Phản hồi về bài báo: “Trẻ dùng điện thoại di động: Con dao hai lưỡi”:

Hiệu quả chưa thấy, phiền toái thì nhiều

ANTĐ - Sau khi Báo An ninh Thủ đô đăng bài: “Trẻ dùng điện thoại di động: Con dao hai lưỡi”, trong đó cảnh báo hệ quả lợi ít, hại nhiều của phương tiện này, ngay trong ngày, nhiều nhà quản lý, cơ quan bảo vệ pháp luật và phụ huynh học sinh  đã chia sẻ, bày tỏ quan điểm đồng tình với nội dung bài báo. An ninh Thủ đô xin trích đăng một số ý kiến:

Hiệu quả chưa thấy, phiền toái thì nhiều ảnh 1
Con trẻ được quản lý tốt trong môi trường sư phạm và trong các giờ lên lớp 
(Một tiết mục văn nghệ tại trường Tiểu học Trưng Trắc)


Nhà trường không khuyến khích

Tôi rất đồng tình với cách đặt vấn đề của Báo ANTĐ về việc không nên cho học sinh sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ); đó thực sự là “con dao 2 lưỡi”. Đối với học sinh trường Tiểu học Trưng Trắc, ngay ở buổi họp phụ huynh đầu năm học mới, Ban Giám hiệu bao giờ cũng đề nghị giáo viên chủ nhiệm thông báo rõ chủ trương của nhà trường với phụ huynh, là không khuyến khích trang bị ĐTDĐ cho học sinh.

Các bậc phụ huynh trang bị ĐTDĐ cho con em mình, chắc chắn không phải để các cháu giải trí, mà mục đích để thuận lợi trong quản lý con em. Nhưng tôi cho rằng, trong giờ học ở nhà trường, việc quản lý học sinh thuộc về trách nhiệm của các thầy, cô giáo, của nhà trường; và nhà trường sẽ phải làm tốt trách nhiệm đó. Học sinh được bố mẹ mua cho ĐTDĐ, chưa rõ hiệu quả “quản lý” đến đâu, nhưng chắc chắn, các con sẽ bị phân tâm trong giờ học. Chưa kể thời gian ngủ buổi trưa, các con sẽ lén chơi điện thoại, ảnh hưởng đến sức khỏe. Không nên trang bị điện thoại cho con trẻ, nhất là với học sinh cấp tiểu học; quan điểm cá nhân của tôi là như vậy.

Bà Dương Thu Hà (Hiệu trưởng trường Tiểu học Trưng Trắc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Trẻ dễ bị “nghiện”

Tôi đã từng mua ĐTDĐ cho con gái. Cháu sử dụng được vài tháng, và chúng tôi đã không cho cháu dùng tiếp.

Ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định chiếc điện thoại chỉ là phương tiện liên lạc, đưa đón cháu đi học chính khóa, học thêm; vì vậy, chúng tôi chỉ mua điện thoại rẻ tiền, tính năng sử dụng đơn giản. Nhưng ít ngày sau, con gái chúng tôi đã phàn nàn, có ý “tị” với một số bạn ở lớp được bố mẹ mua điện thoại di động đắt tiền. Chúng tôi giải thích, và cháu dần hiểu. Tuy nhiên sau thời gian ngắn, chúng tôi giật mình vì cháu quá “quấn” với chiếc điện thoại. Không nhắn tin thì nghe nhạc. Có lúc đang ăn cơm, cháu cũng chạy ra ngó điện thoại xem có bạn nào nhắn tin không. Khi đi ngủ, cháu luôn kè kè điện thoại bên cạnh. Ngoài những tác dụng… ngược trên, việc mỗi tháng phải chi phí cho điện thoại di động của con trẻ cũng không hề nhỏ. 

Tôi cho rằng ĐTDĐ không phải là cách và phương tiện quản lý con trẻ hữu hiệu. Các bậc phụ huynh nếu thực sự quan tâm, quản lý con em, nên chủ động chia sẻ, nắm bắt giờ học chính khóa, học thêm của con để hoặc trực tiếp, hoặc nhờ người đưa đón. Quá nuông chiều, mua điện thoại đắt tiền cho con trẻ, sẽ đến lúc, các cháu bị lệ thuộc vào thứ “phương tiện liên lạc” này.

Anh Phạm Ngọc Thắng (52 tổ 6 Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội)

Vi phạm có thể bị kỷ luật nặng

Ghi nhận thực tế cho thấy, khá nhiều học sinh được bố mẹ trang bị ĐTDĐ. Phần lớn các em này học lớp 4, lớp 5 trở lên. Trước tình hình đó, từ tháng 1-2013, Phòng GD-ĐT quận Hoàn Kiếm đã chủ động đưa ra kế hoạch triển khai công tác đảm bảo an ninh, an toàn trường học, giáo dục an toàn giao thông và sử dụng điện thoại đúng quy định trong và ngoài nhà trường. Cụ thể, cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh tuyệt đối không được sử dụng ĐTDĐ trong các giờ học, giờ sinh hoạt lớp, giờ sinh hoạt tập thể trong trường. Ngoài các giờ quy định trên, không được sử dụng phương tiện này vào những việc có nội dung xấu, ghi hình ảnh thiếu lành mạnh, phát tán trên mạng. Kế hoạch này cũng nêu rõ chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Theo đó, học sinh vi phạm lần đầu sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm tháng mắc lỗi, bị phê bình trước lớp, trước trường, phải làm kiểm điểm và mời gia đình tới cam kết. Với trường hợp vi phạm lần 2, lần 3, mức kỷ luật sẽ tăng nặng hơn, cao nhất là tạm đình chỉ 1 tuần.

Qua 1 năm  thực hiện kế hoạch, tình hình nói chung là tốt. Quận chưa ghi nhận các trường hợp vi phạm lớn. Song, thực tế, vẫn còn hiện tượng các em học sinh mang điện thoại vào trong trường, lớp để sử dụng, chơi game trong giờ học... Các trường hợp này đều đã được nhắc nhở. Do vậy, hàng tháng, Phòng GD-ĐT quận Hoàn Kiếm đều có giao ban để nắm tình hình thực hiện kế hoạch, qua đó, kịp thời đưa ra biện pháp để chấn chỉnh, xử lý những vấn đề phát sinh.


Ông Ngô Trí Nam (Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Hoàn Kiếm)

Gây nguy hiểm cho chính con em mình

Qua công tác quản lý địa bàn, chúng tôi ghi nhận tại quận Thanh Xuân chưa xảy ra vụ việc cướp giật hoặc trộm cắp ĐTDĐ nào của các cháu học sinh, nhất là lứa tuổi học sinh tiểu học. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo các gia đình không nên trang bị cho các cháu điện thoại đắt tiền bởi sẽ ảnh hưởng tới an ninh, an toàn trường học và gây nguy hiểm cho chính con em mình. Những chiếc điện thoại trị giá lớn sẽ gây sự chú ý và kích thích các đối tượng phạm tội. Không chỉ nguy cơ bị cướp giật ngoài nhà trường, ngay trong trường, lớp, chiếc điện thoại đẹp, có giá trị có thể khiến bạn học nảy lòng tham, “cầm nhầm” điện thoại “xịn” của nhau. 

Rõ ràng, nhu cầu thông tin là cần thiết song phụ huynh chỉ nên sắm cho các cháu điện thoại giá rẻ, với các chức năng sử dụng cơ bản (nghe, gọi, nhắn tin) chứ không nên cho các cháu sử dụng smartphone đắt tiền.

Đại tá Đào Thanh Hải (Trưởng Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội)