Hiệu quả tuyên truyền trong công tác phòng chống cháy, nổ

ANTD.VN - Tuyên truyền phòng chống cháy, nổ là giải pháp quan trọng, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục nhằm ngăn ngừa cháy, nổ và giảm thiểu thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Trong thời gian qua, hoạt động tuyên truyền phòng chống cháy, nổ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã có sự quan tâm nhất định của các cấp ủy, chính quyền, tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại những hạn chế cần khắc phục.

Tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ

Địa bàn quận Hoàn Kiếm có 1463 cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy (PCCC), 438 cơ sở nguy hiểm cháy nổ, 12 địa bàn phường trọng điểm về PCCC, 10 khu dân cư nguy hiểm cháy nổ và 108 hộ kinh doanh dịch vụ văn hóa, trong đó có 22 hộ kinh doanh karaoke và 36 cơ sở nhà hàng có sử dụng nhạc.

Nội dung chữa cháy tại Hội thao PCCC và CNCH do lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH- CAQ Hoàn Kiếm phối hợp tổ chức

Trong khi đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa đa phần được thuê lại từ nhà dân đã và đang sinh sống. Các cơ sở này có kết cấu hạ tầng theo loại hình nhà ống, kết cấu khung bê tông, cốt thép, nhiều nhà cao 2 tầng trở lên, được thiết kế theo kiểu khép kín, kiến trúc ngăn phòng trên từng tầng, vách ngăn tường là tường gạch, đất nung nên tăng thời gian cháy lan. Tuy nhiên, với các cơ sở kinh doanh karaoke, nhà hàng, dịch vụ giải trí, do tính phổ thông, thẩm mỹ và kinh tế cao nên các vật liệu cách âm, trang trí nội thất trên tường, trần, cửa hầu hết là các vật liệu dễ cháy như mút xốp, nỉ, vật liệu giả da,… khi xảy ra cháy, đám cháy sẽ phát triển rất nhanh trong phòng, tạo nhiều khói gây thiệt hại lớn và khó khăn để cứu chữa.

Thêm vào đó, cửa của các phòng karaoke lại thường là loại một cánh bọc tấm cách âm (chất liệu cách âm là loại chất dễ cháy), nên khi xảy ra cháy gần cửa thoát nạn rất khó khăn cho việc thoát nạn ra ngoài.

Hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa đều là những nơi sử dụng lượng tiêu thụ điện rất lớn, tập trung chủ yếu vào điện chiếu sáng, quảng cáo, máy móc, thiết bị âm thanh, ánh sáng…

Để thu hút sự chú ý của khách hàng, nhiều cơ sở còn lắp hệ thống biển quảng cáo điện tử công suất lớn với hệ thống dây điện chằng chịt. Hệ thống điện trong phòng thường là đi ngầm do đó cũng gây nhiều khó khăn trong kiểm tra… dẫn đến nguy cơ cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu không được đảm bảo an toàn. Ngoài ra, hệ thống thiết bị điện của một số cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa quy mô nhỏ, trung bình đã có thời gian hoạt động nhiều năm, nhiều thiết bị cũ, hỏng không được thay thế triệt để, cùng với đó, việc sử dụng đấu mắc bằng dây nối đã gây ra tình trạng mất an toàn trong quá trình sử dụng.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH- CAQ Hoàn Kiếm tuyên truyền, diễn tập PCCC tại Hội thao PCCC và CNCH năm 2019

Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH- CATP Hà Nội, trong vòng thời gian từ năm 2014 đến năm 2018, trên địa bàn quận đã xảy ra 323 vụ cháy (số vụ cháy, nổ tại cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ là 28 vụ, chiếm 8,67%), làm chết 04 người, 01 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính 266,100,000 đồng. Chỉ tiếng riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn quận xảy ra 44 vụ cháy.

 Nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ có nhiều lý do khác nhau, trong đó nguyên nhân chủ quan phải kể đến là ý thức đảm bảo an toàn PCCC của chủ hộ kinh doanh chưa tốt, dẫn đến chủ quan, lơ là, không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ quy định về PCCC.

Tăng cường rà soát, kiểm tra, xử lý kết hợp tuyên truyền

Theo theo chỉ huy Công an quận Hoàn Kiếm, có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ, trong đó nguyên nhân chủ quan phải kể đến là ý thức đảm bảo an toàn PCCC của chủ hộ kinh doanh chưa tốt, dẫn đến chủ quan, lơ là, không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ quy định về PCCC.

Để nâng cao ý thức cho người dân nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cũng như cấp ủy, chính quyền quận đã phối hợp với ban ngành tổ chức tuyên truyền tập huấn, diễn tập PCCC cho người dân và cơ sở kinh doanh. Tuy nhiên, qua thực tế tại công tác tuyên truyền PCCC tại cơ sở, cho thấy, người dân và đứng đầu cơ sở chưa được phát huy tính chủ động phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC. Nhiều người còn chưa nhận thức rõ trách nhiệm công dân với công tác PCCC, ỷ lại vào lực lượng cảnh sát PCCC.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH- CAQ Hoàn Kiếm diễn tập PCCC và CNCH tại chợ Đồng Xuân 

Trong công tác phòng ngừa hiệu quả PCCC tại cơ sở trước tiên cần thực hiện tốt một số giải pháp quan trọng là sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành và khu dân cư. Chủ động, thường xuyên rà soát, đánh giá thực trạng công tác PCCC, tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn PCCC, kịp thời phát hiện, làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, chủ cơ sở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và cương quyết đình chỉ, tạm đình chỉ các cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC. Duy trì, củng cố hoạt động, trang bị công cụ, phương tiện tương ứng với nhu cầu thực tiễn cho tại cơ sở như lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ để sãn sàng ứng trực, xử lý tình huống cháy, nổ khi xảy ra.

Cần đa dạng phương pháp tuyên truyền, khai thác tốt phương pháp đối thoại như hỏi – đáp, trao đổi, tọa đàm; chú ý sử dụng hiệu quả phương pháp nêu gương thông qua gương tốt và gương xấu; khai thác tối đa các phương tiện tuyên truyền, bao gồm tuyên truyền qua các thiết chế văn hóa như bảo tàng, thư viện, rạp chiếu phim, câu lạc bộ…

Năm là, tăng cường kiểm tra, đánh giá, kiên quyết xử phạt những hộ vi phạm và kịp thời biểu dương, nêu gương những hộ kinh doanh dịch vụ văn hóa chấp hành tốt quy định PCCN. Thông qua công tác kiểm tra, chủ thể tuyên truyền nắm được thực trạng hoạt động PCCC, phát hiện được các vấn đề phát sinh, các vấn đề cần lưu ý, nhấn mạnh trong tuyên truyền PCCC để nghiên cứu, bổ sung vào nội dung tuyên truyền, đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền sao cho phù hợp. Từ kết quả kiểm tra, chủ thể tuyên truyền cũng thấy được các mặt hạn chế, tích cực trong công tác tuyên truyền, từ đó phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế nhằm mang lại hiệu quả cao hơn cho công tác tuyên truyền.

Thông qua kiểm tra, đánh giá, chủ thể tuyên truyền có thể kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các điển hình tiên tiến là các cá nhân, tập thể, các mô hình sáng tạo trong PCCC đồng thời, phát hiện và kịp thời xử ký nghiêm các trường hợp vi phạm.

Mục đích của việc xử lý vi phạm an toàn PCCC là nhằm bảo đảm cho việc chấp hành các quy định của Nhà nước về PCCC; giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm và nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định về PCCC của người dân.