Công an tỉnh Hà Giang:

Hiệu quả những mô hình “vượt núi, lội sông”

ANTĐ - Là địa bàn miền núi, vùng cao nơi cực Bắc Tổ quốc, Hà Giang được đánh giá là một trong những tỉnh có vị trí trọng yếu về Quốc phòng - An ninh. Đóng vai trò nòng cốt trong việc giữ gìn ANTT địa bàn, thời gian qua, Công an tỉnh Hà Giang đã triển khai hiệu quả phong trào toàn dân tham gia phòng chống tội phạm. 

CBCS Công an tỉnh Hà Giang thăm hỏi người dân các xã vùng cao

Nhận diện thủ đoạn của tội phạm

Có diện tích tự nhiên gần 8.000km2 - địa hình vùng cao, núi đá, Hà Giang có 277km đường biên giới giáp với Trung Quốc, trải dài trên địa bàn 34 xã, thị trấn, dân cư phân bố không đồng đều, dân trí thấp. Là một tỉnh nghèo, ít đất canh tác, thiếu nước sinh hoạt, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, nhưng không vì thế nơi đây vắng bóng các loại tội phạm. “Ở nơi cực Bắc Tổ quốc này, ngoài trộm cắp, khai thác lâm sản trái phép, còn nổi lên loại tội phạm mang tính “đặc trưng” - tội phạm bắt cóc trẻ em và mua bán người” - đại diện Công an tỉnh Hà Giang cho hay. Nhớ lại thời điểm cách đây 5, 6 năm, tại một số huyện vùng cao mà điển hình là Yên Minh, liên tiếp xảy ra các vụ án nghiêm trọng, đối tượng sẵn sàng giết người để chiếm đoạt các bé trai, gây hoang mang lo sợ trong dân. Nhờ nỗ lực của các cơ quan chức năng 2 nước Việt Nam - Trung Quốc, thời gian qua, một số đối tượng phạm tội đã bị bắt giữ, nhiều em bé bị bắt sang Trung Quốc đã được giải cứu trở về với gia đình, nhưng mối đe dọa vẫn luôn tiềm ẩn.

Nói về loại tội phạm gắn với đặc thù địa bàn, đại diện Phòng nghiệp vụ Công an tỉnh Hà Giang cho biết thêm: Chúng đều là những kẻ ham tiền, liên kết với các đối tượng xấu người nước ngoài để hình thành các đường dây bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em. Các đối tượng luôn rình rập những gia đình có nhiều con trai, người lớn bận làm nương rẫy xa nhà để tấn công, chiếm đoạt các cháu. Vụ Mua Ví Già (SN 1991), trú tại thôn Khâu Rịa, xã Du Già (Yên Minh, Hà Giang) bị Công an tỉnh Hà Giang bắt mới đây là một ví dụ. Vào một buổi tối, biết chị Vàng Thị Và (SN 1973), ở cùng thôn đi vắng, Già nảy sinh ý định bắt cóc 3 bé trai (con chị Và) đang ngủ để mang sang Trung Quốc bán. Đối tượng nhẹ nhàng cậy vách gỗ, chui vào trong nhà. Phát hiện cháu Hầu Mí Pó (SN 2004) nằm ngoài cùng, Già dùng hai tay ôm xốc cháu Pó ghì vào ngực, đưa ra xe máy chở về phía biên giới. May mắn, khi Già chở cháu Pó đến khu vực trung tâm chợ xã Lũng Hồ thì bị tổ tuần tra của Công an xã và dân quân phát hiện, truy đuổi. Đến ngã ba xã Đường Thượng, Già bỏ lại chiếc xe máy và cháu bé ở ven đường, chạy vào rừng lợi dụng đêm tối bỏ trốn...

Thành công của “4 cùng”

“Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc” là khẩu hiệu sinh hoạt mà CBCS Công an tỉnh Hà Giang vận dụng triển khai lâu nay, để ngày càng đi sâu, đi sát với cơ sở, kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm của bà con đồng bào dân tộc. “Trong tổng số 195 xã ở Hà Giang, rất nhiều nơi phương tiện giao thông không thể tiếp cận, núi non hiểm trở. Để đến với bà con, CBCS phụ trách địa bàn phải trèo đèo, lội suối cả ngày” - đại diện Phòng Công tác chính trị Công an tỉnh cho biết. Xuất phát từ thực tế đó, nhiều năm nay, Ban Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ tăng cường điều động CBCS xuống địa bàn, đặc biệt là các xã giáp biên để “cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc” với bà con. 

“4 cùng” cũng đã giúp CBCS Công an tỉnh Hà Giang xây dựng, triển khai hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, với nhiều mô hình, phong trào toàn dân tham gia giữ gìn ANTT tại cơ sở. Nói về mô hình “tiếng mõ an ninh, chiếc gậy an toàn” - một trong những chuyên đề đang phát huy hiệu quả cao trong việc phòng ngừa tội phạm - đại diện Công an tỉnh Hà Giang chia sẻ. Những vụ chiếm đoạt trẻ em thường xảy ra ở các địa bàn xa, dân cư thưa thớt. Bà con dù phát hiện đối tượng khả nghi, cũng khó để gọi báo cho hàng xóm, họ hàng ở cách xa nhau cả quả núi để phòng tránh. Xuất phát từ thực tế đó, ý tưởng mô hình “tiếng mõ an ninh, chiếc gậy an toàn”, được CBCS công an nơi đây triển khai với nội dung ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu. Trong những lần cắm bản, một quy ước được CBCS Công an tỉnh Hà Giang phổ biến tới đồng bào dân tộc: Hễ nhà ai bị kẻ gian đột nhập, hoặc phát hiện nhà hàng xóm gặp nạn hãy gõ mõ báo động cho cả bản. Tiếng mõ liên hồi chính là quy ước báo động khi ai đó cần sự trợ giúp. Cùng với đó, “4 cùng” là dịp để CBCS công an nơi đây gặp, huấn luyện các động tác võ thuật cơ bản cho người dân, để họ chủ động phòng ngừa tội phạm. 

Những cán bộ cắm bản, gần dân đã và đang giúp các phong trào, mô hình giữ gìn ANTT thiết thực “vượt núi, lội sông”, đến gần hơn với đồng bào nơi cực Bắc tổ quốc.