"Hiện tượng" Việt Nam qua lý giải của các giáo sư Mỹ

ANTD.VN - Trong sự kiện quy tụ các nhà khoa học trong và ngoài nước bàn về các vấn đề đương đại Việt Nam, 2 câu chuyện được giáo sư các trường đại học nổi tiếng ở Mỹ đặc biệt quan tâm là tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam cao bậc nhất thế giới và thứ hạng vượt bậc của học sinh Việt Nam theo đánh giá PISA.

Học sinh Việt Nam đạt thứ hạng vượt bậc trong đánh giá PISA vừa công bố tháng 12-2016

Kinh tế phát triển nhanh nhưng chưa bền vững

Nhận xét về kinh tế Việt Nam, GS Ricardo Hausmann, trường Chính sách Công Kennedy, Đại học Harvard, Hoa Kỳ cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, sánh ngang với Trung Quốc và Hàn Quốc.

Sau 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 4,3 lần so với năm 1986. Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam cũng đã thay đổi từ gạo, tôm cá… sang các sản phẩm điện tử, năng lực sản xuất quốc gia của Việt Nam xếp thứ 27/123 nước trên thế giới.

Tuy nhiên, GS. Ricardo vẫn cho rằng, tăng trưởng của Việt Nam vẫn chưa đồng bộ về chất và lượng. Theo đó, tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng chưa thực chất, bền vững. Theo GS Ricardo, quá trình đô thị hóa của Hàn Quốc sau 30 năm, dân số nông thôn giảm 50%, tại Trung Quốc, dân số nông nghiệp sau 30 năm qua cũng giảm 30%, còn tại Việt Nam sau 30 năm qua, dân số nông thôn, nông nghiệp vẫn chiếm 60%, chỉ giảm trên 10% so với trước.

Tốc độ đô thị hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Một trong những cách “khơi thông” điểm nghẽn, theo GS Ricardo, chính là việc Việt Nam phải tận dụng được lợi thế của mình, hiện là một nước thu hút được FDI, trong đó, đáng kể là 3 triệu người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nước ngoài. Thông qua đó, họ được tiếp cận công nghệ, chuyển giao kỹ thuật, được tiếp xúc với máy móc công nghệ cao. 

GS Ricardo đưa ra dẫn chứng cụ thể từ Tập đoàn Daewoo sang Bangladesh đầu tư vào ngành dệt may, tập đoàn này đã chọn ra 80 lao động ưu tú đưa sang Hàn Quốc đào tạo rồi về lại nhà máy làm việc.

Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, 80 người này đã bỏ ra ngoài làm riêng, thành lập hơn 80 doanh nghiệp tư nhân, dần trở thành doanh nghiệp vệ tinh của Daewoo và trở thành những ông chủ thực sự trong ngành dệt may của đất nước.

Tương tự là hãng máy tính Lenovo của Trung Quốc. Trước đó, họ chỉ là nhà máy cung cấp linh kiện cho thương hiệu máy tính Thinkpad của IBM (Mỹ) rồi tiến dần thành đối tác rồi cuối cùng mua lại toàn bộ thương hiệu máy tính trên.

Từ hai câu chuyện đó, GS Ricardo đặt ra câu hỏi 3 triệu lao động Việt Nam liệu có “mạnh dạn” đứng ra thành lập doanh nghiệp khi học hỏi được công nghệ, kỹ  thuật của nước ngoài không.

Để hiện thực hóa ý tưởng đó, ông cũng đề nghị Việt Nam cần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, phân bổ nguồn lực đúng chỗ, hiệu quả, ưu tiên phát triển khoa học công nghệ… Bên cạnh đó, GS Ricardo cũng đặc biệt nhấn mạnh: Việt Nam cần phải tạo cơ chế để kêu gọi người Việt ở nước ngoài về xây dựng đất nước.

Kinh ngạc vì Việt Nam nghèo mà học giỏi

Theo kết quả Bài thi đánh giá học sinh quốc tế (PISA) năm 2015 được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố hôm 6-12 vừa qua, Việt Nam xếp thứ 8 trong 72 nước tham gia về Khoa học, thứ 22 về Toán và thứ 32 về Đọc hiểu, cao hơn nhiều nước phát triển.

Trước đó năm 2012, lần đầu tiên học sinh Việt Nam tham gia chương trình đánh giá PISA và xếp thứ 8 về Khoa học, thứ 17 về môn Toán và thứ 19 về môn Đọc hiểu trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kết quả này đã gây bất ngờ cho cả thế giới. 

GS. Paul Glewwe đến từ Khoa Kinh tế học Ứng dụng, Đại học Minnesota, Hoa Kỳ - người có 6 năm nghiên cứu về kết quả PISA đã đánh giá tổng quan, bình luận và đưa ra câu hỏi ngỏ về thứ hạng cao gây bất ngờ cả thế giới của Việt Nam.

“Ở đây có điểm khá thú vị, theo khảo sát của chúng tôi, xếp hạng PISA tỉ lệ thuận với trình độ GDP của quốc gia đó, nhưng đối với trường hợp của Việt Nam thì không đúng” - GS. Paul Glewwe  nêu vấn đề.  

“Có mối tương quan thuận chiều giữa kết quả PISA với mức độ giàu có. Tuy nhiên, điều gì đã làm nên điều khác biệt và diệu kỳ này của Việt Nam? Nói thật, chúng tôi cũng không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Liệu có sự tác động của đầu vào, sách học thêm, tham khảo hay giáo viên dạy Toán ở Việt Nam giỏi hơn, chất lượng hơn các nước khác không…”. 

GS. Paul Glewwe cho rằng, ông vẫn đang thực hiện một nghiên cứu để kết luận: Liệu mẫu PISA có đại diện cho tất cả học sinh dưới 15 tuổi ở Việt Nam không? Kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy, đối tượng học sinh góp phần làm nên thứ hạng PISA cao của Việt Nam đa phần là trẻ em ở thành thị, trình độ học vấn/giáo dục của cha mẹ cao hơn. Tuy nhiên, đó chỉ là những nhận định ban đầu và vẫn tiếp tục nghiên cứu để sớm có kết quả chính thức.

Trước khi có kết quả chính thức với nghiên cứu này, GS. Paul Glewwe lưu ý, điểm/thứ hạng PISA chỉ đánh giá một phần kỹ năng của học sinh, đặc biệt là môn Toán, logic… nhưng không đánh giá được các kỹ năng khác như làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sinh tồn…

“Do vậy, điểm PISA cao không đồng nghĩa rằng các kỹ năng khác của học sinh Việt cũng tốt. Hơn nữa, thứ hạng PISA Việt Nam nhìn chung là cao trên thế giới, nhưng so với các nước cùng khu vực châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc thì Việt Nam vẫn thấp hơn”, GS. Paul Glewwe chia sẻ.

GS.TSKH Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQG Hà Nội: Định vị top 50 nhà nghiên cứu hàng đầu về Việt Nam

"Hiện tượng" Việt Nam qua lý giải của các giáo sư Mỹ ảnh 2

“Sự kiện hơn 1.200 nhà khoa học tham dự Hội thảo quốc tế Việt Nam học và đưa ra những nhận định về hàng loạt vấn đề thời sự của đất nước đã tạo ra những “tấm gương” để Việt Nam tự soi lại mình bằng hình ảnh phản ánh đa dạng từ thế giới.

Đó là việc nhận diện Việt Nam đang trong quá trình hội nhập như thế nào và bước đường mà Việt Nam sẽ đi tiếp; những vấn đề đặt ra khi văn hóa không còn chỉ là lĩnh vực của đời sống tinh thần mà văn hóa trở thành nguồn lực cho sự phát triển bền vững; những nội dung nghiên cứu về quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam; trong bối cảnh hiện nay thì lĩnh vực giáo dục là yếu tố quyết định sự thành công của quá trình đổi mới.

Bên cạnh các thu hoạch về chuyên môn sâu, giúp Việt Nam hiểu rõ hơn về chính mình, các báo cáo khoa học sẽ đóng góp trực tiếp đến việc hoạch định ra các chủ trương, chính sách cho các cấp lãnh đạo, quản lý của Việt Nam. Ban Tổ chức sẽ có các buổi làm việc và bàn giao kết quả của hội thảo với các bộ, ban, ngành và cơ quan trung ương có liên quan.

Cùng với việc tổ chức liên tục 5 năm nay, Hội thảo quốc tế Việt Nam học đã giúp Ban tổ chức định vị được top 50 các nhà nghiên cứu Việt Nam và Việt Nam học hàng đầu. Đây thực sự là các học giả có sự yêu mến, quan tâm đặc biệt đến Việt Nam.

Trong số các nhà nghiên cứu Việt Nam hàng đầu này, có cả người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài và người Việt Nam đang hoạt động ở trong nước. Đây là các địa chỉ, các đối tác, những nguồn lực quý báu để hợp tác và phát triển các nghiên cứu Việt Nam vì sự phát triển bền vững của Việt Nam”.