Hiện thực hóa giấc mơ phục dựng điện Kính Thiên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cuộc hội thảo khoa học quốc tế nhân kỷ niệm “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội” với sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài nước vừa diễn ra vào cuối tuần qua tại Hà Nội một lần nữa lại “thổi bùng” ước mơ phục dựng điện Kính Thiên - vấn đề từ lâu đã được đưa ra bàn thảo, song vì nhiều lý do cho đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Điện Kính Thiên và những lần xuất hiện trong chính sử

Theo PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, không gian điện Kính Thiên thời Lê là không gian thiêng quan trọng nhất của kinh đô Thăng Long trên các phương diện quy hoạch kinh đô, kiến trúc, nghệ thuật, mỹ thuật, tâm linh, vị trí và chức năng. Đây là nơi diễn ra các nghi thức quốc gia quan trọng nhất của đất nước, nơi đề ra các quyết sách dựng nước, giữ nước thành công của các cấp lãnh đạo cao nhất trong suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử. Không gian này được cấu trúc bởi 3 thành phần kiến trúc cơ bản gồm: Chính điện Kính Thiên, sân Đan Trì (sân Đại Triều) và Đoan Môn. Điều này đã được minh chứng qua các ghi chép của lịch sử, thư tịch cổ.

Rồng đá tại điện Kính thiên

Rồng đá tại điện Kính thiên

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, chính sử Việt Nam thời Lê viết: “Tháng 12 năm 1427, quân Minh thua trận rút về nước (Đại Việt sử ký toàn thư 1998, tr293). Tháng 4 năm 1428, Vua từ điện tranh Bồ Đề vào đóng ở thành Đông Kinh (tức Thăng Long) lên ngôi Hoàng đế, đổi thành Thăng Long là thành Đông Kinh. Cũng chính trong năm này “Vua làm điện Vạn Thọ, làm lại Tả, Hữu điện, điện Kính Thiên, điện Cần Chính…”. Ngoài Đại Việt sử ký toàn thư, thông tin về điện Kính Thiên cũng liên tục được nhắc trong Việt sử Thông giám cương mục, Đại Nam thực lục, Lịch triều tạp kỷ, Đại Việt sử ký tục biên…

Trong quy hoạch kinh đô của các nước quân chủ phương Đông xưa, nói chung đều có một tòa điện trung tâm để làm nơi thiết triều hay đúng hơn là nơi tiến hành các nghi lễ đại triều và các nghi lễ quan trọng bậc nhất liên quan đến vận mệnh sống còn, hưng vong của quốc gia, dân tộc. Ở kinh đô Huế, trung tâm Hoàng thành là điện Thái Hòa. Ở Trung Quốc, nổi bật ở Tử Cấm Thành là điện Thái Hòa (thời Minh gọi là điện Phụng Thiên hoặc điện Hoàng Cực, điện Kim Loan). Ở Nhật nổi bật là tòa Đại Cực điện. Ở Hàn Quốc là chính điện Sabigung, kinh đô Bách Tế… Nói chung, chức năng ở các tòa đại điện này như nhau.

Hiện tại, dấu tích về điện Kính Thiên dễ nhận thấy nhất là phần nền móng kiến trúc tại trung tâm cao hơn 2m, ở phía Nam là bậc thềm đá chạm rồng vô cùng nổi tiếng. Dù hiện hữu như vậy, nhưng theo PGS.TS Tống Trung Tín, việc nghiên cứu chính điện Kính Thiên rất phức tạp do bị che phủ bởi các vật liệu kiến trúc hiện đại, rất khó để nhận biết qua các thời kỳ. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, năm 2011, Viện Khảo cổ học và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long đã tiến hành đào 4 hố thám sát nhằm thăm dò địa tầng và tiềm năng các di tích. Kết quả, các hố đào đã phát hiện dấu tích gia cố móng thành bậc hết sức chắc chắn, quy chỉnh, thuộc thời Lê Trung hưng.

Các hố khai quật khác cùng phát hiện dấu tích móng, nhìn chung đều có kích thước lớn. Tuy nhiên, qua những hố thám sát nhỏ chưa thể chắc chắn được toàn bộ niên đại lớp nền móng phát lộ. Để có thể kết luận chính xác, cần phải có thêm các cuộc khai quật trong tương lai. Bên cạnh đó, các khai quật ở những vị trí khác cũng làm xuất lộ các dấu tích chắc chắn về sân Đan Trì, dấu tích về Ngự Đạo, hành lang, tường bao. Các cuộc khai quật này lần đầu tiên phát hiện mô hình kiến trúc, cung cấp dữ liệu tìm hiểu hình thái kiến trúc cung điện thời Lê sơ cũng như tư liệu phong phú về cấu kiện cụ thể của bộ khung kiến trúc gỗ, kỹ thuật sơn thếp thời Lê sơ.

Theo Viện Khảo cổ, đơn vị trực tiếp tiến hành khai quật tại Hoàng thành Thăng Long từ năm 2011 đến 2021. Với tổng diện tích khai quật hơn 8.000m2 trên tổng diện tích 47.000m2 (tỷ lệ khai quật là 17,81%), về cấu trúc tổng thể, công tác khảo cổ học đã cho phép hiểu khoảng 60% về tổng thể bố cục. Hiện tại, chỉ còn chưa hiểu về quy mô nền điện, bước gian, bước cột, cấu trúc nền móng, chiều dài bố cục của tường vây và hành lang.

Rất nhiều khó khăn trước mắt

PGS.TS Bùi Minh Trí - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành và KTS Nguyễn Quang Ngọc cùng đề cập những khó khăn khi phục dựng điện Kính Thiên. Công cuộc nghiên cứu, phục dựng hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý, Trần, Lê sơ là vấn đề vô cùng khó khăn và có rất nhiều thách thức bởi thiếu cơ sở tư liệu khoa học tin cậy. Do đó, cần phải có sự đầu tư nghiên cứu rất công phu, bài bản, phải dựa vào rất nhiều nguồn tư liệu tin cậy để giải đoán, giải thích, đặc biệt là phải có những đầu tư nghiên cứu so sánh và phải thực hành theo tính chuyên nghiệp, có học thuật và khoa học cao.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội (nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội) cho biết thêm: “Nghiên cứu hoàn trả không gian điện Kính Thiên và chính điện Kính Thiên có ý nghĩa sâu sắc và đa chiều, khẳng định rõ hơn nữa giá trị di sản và nâng cao năng lực nghiên cứu, bảo tồn phục dựng. Đây là nền tảng, là công trình quan trọng nhất, có sức hội tụ và lan tỏa nhất của Hoàng thành Thăng Long. Có thể nói, khi nào chưa phục dựng được chính điện Kính Thiên thì chưa nối lại được mạch nguồn chủ chốt của văn hóa Đại Việt.

Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng, tư liệu để phục dựng không gian và chính điện Kính Thiên còn chưa đầy đủ, đây là thách thức trong công tác phục dựng. Để có cứ liệu, ông Nguyễn Văn Sơn cho rằng, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu trên tất cả các lĩnh vực như khảo cổ học, sử học, kiến trúc, mỹ thuật... Trước hết, các nhà nghiên cứu cần làm rõ quy mô cấu trúc của chính điện, với việc hình thành các nhóm nghiên cứu chuyên sâu gồm: Hình thức và thiết kế, vật liệu và chất liệu, cách sử dụng và chức năng, truyền thống và kỹ thuật, vị trí và nơi dựng lập, tinh thần và cách thể hiện cùng những nhân tố khác bên trong, bên ngoài di sản. “Từ kết quả nghiên cứu này sẽ cho phép dựng lên các chiều nghệ thuật, lịch sử, xã hội và khoa học của chính điện Kính Thiên. Nếu việc này được tiến hành liên tục trong 3 - 5 năm thì trong vòng 10 năm tới chúng ta có hy vọng để phục dựng được điện Kính Thiên” - Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn kỳ vọng.

Chia sẻ kinh nghiệm về phục dựng lại các công trình kiến trúc đã bị phá hủy, chỉ còn lại dấu tích, GS Ueno Kunikazu (Đại học nữ sinh Nara - Nhật Bản) giới thiệu một số công trình kiến trúc tiêu biểu thế kỷ thứ VIII, thứ IX được phục dựng thành công tại Nhật Bản: “Trước tiên cần dựa vào kết quả của các cuộc khảo cổ học để dựng lên phác thảo chính xác tới 70 - 80% công trình kiến trúc cổ. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi dựng mô hình ở tỷ lệ 1/50 đến 1/100. Chúng tôi cũng kiểm tra các vấn đề khác nhau trong quá trình phục dựng trên nguyên tắc không bao giờ phá hủy các hiện vật có giá trị gốc”.