Bản thân tôi khi xuất ngũ sau khi làm nhiệm vụ quốc tế tình nguyện từ Campuchia về Hà Nội chỉ vì đơn vị viết nhầm dấu sắc thành dấu huyền trong quyết định xuất ngũ mà phải trở lại đơn vị để xin lại, thì mới được nhập hộ khẩu.

Cuối năm 1988, Nhà nước bỏ chế độ gạo cung cấp cùng tem phiếu nhưng hộ khẩu thì vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, hộ khẩu không còn sức mạnh như thời trước đó.