Hiện thực hóa phố đi bộ quanh hồ Gươm

(ANTĐ) -Đến nay, ước tính, đã có khoảng 50 dự án xây dựng triển khai xung quanh hồ Gươm. Giới kiến trúc và quy hoạch ở Hà Nội coi hồ Gươm là “nơi thử nghiệm tài năng”.

Hiện thực hóa phố đi bộ quanh hồ Gươm

(ANTĐ) -Đến nay, ước tính, đã có khoảng 50 dự án xây dựng triển khai xung quanh hồ Gươm. Giới kiến trúc và quy hoạch ở Hà Nội coi hồ Gươm là “nơi thử nghiệm tài năng”.

>>> Nên có phố đi bộ quanh hồ Gươm

Thong dong dạo bước bên hồ Gươm.
Thong dong dạo bước bên hồ Gươm.

Đã có những dự án hoàn toàn thất bại khi triển khai ở khu vực này (như dự án xây dựng KS Hà Nội Vàng), cũng có dự án phải sửa đi sửa lại cả chục lần mới tạm ổn (như tòa nhà “hàm cá mập”).

Để bảo tồn không gian, cảnh quan hồ Hoàn Kiếm cũng như khu vực phố cổ, trong cuộc họp BCĐ 197 của thành phố diễn ra vào cuối tháng 5 vừa qua, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã đề xuất phương án tổ chức giao thông khu phố cổ theo hướng từng bước xây dựng không gian đi bộ tại một số tuyến phố quanh hồ Gươm cùng tuyến đi bộ Hàng Đào - Hàng Ngang - Đồng Xuân.

Đề xuất ban đầu là thí điểm đi bộ vào thứ bảy, chủ nhật và các ngày lễ, tết. Nếu thành công sẽ tiếp tục mở rộng ra các tuyến phố khác. Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh nhấn mạnh, đây là việc khó nhưng cần phải làm.

Hiện, ý tưởng này đang được Sở GTVT Hà Nội nghiên cứu thông qua Đề án có tên gọi “Thí điểm tổ chức một số tuyến phố đi bộ trên địa bàn  quận Hoàn Kiếm”. Đề án nhằm khảo sát, đánh giá hiện trạng kinh tế xã hội, hệ thống giao thông vận tải, cùng hiện trạng các tuyến phố, đồng thời đưa ra những định hướng phát triển kinh tế xã hội và dự báo nhu cầu giao thông tại khu vực nghiên cứu.

Cụ thể hơn, đề án cũng sẽ tiến hành xác định nhu cầu, quy mô các bãi đỗ hiện tại, cùng các bãi đỗ dành cho khách vãng lai, sắp xếp lại bãi, bến đỗ xe sao cho phù hợp với cảnh quan cũng như thuận tiện cho người dân sống trên các tuyến phố và du khách tham quan.

Một trong những lo ngại của người dân, là khi trở thành tuyến phố đi bộ, việc buôn bán, sinh hoạt sẽ gặp khó khăn. Lường trước được vấn đề đó, Ban Soạn thảo đề án, dự tính tổ chức các điều tra xã hội học nhằm lấy ý kiến, mong muốn, nguyện vọng của người dân. Đồng thời xây dựng các tiêu chí văn hóa, du lịch cùng những vẫn đề về cảnh quan, xây dựng nơi đây thành các tuyến phố thương mại, với các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống của phố cổ.           

Quỳnh Vân

KTS. Hoàng Thúc Hào (Giải nhì cuộc thi ý tưởng quy hoạch, thiết kế đô thị khu vực hồ Gươm và phụ cận 2009)

“Giảm tải áp lực giao thông quanh hồ Gươm”

Khi tham gia cuộc thi vào năm 2009, tôi cũng đã đề xuất giảm tải áp lực giao thông quanh hồ Gươm.

Hiện, hồ Gươm như một đảo giao thông lớn, người dân đi qua khu vực này không thể tĩnh tâm ngắm hồ và suy ngẫm. Cũng trong bài thi ý tưởng quy hoạch đó, tôi đề xuất, giảm tiết diện đường, đoạn phố Đinh Tiên Hoàng có chiều rộng hiện tại 20m, xuống còn 8m, đồng thời vỉa hè Hồ Gươm được nới rộng để tăng khoảng cây xanh.

Về lâu dài, trục đường này chỉ là nơi để tổ chức những hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao nhân các ngày lễ hay mừng sự kiện trọng đại của Thủ đô và đất nước. Bên cạnh đó, cần thiết lập một hệ thống bến xe buýt, điểm đỗ ở vườn hoa Nhà Chung, phố Hai Bà Trưng, phía Nhà hát Lớn, phố Trần Quang Khải hay tháp nước Hàng Đậu. Như thế, hồ Gươm sẽ trở thành một nơi lý tưởng cho các triển lãm, hoạt động nghệ thuật, nơi đi bộ thuận tiện và hài hoà với thiên nhiên.

KTS. Ngô Doãn Đức (Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam)

“Đúng đắn và nên làm”

Theo tôi, đây là một đề xuất hết sức đúng đắn, đáng làm và nên làm. Vấn đề của sự thành công hay không nằm ở việc quyết tâm của nhà quản lý cùng sự đồng lòng của người dân.

Tuy nhiên, để làm được điều này, cần phải có sự chuẩn bị lâu dài và cân nhắc, chứ không thể tiến hành đột ngột được. Cần phải xây dựng một tuyến giao thông vành đai, cùng một hệ thống giao thông công cộng hỗ trợ, cân nhắc xem có nên phục hồi xe điện hay không.

 Nếu phát triển diện tích đi bộ, thì độ rộng của tuyến đường cũng phải tính lại. Bố trí các tiểu kiến trúc hợp lý như nơi nghỉ chân, chỗ trú mưa, mọi thứ phải sao cho thật tự nhiên, không nên tác động vào tự nhiên quá mạnh. Rồi cũng phải thiết kế hệ thống nhà vệ sinh, thùng rác hợp lý.

Hệ thống các cửa hàng bán đồ lưu niệm, những sản phẩm thủ công truyền thống của phố cổ, chứ không phải những thứ tạp nham. Các cơ quan công quyền ven hồ cũng phải gương mẫu gửi xe ở ngoài mà đi bộ vào. Trụ sở Hội Kiến trúc sư chúng tôi cũng ở ven hồ và chúng tôi hoàn toàn ủng hộ phương án đi bộ.

Chúng ta đang nắm trong tay một di sản quý là hồ Gươm, sao không dựa vào đó mà phát huy tiềm năng du lịch, thu hút du khách. Sao không biến hồ Gươm thành một tuyến phố đi bộ nối thông với tuyến Hàng Đào - Đồng Xuân - Tháp nước Hàng Đậu. Phía bên này nối hồ Gươm qua Tràng Tiền đến Nhà hát Lớn. Rồi phục dựng lại một góc phố cổ với mái ngói liêu xiêu hay một góc “phố Phái”.

Tôi nghĩ, nếu người dân thấy được lợi ích từ việc làm du lịch thì họ sẽ ủng hộ mọi dự định của chính quyền. Sao không đầu tư vào ngay phố cổ Hà Nội mà hút du khách, lại cứ phát triển những khu sinh thái nghỉ dưỡng, rồi sân golf ở tận đâu đâu?

Chị Bùi Thanh Hương (23 Đinh Tiên Hoàng - Hoàn Kiếm - Hà Nội)

Phố cổ Hội An làm được, Hà Nội tại sao không?

Đây là một đề án liên quan trực tiếp đến cuộc sống của các hộ dân sống trên các tuyến phố này. Vì thế, theo tôi chỉ khi được sự đồng thuận cao của người dân thì ý tưởng phố đi bộ hồ Gươm mới có thể thành hiện thực.

Cần đưa ra những giải pháp cụ thể, để đảm bảo rằng, dù có thành tuyến phố đi bộ, cũng ít có xáo trộn trong nếp sinh hoạt của người dân. Tôi còn nhớ, khi đưa ra ý tưởng về tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân vào các buổi tối cuối tuần mấy năm về trước, nhiều người cũng không khỏi băn khoăn sự bất tiện này.

Nhưng hiện tại mọi việc đều ổn cả, vì người dân vẫn có thể mở cửa hàng buôn bán, kinh doanh đảm bảo thu nhập. Vì thế, các cơ quan chức năng cần hướng người dân thực hiện theo mô hình này. Tuy nhiên, cần phải tư vấn những mặt hàng mang bản sắc của Hà Nội, Việt Nam chứ không phải bán rặt những thứ đồ nhập ngoại như hiện nay. Phố cổ Hội An họ làm được thì phố cổ Hà Nội tại sao lại không?.