Hiện nay khó xảy ra trao nhầm hay đánh tráo con trong bệnh viện

ANTĐ - Trao đổi với báo chí chiều 14-3, bà Trương Thị Mỹ Hà, Trưởng phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội - đơn vị được bệnh viện giao ban hành quy định về an toàn trẻ sơ sinh cho biết, ở các khoa sản, bệnh viện phụ sản hiện nay, các quy định về giao - nhận trẻ sơ sinh được kiểm soát rất chặt chẽ nên khó có thể xảy ra việc nhầm lẫn, trao nhầm con được.

Hiện nay khó xảy ra trao nhầm hay đánh tráo con trong bệnh viện ảnh 1

Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội Trương Thị Mỹ Hà chăm sóc
mẹ con sản phụ 

- PV: Người dân lo ngại rằng trong quá khứ có thể có không ít trường hợp bị trao nhầm con khi sinh, thậm chí nếu không cẩn thận thì chuyện này có thể xảy ra tại các bệnh viện bây giờ? Liệu điều này có khả năng xảy ra hay không, thưa bà?

- Bà Trương Thị Mỹ Hà: Việc trao nhầm con tại các nhà hộ sinh theo tôi là những trường hợp hy hữu và có chăng chỉ xảy ra trước đây. Còn ngày nay, với những tiến bộ trong quản lý bệnh viện, với những quy định về an toàn trẻ sơ sinh tại bệnh viện được siết chặt, tôi cho rằng việc trao nhầm con trong bệnh viện khó có thể xảy ra được. 

- Cụ thể, để tránh việc trao nhầm con hay đánh tráo con trong bệnh viện, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có những giải pháp gì, thưa bà?

- Bệnh viện đã ban hành quy định an toàn trẻ sơ sinh tại bệnh viện năm 2016 với 12 điểm quy định chung, rất chặt chẽ, cụ thể ở từng khâu đoạn. Trong đó, một trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu  là phải thực hiện đúng quy trình giao nhận trẻ và công tác quản lý nhằm phát hiện sớm nhất các sự cố mang tính hệ thống liên quan đến trẻ như nhầm giới tính, nhầm số con, trả nhầm con, cho xem nhầm con, ghi sai chứng minh tên mẹ, tên con… 

Cụ thể, tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, một sản phụ sau khi sinh con, cán bộ y tế bệnh viện sẽ công khai và đeo số cho mẹ và con theo từng cặp số ngay tại bàn đỡ đẻ, bàn đón mổ. Việc thực hiện đeo số, kiểm tra để đánh dấu trẻ và ghi vào hồ sơ bệnh án phải do một người thực hiện (tại khu vực đón mổ).

Người đỡ đẻ sẽ đọc to giờ sinh, công khai giới tính trẻ cho sản phụ. Người làm hồ sơ bệnh án có trách nhiệm nhìn, kiểm tra lại giới tính, số mẹ con trước khi đánh dấu vào hồ sơ bệnh án. Người thông báo đẻ cho xem con có trách nhiệm kiểm tra lại giới tính, số mẹ con khớp với hồ sơ bệnh án.

Bệnh viện cũng lập sổ giao nhận trẻ sơ sinh cụ thể giữa cán bộ y tế với sản phụ hoặc gia đình trong trường hợp trẻ đang nằm cùng mẹ nhưng phải chuyển ra khỏi khoa, nếu mẹ trong tình trạng cấp cứu nhưng không có người nhà thì có sản phụ nằm cạnh cùng xác nhận. Một quy định hết sức quan trọng nữa là bệnh viện chỉ trao trẻ cho bà mẹ tại giường bệnh, không giao cho bất kỳ ai, khi giao có đối chiếu số mẹ con trùng khớp nhau, kiểm tra thêm giới tính của trẻ…

- Sau những vụ trao nhầm con, trên diễn đàn mạng lan truyền nhiều phương pháp, cách tự nhận diện con mình sau sinh. Theo bà, có cách nào để khuyến cáo giúp các bậc phụ huynh tự nhận dạng được con đẻ của mình, nhất là với trẻ sơ sinh?

- Bằng mắt thường khó nhận dạng chính xác được 100% trẻ sơ sinh có phải là con đẻ của mình hay không, bởi gương mặt của trẻ sơ sinh còn thay đổi nhiều và trên thực tế cũng có nhiều trẻ ngoại hình không giống bố mẹ đẻ.

Để tránh nhầm lẫn trẻ sơ sinh, chúng tôi khuyến cáo sản phụ, người nhà sản phụ phải đọc thông báo về an toàn cho trẻ sơ sinh tại bệnh viện được niêm yết ở các khoa; sản phụ phải luôn luôn đeo số cho trẻ trùng với số đeo của mẹ; trước khi đón con, giao con từ nhân viên y tế phải kiểm tra số mẹ và con, cung cấp thông tin về mẹ cho chính xác.

Đặc biệt, phải kiểm tra thẻ viên chức và tên cán bộ y tế có nhiệm vụ đón trẻ; tuyệt đối không giao trẻ cho những người không phải là cán bộ y tế của bệnh viện và không đeo thẻ viên chức của bệnh viện; khi có nghi ngờ không an toàn về việc giao nhận trẻ phải báo cáo ngay cho bệnh viện.

Ngoài ra, tuyệt đối sản phụ và người nhà không được tự động bế trẻ ra khỏi khoa phòng, ra khỏi bệnh viện mà không thông báo và không có sự kiểm soát của bệnh viện. Phía bảo vệ bệnh viện sẽ có trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ các trường hợp ra viện, vào viện của sản phụ hoặc người nhà có kèm theo trẻ sơ sinh.

- Cảm ơn bà!

Tin cùng chuyên mục