Công bố Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:

Hiến pháp thể hiện "ý Đảng, lòng dân và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị"

ANTĐ - Sáng nay 9-12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nghị quyết của Quốc hội quy định một số điểm thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tại buổi họp báo, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chủ tịch nước Giang Sơn đã công bố Lệnh số 18/2013/L-CTN về việc công bố Hiến pháp và Lệnh số 19/2013/L-CTN (cùng ngày 8/12/2013) về việc công bố Nghị quyết của Quốc hội.

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 6 đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chắt lọc, tiếp thu được nhiều ý kiến xác đáng của nhân dân, của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Có thể nói, Hiến pháp đã kết tinh được trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân, thể hiện ý Đảng, lòng dân và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị.

Với bố cục gồm 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992). Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội thông qua năm 2013 thực sự là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới.

Toàn cảnh buổi họp báo


Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, "Hiến pháp không chỉ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng mà còn nêu cao tình thần trách nhiệm của Đảng trước hân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân và chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình... Lần đầu tiên trong Hiến pháp, chúng ta viết hoa chữ “Nhân dân”. Lần này chúng ta tiếp tục nâng lên một bước vai trò của Nhân dân rõ hơn. Bản Hiến pháp trước hết khẳng định chủ quyền của Nhân dân, sự lãnh đạo của Đảng và làm rõ hơn nguyên tắc tất cả quyền lực của Nhà nước thuộc về Nhân dân".

So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; quy định rõ ràng, đúng đắn và đầy đủ về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, cộng nghệ và môi trường, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo vệ Tổ quốc, tổ chức bộ máy nhà nước, về hiệu lực và quy trình sửa đổi Hiến pháp.

Hiến pháp đã thể hiện rõ hơn bản chất của Nhà nước Việt Nam là Nhà nước dân chủ, Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Hiến pháp tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội, trách nhiệm của Đảng trước nhân dân; Khẳng định sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn và các tổ chức chính trị-xã hội và các tổ chức khác trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiến pháp thừa nhận, tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; Hiến pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; Tiếp tục bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; Tiếp tục khẳng định yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Về hiệu lực của Hiến pháp và bảo vệ Hiến pháp, Hiến pháp đã khẳng định giá trị pháp lý cao nhất của đạo luật cơ bản của Nhà nước, quy trình sửa đổi Hiến pháp, trách nhiệm của Quốc hội và các cơ quan nhà nước cũng như toàn dân trọng việc bảo vệ Hiến pháp.

Để có căn cứ pháp lý cho việc triển khai thi hành Hiến pháp mới, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp, trong đó quy định rõ thời điểm Hiến pháp mới có hiệu lực là từ ngày 1-1-2014.