Hiu hắt... di tích lịch sử

ANTĐ - Trên địa bàn Hà Nội hiện tồn tại hàng trăm di tích lịch sử kháng chiến có giá trị quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của Thủ đô. Tuy vậy, một số di tích đang ở trong tình trạng đìu hiu, vắng khách và có nguy cơ bị lãng quên...

Di tích lịch sử 5D Hàm Long vắng khách đến tham quan

Chỗ nào cũng vắng khách

Có mặt tại ngôi nhà số 5D Hàm Long chiều 17-5, dấu hiệu duy nhất để chúng tôi nhận biết đây là di tích bởi tấm biển gắn ngoài cửa ghi “Nơi thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam”. Di tích này được công nhận là di tích lịch sử văn hóa từ năm 1964, thuộc sự quản lý của Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội. Dù di tích vẫn đang mở cửa nhưng không thấy bóng dáng một khách tham quan nào ngoài một người bảo vệ được giao nhiệm vụ trông coi nơi đây. Vào bên trong, chúng tôi đã hiểu được phần nào nguyên nhân khiến di tích này hiu hắt đến vậy. Trong gian phòng nhỏ, hiện vật trưng bày khá nghèo nàn, chỉ gồm một bộ tràng kỷ, một chiếc giường, một chiếc va li, bếp nấu khiến không gian di tích trở nên trống trải. Trong đó, có hiện vật được phục chế lại, không còn nguyên bản.

Điều này khiến khách tham quan có cảm giác buồn tẻ và thất vọng. Theo nhân viên bảo vệ tại đây, hầu như cả tháng mới có khoảng chục người đến tham quan trong đó chủ yếu là học sinh, sinh viên, có những ngày không có khách nào, đặc biệt là dịp cuối tuần. Vì thế, để tiết kiệm chi phí, nhân viên vệ sinh kiêm luôn hướng dẫn viên nhưng cũng luôn trong tình trạng… ngồi chơi xơi nước.

Cũng trong tình trạng tương tự là di tích Pháo đài Láng. Đây là nơi bắn những loạt đạn pháo đầu tiên, phát hiệu lệnh cho Hà Nội mở đầu cuộc Toàn quốc kháng chiến, theo mệnh lệnh của Bộ Tổng chỉ huy. Hầu hết khách tham quan muốn vào di tích này đều phải hỏi thăm vì hiện di tích nằm khuất bên trong khu vực Cơ quan Khí tượng thủy văn Láng và không có biển chỉ dẫn hướng đi cụ thể. Vào đến bên trong, không ít người tỏ ra thất vọng khi chỉ thấy một khẩu pháo nằm trơ trọi.

Bà Nguyễn Thị Xuân, một người dân sống tại khu vực cho biết: “Thỉnh thoảng mới có một vài du khách nước ngoài hoặc sinh viên vào thăm di tích nhưng chỉ được mấy phút lại đi ra. Ngay như tôi sống ở đây mà cũng mới vào có một lần nhưng thấy thất vọng vì có quá ít thứ đáng xem, cách trình bày hiện vật lại không hấp dẫn. Tôi nghĩ rằng di tích  này là vô cùng quý giá, là chứng tích của lịch sử, cần phổ biến đến nhiều người dân. Nếu cứ để di tích lặng lẽ thế này thì không chỉ có lỗi với người đi trước mà còn gây lãng phí lớn”…

Vào phố cổ, chúng tôi tìm đến số nhà 15 Hàng Nón - nơi tổ chức Đại hội Công hội Đỏ toàn quốc lần thứ nhất do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh triệu tập vào mùa hè năm 1920. Gần 100 năm đã trôi qua, nếu không để ý một tấm biển nhỏ gắn phía bên trái cửa thì không ai biết đây là di tích lịch sử. Cạnh đó ngôi nhà số 16 phố Cầu Gỗ - nơi trước đây đồng chí Trần Phú đến trao đổi với đồng chí Nguyễn Thế Rục về nội dung bản Luận cương chính trị cũng yên ắng, vắng lặng không kém.

  Điểm tiếp theo là căn nhà số 90 phố Thợ Nhuộm. Nơi đây vừa là di tích lịch sử vừa là trụ sở của Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội. Tại tầng hầm căn nhà này, Tổng bí thư Trần Phú đã dự thảo bản Luận cương chính trị của Đảng. Dù hàng ngày, có không ít người tới di tích nhưng không phải là để tham quan, mà vì lý do công việc. Tuy vậy, khi chúng tôi đề nghị được vào thăm, nhân viên bảo vệ kiên quyết không cho vào với lý do “đang là giờ làm việc, không tiếp khách tham quan”. Chúng tôi hỏi giờ nào khách được vào thì nhân viên này trả lời: “phải xin ý kiến lãnh đạo”?!

Tẻ nhạt, nghèo nàn

Trên đây chỉ là một vài trong hàng trăm di tích lịch sử, kháng chiến hiện có trên địa bàn Hà Nội. Bên cạnh một số di tích đã bị phá hủy do chiến tranh thì không ít di tích còn lại ở trong tình trạng hiu hắt bóng người… Một số di tích nằm trong nhà dân thì bị cải tạo, biến đối theo ý muốn của gia chủ.

Theo chúng tôi, một trong những lý do khiến các di tích chưa thu hút được sự chú ý của người dân và khách tham quan là bởi sự tẻ nhạt, nghèo nàn về số lượng hiện vật và sự thiếu hiệu quả trong việc quảng bá tuyên truyền của cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, việc sắp xếp các hiện vật mà không có biển tên cụ thể, nhân viên hướng dẫn lúc có lúc không khiến du khách có cảm giác không được tôn trọng, dẫn đến kết quả dù họ đã đặt chân đến di tích nhưng vẫn không thể hiểu và cảm nhận được trọn vẹn giá trị lịch sử của di tích. Hơn nữa, hầu hết di tích đều có thời gian mở cửa khá cứng nhắc, theo đúng khung giờ hành chính nên rất bất lợi cho khách tham quan nếu muốn đến tìm hiểu ngoài giờ (sau giờ học, giờ làm). 

Theo bà Nguyễn Bích Hạnh - nguyên giảng viên Khoa Sử - Trường ĐH Sư phạm, có thể nói việc dạy và học lịch sử trong các nhà trường phổ thông thiếu hiệu quả, cách truyền tải kiến thức đơn điệu, khô cứng của giáo viên  khiến các thế hệ trẻ chưa thật sự yêu thích, say mê sử nước nhà. Đó cũng là lý do khiến các em thiếu hứng thú trong việc tham quan tìm hiểu các di tích. Tình trạng này đang biến những di tích lịch sử thành những nhà kho. Điều đáng nói là tất cả các di tích trên đều được nhà nước đầu tư tôn tạo, mở cửa đón du khách với chi phí không nhỏ. Bởi vậy, việc để di tích hiu hắt trong thời gian dài không chỉ có lỗi với lịch sử mà còn gây lãng phí không nhỏ về tiền của.