Hồ Hùng Anh - Nguyễn Đăng Quang: Hai người bạn trở về từ Đông Âu trở thành tỷ phú USD

ANTD.VN - Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang là bộ đôi được xướng tên trong danh sách tỷ phú USD thế giới không phải điều bất ngờ. Trước khi công bố danh sách năm 2019, hai nhân vật này đã được bổ sung “hồ sơ” trên Forbes. 

Phác họa về ông Hồ Hùng Anh trên Forbes

Mối liên hệ mật thiết 

Theo đó, ông Hồ Hùng Anh (SN 1970, quê Thừa Thiên - Huế) được Forbes miêu tả là Chủ tịch của Techcombank, một ngân hàng thương mại lớn tại Việt Nam. 

Ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang gặp nhau khi đi du học ở Nga, là hai đối tác kinh doanh thân thiết và có mối liên hệ đan xen với nhau. Cả hai đều là du học sinh Nga, trở về Việt Nam giai đoạn đầu thập niên năm 1990 thế kỷ trước, cùng đầu tư vào Techcombank và Masan Group. Đến nay, ông Hồ Hùng Anh giữ chức Chủ tịch HĐQT Techcombank trong khi ông Quang làm Chủ tịch HĐQT tại Masan Group.

Như vậy, có thể thấy một điểm chung trong danh sách tỷ phú Việt Nam được Forbes vinh danh là đa phần đều từng sinh sống, kinh doanh ở Đông Âu rồi trở về Việt Nam. Tỷ phú USD khởi nghiệp trong nước duy nhất có ông Trần Bá Dương.

Ông Hồ Hùng Anh từng tốt nghiệp cử nhân ngành Điện tử tại trường Đại học Bách khoa Kiev (Ukraine). Tại thị trường Nga, ông Hùng Anh chọn lĩnh vực mì gói và tương ớt để bắt đầu hành trình khởi nghiệp. Đến năm 1990, ông bắt đầu kinh doanh hàng hóa giữa Việt Nam và Đông Âu. Techcombank ban đầu được thành lập vào năm 1993 bởi một nhóm trí thức trở về từ Đông Âu.

Ông Hồ Hùng Anh chính thức tiếp nhận vị trí Chủ tịch HĐQT ngân hàng này từ năm 2008 cho đến nay. Hiện tại, ông Hồ Hùng Anh chỉ trực tiếp nắm giữ hơn 39 triệu cổ phiếu Techcombank (TCB), tương đương với 1,12% vốn điều lệ ngân hàng. Tuy nhiên, các thành viên khác trong gia đình ông lại nắm giữ lượng cổ phiếu nhiều hơn. Cụ thể, vợ và mẹ ruột ông Hùng Anh hiện mỗi người sở hữu hơn 174 triệu cổ phiếu TCB. Con trai và em gái ông hiện nắm giữ lần lượt 137 triệu và 69,6 triệu cổ phiếu TCB. Như vậy, ước tính ông Hồ Hùng Anh và gia đình có tỷ lệ sở hữu tới 17% vốn cổ phần của ngân hàng.

Còn tại Masan, dù ông Hùng Anh trên danh nghĩa không trực tiếp nắm giữ cổ phiếu nào nhưng vị tỷ phú này được cho là sở hữu tới hơn 47% cổ phần của Tập đoàn Masan.

Ông Nguyễn Đăng Quang là tỷ phú USD mới nhất của Việt Nam

Ông Nguyễn Đăng Quang chỉ sở hữu... 15 cổ phiếu Massan 

Cũng sở hữu lượng cổ phiếu ít ỏi tại doanh nghiệp mình nắm quyền lãnh đạo, ông Nguyễn Đăng Quang gây bất ngờ hơn khi chỉ nắm giữ... 15 cổ phiếu Masan Group. Mặc dù vậy, theo khẳng định của Forbes Việt Nam, các dữ liệu họ thu thập được đủ chứng minh ông Nguyễn Đăng Quang là cổ đông cá nhân lớn nhất của Masan và kế tiếp là ông Hồ Hùng Anh.

Hiện vợ ông Quang là bà Nguyễn Hoàng Yến nắm giữ 3,65%, tương đương 42,5 triệu cổ phiếu. Mẹ ruột ông Quang cũng nắm giữ gần 2 triệu cổ phiếu này. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đăng Quang lại có tới hơn 177 triệu cổ phiếu MSN gián tiếp sở hữu qua 48,5% cổ phần tại Công ty Cổ phần Masan và hơn 75 triệu cổ phiếu MSN gián tiếp sở hữu qua 48,5% cổ phần Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương.

Ông Nguyễn Đăng Quang khởi nghiệp thành công ở Đông Âu và đầu tư vào Techcombank năm 1993. Ông từng giữ chức Phó Tổng Giám đốc và Thành viên HĐQT ngân hàng này. Ông Nguyễn Đăng Quang thành lập Công ty Công nghệ Kỹ thuật Thương mại Việt Tiến vào năm 1996, sản xuất tương ớt và mì gói xuất khẩu vào Nga - là tiền thân của Masan Consumer. Ông Nguyễn Đăng Quang được gắn biệt danh “Người dạy cho người Nga ăn mì gói và tương ớt”. Đến nay, Masan được coi là đế chế hàng tiêu dùng tại Việt Nam. Vào năm 2004, ông tiếp tục thành lập Công ty Hàng hải Masan, là tiền thân của Masan Group. Đến năm 2009, Masan Group được niêm yết trên sàn chứng khoán.