Hình tượng con chuột trong mỹ thuật cổ Việt Nam

ANTD.VN - Dù nhỏ bé và có sức công phá lớn, con chuột vẫn được các nghệ nhân dân gian để tâm dựng tượng, làm phù điêu. Nhìn vào mỹ thuật cổ Việt Nam, hình ảnh con chuột được chạm khắc trên các văn bia nhiều chẳng kém rồng, phượng…

Bức tranh dân gian Đông Hồ “Đám cưới chuột”

Biểu tượng về con đàn cháu đống, sinh sôi này nở 

Có một điều khá thú vị khi nghiên cứu về hình ảnh của con chuột trong mỹ thuật cổ, các nhà nghiên cứu nhận thấy, dù là loài vật phá phách mùa màng của người nông dân nhưng con vật này không những bị ghét bỏ mà còn được chạm khắc rất nhiều trên các văn bia ở miền Bắc, ở Huế thì nhiều hơn.

Sở dĩ có điều này là bởi, con chuột với bản tính tinh ranh, nhanh nhẹn và kích thước nhỏ bé nên rất dễ dàng kiếm ăn, lẩn trốn. Ở môi trường nào, loài chuột cũng dễ dàng thích nghi. Nhưng điều quan trong hơn, con vật này mang tính biểu tượng cho con đàn cháu đống, sinh sôi nảy nở. Chính vì vậy, loài chuột mang ý nghĩa cầu mong gia đình sung túc, gia đình vui vẻ hạnh phúc.

Hơn thế, trong 12 con giáp, con chuột đứng ở vị trí đầu tiên, đứng trên cả chúa tể muôn loài là hổ hay loài vật linh thiêng là rồng. Vì chiếm vị trí quan trọng như vậy trong bảng xếp hạng 12 con giáp và gắn bó chặt chẽ với đời sống của người dân Việt, những cư dân trồng lúa nước quanh năm làm bạn và sống dựa vào thiên nhiên nên hình ảnh con chuột được đặc biệt chú ý.

Trong 12 con giáp, con chuột đứng ở vị trí đầu tiên, đứng trên cả chúa tể muôn loài là hổ hay loài vật linh thiêng là rồng. Vì chiếm vị trí quan trọng như vậy trong bảng xếp hạng 12 con giáp và gắn bó chặt chẽ với đời sống của người dân Việt, những cư dân trồng lúa nước quanh năm làm bạn và sống dựa vào thiên nhiên nên hình ảnh con chuột được đặc biệt chú ý.

Trong một lần khai quật con tàu cổ đắm tại vùng biển Cù Lao Chàm gồm nhiều loại gốm Chu Đậu thời Lê Sơ, các nhà khoa học đã tìm thấy chiếc đĩa có đường kính 32,7cm (được xếp loại lớn) vẽ hình một con chuột nhiều râu nằm ẩn mình trong bụi cỏ, phía trên là đám mây cách điệu quả cầu lửa, vành đĩa là dải hoa văn hoa lá nối tiếp nhau, các vòng tròn đồng tâm bao quanh lòng đĩa còn khá nguyên vẹn. Bên cạnh hình ảnh các con vật khác như rồng, gà, chim muông… có mặt trong các hiện vật được tìm thấy trên con tàu cổ, sự xuất hiện của chú chuột càng khẳng định rõ hơn về sự quan tâm của các nghệ nhân tới loài gặm nhấm này. 

Mang mong ước của người xưa về xã hội đương thời

Không chỉ xuất hiện trong đồ gia dụng, hình ảnh chú chuột thông minh, láu lỉnh còn xuất trong các văn bia cổ. Bia tiền triều Đinh Tiên Hoàng đế công đức tằng tu điện miếu bia ký là chiếc bia đá có kích thước lớn nhất đền vua Đinh. Trong nhà bia đền vua Đinh hiện còn 3 chiếc khắc vào 3 thời điểm Hoằng Định thứ 9 (năm 1608), Chính Hòa thứ 17 (1696) và cuối cùng là bia Thiệu Trị năm thứ 3 (1843).

Bia không có rùa đội bia như chiếc bia khắc năm Hoàng Định thứ 9 và cũng không có hình lưỡng long chầu nhật trên trán bia. Trên đế chiếc bia có hình 2 con chuột khắc nổi đang quay đầu vào con cua đang nằm chính giữa. Không phải là lưỡng chuột chầu cua mà lộ rõ dáng vẻ rình rập của 2 con chuột đồng béo núc đang chuẩn bị lao vào xơi tái chú cua.

Những chiếc đĩa được tìm thấy tại con tàu cổ đắm ở Cù Lao Chàm, trong đó có chiếc đĩa còn khá nguyên vẹn có hình ảnh chú chuột nhỏ bé

Phía khuất sau mặt trái tấm bia, cũng dưới phần chân đế có hình ảnh 1 con rồng đang nằm dài thượt, ẩn mình trong bóng tối buồn bã. Những con chuột con cua đá đen bóng, két bùn đất thực đến nỗi có thể lầm tưởng như mới vừa lội từ bùn lên. Cũng tưởng như tấm bia vừa khắc chữ xong đem đặt ngoài ruộng, thoắt một cái đám cua, chuột, tôm cá đã chui vào hóa đá để sống một kiếp sống thường hằng của nghệ thuật. 

Theo nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế, con chuột dẫu tả rất hiện thực nhưng trong ngữ cảnh của tổng thể đồ án đã dẫn dắt người xem tới những liên tưởng về cuộc tranh chấp quyền lực khốc liệt suốt thế kỷ XVII của hai dòng họ Trịnh - Nguyễn dẫn đến 7 cuộc nội chiến. Tuy mang danh một lòng thờ phụng vua Lê, nhưng các ông vua bị vô hiệu hóa trở thành một thứ bù nhìn.

Bia được khắc vào thời Chính Hòa (1681-1705) mà theo sử viết là thời đại yên bình thịnh trị nhất của thời đại Lê Trung Hưng. Chính vì hai thế lực Trịnh - Nguyễn sau 7 lần chinh chiến bất phân thắng bại (từ sau năm 1672) đã tạm hòa hoãn lấy sông Gianh làm giới tuyến. Còn dư đảng cuối cùng của nhà Mạc tới năm 1688 cũng đã bị dẹp bỏ. 

Đặc biệt, nhắc tới hình ảnh chú chuột, nhiều người sẽ nhớ tới các bức tranh dân gian Đông Hồ và Hàng Trống miêu tả về đám cưới chuột với một đám cưới linh đình, một bức tranh vừa hài hước, vừa châm biếm sâu xa. Nghệ nhân dân gian đã thổi hồn vào những chú chuột nhỏ bé mang dáng dấp của con người. Chính vì thế, mới có chuyện, chuột cũng tổ chức đám cưới, rước dâu lấy vợ.

Nhưng thâm ý của các nghệ nhân dân gian ở chỗ, họ đã mượn đám cưới chuột để đả kích xã hội phong kiến đương thời, về tầng lớp thống trị xưa với thói tham lam, nhận hối lộ. Con chuột là hình ảnh của những người nông dân trong xã hội cũ. Con mèo là đại diện cho giai cấp thống trị nhưng vì nhận hối lộ nên bỏ quên nhiệm vụ bắt chuột. Đó là hiện thực xã hội được phản ảnh trong bức tranh dân gian đám cưới chuột. 

Có thể nói, hình ảnh của những chú chuột nhỏ bé trên các tác phẩm mỹ thuật cổ đã minh chứng cho sự quan tâm đặc biệt của các nghệ nhân đối với một con vật nhỏ bé nhưng lanh lợi. Ở đó, bao ước muốn của người xưa về một xã hội công bằng, bình đẳng và bác ái đã được gửi gắm qua hình ảnh của chú chuột. Những phê phán hay đả kích, châm biến sâu cay với tiếng cười được cất lên cũng chỉ nói lên rằng, dù cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng người xưa luôn có cái nhìn lạc quan về tương lai.

Đây cũng là tinh thần xuyên suốt trong các bức tranh dân gian hay hoa văn mỹ thuật cổ có sự xuất hiện của loài chuột. Người xem không chỉ thấy đời sống tinh thần phong phú của các nghệ nhân mà còn là bàn tay khéo léo với những nét chạm khắc, chạm trổ rất đẹp mắt. Chính vì thế, sau hàng trăm năm, những văn bia hay những bức tranh dân gian vẫn làm các hậu thế ngỡ ngàng và ngạc nhiên trước khả năng sáng tạo từ hình ảnh của con giáp năm Canh Tý 2020.