Hiệp định quan trọng cả về kinh tế và chính trị

ANTĐ - Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu chính thức ký kết tối 29-5 tại nước Cộng hòa Kazakhstan đã mở rộng cánh cửa cho ít nhất 80% hàng hóa của Việt Nam.  

Hiệp định quan trọng cả về kinh tế và chính trị ảnh 1Doanh nghiệp gỗ được mở rộng thị trường xuất khẩu

Đừng nghĩ đây là những thị trường dễ tính

Trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại Cộng hòa Kazakhstan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và phát biểu tại sự kiện công bố các nội dung của Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Kinh tế Á - Âu và Việt Nam (EEUV-FTA). 

Phát biểu tại buổi gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Có thể nói đây là Hiệp định có tính chất lịch sử, rất quan trọng cả về kinh tế và chính trị”. Thủ tướng cũng nêu rõ: “Đừng nghĩ đây là những thị trường dễ tính như chúng ta vẫn suy nghĩ. Chúng ta phải cạnh tranh bằng chất lượng, làm ăn nghiêm chỉnh, phải thấy thuận lợi, lợi thế để phát huy nhưng cũng phải thấy khó khăn để cùng nỗ lực vượt qua. Tất cả là vì lợi ích của đất nước, sự phát triển của nền kinh tế, là công ăn việc làm của người dân”.

Đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, Hiệp hội tổ chức thông tin rộng rãi và cụ thể về nội dung cũng như các khó khăn, thuận lợi trong quá trình triển khai EEUV-FTA cũng như các FTA khác đã và sẽ ký kết, Thủ tướng nói: “Chúng ta thấy một sự thật là từng người một thì làm rất giỏi nhưng nhiều người phối hợp thì làm rất dở. Cạnh tranh hạ giá để triệt, phá nhau, gây thiệt hại đến lợi ích chung. Tôi hy vọng chúng ta, các doanh nghiệp tất cả cùng nỗ lực gắn kết, hợp tác, vì lợi ích chung để biến tiềm năng, khả năng, cơ hội thành kết quả tốt nhất”. 

Giảm thuế nhiều mặt hàng

FTA Liên minh kinh tế Á - Âu dành cho Việt Nam rất nhiều ưu đãi thuế quan, đặc biệt là các mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế suất 0%. Thuế suất đối với các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh khác như dệt may, da giày và đồ gỗ, cà phê, chè… sẽ được giảm tới 80% và theo lộ trình cũng sẽ được miễn hoàn toàn trong thời gian tới. Nếu như doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam thuộc các lĩnh vực ưu đãi trên  đáp ứng được yêu cầu chất lượng thì chắc chắn đó là cơ hội rất tốt để thúc đẩy xuất khẩu.

Theo ông Đặng Hoàng Hải - Trưởng đoàn đàm phán cấp kỹ thuật hiệp định, thị trường của Liên minh này rất hứa hẹn cho Việt Nam với 5 nước, số dân là trên 170 triệu người và GDP theo sức mua khoảng 4.000 tỷ USD. Đáng chú ý, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thêm một thuận lợi khác nữa là danh mục hàng hóa xuất khẩu giữa Việt Nam và các thành viên Liên minh kinh tế Á - Âu mang tính bổ trợ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của các bên.

Do vậy, việc cắt giảm hay xóa bỏ thuế quan sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng chủng loại hàng hóa xuất khẩu, tận dụng các lợi thế so sánh của hàng may mặc, thủy sản, điện tử, đồ gỗ... Các chuyên gia ước tính, sau khi hiệp định được ký kết, kim ngạch thương mại giữa hai bên sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020. Những cơ hội to lớn sẽ được tạo ra cho cả hai bên. 

Cần khai thác hết

Chia sẻ tại hội thảo “Không gian chính sách hỗ trợ các ngành kinh tế còn lại gì sau các FTA” do VCCI tổ chức, ông Nguyễn Anh Dương - chuyên gia nghiên cứu dự án NDS - ActionAid cho rằng, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm thu nhập trung bình thấp nên được hưởng đối xử ưu đãi, nhưng dường như chưa tận dụng được các lợi thế này để đàm phán.

“Nếu không tận dụng được lợi thế từ các cam kết mà ta ký kết từ sớm thì rất đáng tiếc. Có vẻ như ta đang coi việc mở cửa nhanh và sớm là một thành tích mà chưa quan tâm đến ý nghĩa niềm tin chính sách và quản trị hỗ trợ của các cơ quan liên quan. Theo tôi, nên chia sẻ thông tin đàm phán đến các doanh nghiệp trong nước nhằm kết hợp hài hòa việc cải cách và mở cửa thị trường”- ông Nguyễn Anh Dương nói.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, ngành thủy sản đã hội nhập từ những năm 90 của thế kỷ XX nhưng đến nay vẫn thiếu chính sách. Theo đại diện của VASEP, các FTA song phương, đa phương cần tính đến việc tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động.

Bên cạnh một số khó khăn vĩ mô về chính sách cần tháo gỡ để doanh nghiệp tận dụng được các cơ hội, các chuyên gia cũng cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam phải sản xuất ra được sản phẩm có chất lượng, an toàn, xuất xứ rõ ràng để đáp ứng các hàng rào kỹ thuật. Đồng thời, phải tìm hiểu kỹ để có chiến lược kinh doanh phù hợp tại các thị trường mới. 

Liên minh kinh tế Á-Âu mà Việt Nam tham gia ký kết FTA (trước đây gọi là Liên minh hải quan) gồm các nước Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia, Kyrgyzstan, đều là những nước có quan hệ truyền thống tốt đẹp với Việt Nam. Sau 8 phiên đàm phán, trong vòng 2 năm, một thời gian ngắn kỷ lục, Hiệp định đã cơ bản được thống nhất với phạm vi toàn diện, mức độ cam kết cao và đặc biệt đảm bảo cân bằng lợi ích của cả hai bên, có tính đến điều kiện cụ thể của từng bên.