“Hiến trứng” - nghề kiếm tiền ở Tây Ban Nha

ANTĐ - Sau mỗi lần hiến trứng ở phòng khám này, Monica Campos (ảnh) lại tới phòng khám khác ở Barcelona hay những khu vực lân cận để tiếp tục hiến trứng. Cô nói với bác sĩ rằng, cô làm việc này là muốn giúp những phụ nữ mong muốn có con có thể thụ thai. “Tôi đã nói dối họ” - Campos sau đó thừa nhận. Nền kinh tế Tây Ban Nha khủng hoảng, nhưng ít nhất có một lĩnh vực vẫn “bùng nổ”: Barcelona đã trở thành điểm đến cho những phụ nữ muốn có thai qua phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, bởi nguồn trứng ở đây rất sẵn.

Kinh tế khó khăn khiến nhiều phụ nữ Tây Ban Nha phải hiến trứng

1.000 euro/lần 

Khoảng 5 năm trước, Monica Campos lần đầu tiên sử dụng cơ thể của mình để kiếm tiền. Ngành công nghiệp xây dựng của Tây Ban Nha đang lâm vào cảnh khó khăn và chồng của Campos, anh Eduardo phải từ bỏ ngành kinh doanh của mình. Chẳng bao lâu sau, cặp vợ chồng này không còn đủ khả năng trả tiền thuê ngôi nhà vườn ở Macanet de la Selva. Ngân hàng đe dọa tịch thu ngôi nhà và Campos lo lắng khi hình dung gia đình mình bị đẩy ra đường với hai đứa trẻ, một 4 tuổi và một đứa mới sinh.

“Tôi cần tiền một cách tuyệt vọng” - Campos, 34 tuổi nói. Cô từng làm việc như một người mẫu từ khi còn học trung học, và giờ đây, khi kinh tế kiệt quệ, cô đã tìm được cách để kiếm tiền. Campos đã tới một phòng khám tư nhân về sức khỏe sinh sản ở Granollers, gần Barcelona để hiến tặng trứng. Mỗi chu kỳ hiến, Campos nhận được khoảng 1.000 euro, như một khoản “đền bù”. Nhưng đối với Campos, số tiền cô nhận được còn hơn cả so với điều đó - đó là “lối thoát” mà cô tìm ra được cho vấn đề tài chính của gia đình mình.

Mặc dù mỗi phụ nữ chỉ được phép giới hạn tối đa 6 lần hiến trứng, nhưng Campos đã có tới 14 lần “thu  hoạch”  trứng chỉ trong vòng 2 năm. Cô kiếm được khoảng 10.000 USD từ việc khai thác chính bản thân mình để giữ cho gia đình không bị chìm vào cảnh túng thiếu, vì cả hai vợ chồng cô đã có công việc riêng nên không ai được trợ cấp thất nghiệp. 

Bùng nổ “du lịch cấy ghép”

Sau nhiều năm nỗ lực không thành, một phụ nữ, (giấu tên) giờ đã 40 tuổi, đi du lịch tới Barcelone đầu tháng 4 vừa qua. Ở đó, tại phòng khám Clinina Eugin, các bác sĩ đã cấy vào người cô trứng của người khác hiến tặng với tinh trùng của chồng cô. Người phụ nữ này tràn trề hy vọng về một kết quả khả quan khi ông Valerie Vernaeve, Giám đốc phòng khám nắm chặt tay cô và nói: “Cô chuẩn bị cho việc mang thai”.

Câu chuyện về hai phụ nữ này không trực tiếp liên quan đến nhau, tuy nhiên, cả hai đều diễn ra tại Tây Ban Nha và cả hai đều gặp phải vấn đề trong cuộc sống. Trong hơn hai thập kỷ qua, Barcelona đã trở thành điểm đến hàng đầu cho các cặp vợ chồng châu Âu và phụ nữ độc thân mong muốn có con. Bệnh nhân từ Bắc Phi, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Nga và Đức cũng tới đây, nơi việc thụ tinh trong ống nghiệm được phát triển tới mức tiên tiến nhất, và đã được quy định trong một đạo luật năm 2006. Đứa trẻ đầu tiên chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm ở Tây Ban Nha cách đây 30 năm tại một bệnh viện ở Dexeus, cũng là đứa trẻ đầu tiên ra đời do kết quả của việc hiến trứng.

Giờ đây, khi Tây Ban Nha đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi kết thúc chế độ độc tài Franco, du lịch y tế là một trong những ngành công nghiệp đang bùng nổ ở đất nước này. Tây Ban Nha đứng đầu châu Âu về việc hiến tặng và cấy ghép các bộ phận cơ thể và trứng. Chỉ riêng Clinica Eugin giám sát hơn 3.000 chu kỳ hiến tặng hồi năm ngoái, chiếm khoảng 10% trong các phương pháp điều trị khắp châu Âu. Một trong những ngân hàng trứng, tinh trùng và phôi lớn nhất cũng được thành lập ở đây.

Khai thác kiệt quệ

Tây Ban Nha là nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng khu vực Euro - 26% người lao động thất nghiệp và 56% là thanh niên, ngày càng có nhiều phụ nữ nước này sẵn sàng hiến trứng để lấy tiền. Trong số những phụ nữ hiến tặng, có tới 1/3 là sinh viên. Việc hiến tặng diễn ra nặc danh và tối đa 6 đứa trẻ được sinh ra từ trứng hiến của một phụ nữ.

Những người hiến trứng như Monica Campos được kiểm tra kỹ lưỡng tại bệnh viện. Họ kiểm tra các bệnh di truyền và khuyết tật, được xét nghiệm máu, điện tâm đồ và trải qua một cuộc đánh giá tâm lý. Sau đó, họ sẽ được tiêm hormone để kích thích sản xuất trứng, chờ thời điểm “thu hoạch”. 

Monica Campos đã hiến trứng thường xuyên trong 2 năm, cho đến khi buồng trứng của cô không còn “sản xuất” được nữa. Cô đã tiêm liều hormone cao nhất có thể nhưng “nó chẳng có tác dụng gì hơn nước”, khiến bụng của cô trương phình lên mà vẫn không thể sản xuất trứng được nữa. Phòng khám này đã vội vàng đưa cho cô 300 euro. Sau đó hai tuần, sau khi siêu âm, nhân viên phòng khám nói rằng mọi chuyện vẫn rất ổn và họ sẽ gọi lại cho cô, tuy nhiên, chẳng có cuộc gọi nào cả.

Đó là lần cuối cùng chấm dứt “chu trình” hiến tặng trứng của Campos. Ba năm sau lần cuối cùng tiêm thuốc kích thích rụng trứng, Campos được bác sĩ phụ khoa chẩn đoán buồng trứng của cô to bất thường. Từ đó, cô thường xuyên trải qua những cơn đau mãn tính không chỉ ở vùng bụng mà còn lan sang các vùng cơ khác. 

Giờ Campos ăn rất ít để giảm trọng lượng cơ thể. Chứng bệnh này khiến cô luôn đau đớn khó chịu và cuộc hôn nhân lúc nào cũng trong tình trạng căng như sợi dây đàn. Chồng cô vẫn thất nghiệp và nguồn thu chính từ việc hiến trứng giờ đây cũng không còn nữa. Campos cho biết, cô đang tính tới việc mang thai hộ để kiếm tiền. “Nếu một cặp vợ chồng giàu có nào đó cho chúng tôi một nơi để sống, tôi sẵn sàng mang thai giúp cho họ” - Campos nói.