Hiến kế phục hồi và phát triển du lịch Thủ đô sau đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với những giải pháp cụ thể nhất được đưa ra, cuộc tọa đàm “Phục hồi và phát triển du lịch Thủ đô sau đại dịch Covid-19” đã diễn ra vào chiều nay, 24-10.

Được tổ chức bảo Hànộimới và Hiệp hội Du lịch Hà Nội, cuộc tọa đàm nhằm mục đích trao đổi, chia sẻ những khó khăn, thách thức từ các đơn vị doanh nghiệp, điểm đến, lữ hành, từ đó cùng các cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội Du lịch đưa ra những giải pháp hiệu quả trong việc xây dựng sản phẩm, tuyên truyền, quảng bá cũng như tăng hiệu quả trong việc liên kết, hợp tác giữa các đơn vị, địa phương, cùng nhau nâng cao giá trị điểm đến của du lịch Hà Nội, thu hút du khách đến và lưu trú tại Thủ đô nhiều hơn, đặc biệt là khách quốc tế…

Phục hồi hoàn toàn thị trường nội địa

Hơn hai năm qua, đại dịch Covid-19 như “cơn sóng thần” càn quét, làm tê liệt hoạt động du lịch toàn cầu. Ngay từ đầu năm 2022, Hà Nội đặt mục tiêu sẽ đón từ 9 đến 10 triệu lượt khách, trong đó có 1,2 đến 2 triệu lượt khách quốc tế.

Ông Nguyễn Thành Lợi, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Hànộimới phát biểu tại tọa đàm
Ông Nguyễn Thành Lợi, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Hànộimới phát biểu tại tọa đàm

Chỉ 7 tháng của năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội đã đạt 10,62 triệu lượt khách, tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước, vượt chỉ tiêu đề ra. Thị trường khách du lịch nội địa đang cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ và đã phục hồi hoàn toàn.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay của ngành Du lịch Hà Nội nói riêng và Du lịch Việt Nam nói chung là lượng khách du lịch quốc tế thấp, chưa đạt mục tiêu đề ra. Đến nay, cả nước mới có khoảng 1,8 triệu lượt khách quốc tế (thấp hơn 85,4% so với cùng kỳ năm 2019 và mới đạt được 1/3 so với mục tiêu). Riêng Thủ đô Hà Nội, tính đến tháng 9, mới đón được khoảng 766 nghìn lượt khách quốc tế, còn cách xa mục tiêu đề ra.

Trước việc đón khách quốc tế còn gặp nhiều khó khăn, ngành Du lịch nói chung và Hà Nội nói riêng đang nỗ lực nhiều giải pháp để đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển du lịch nội địa, thu hút khách quốc tế.

Thúc đẩy quảng bá, xây dựng tour tuyến hấp dẫn hơn

Ông Nguyễn Mạnh Thản, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua cho rằng, ngành Du lịch cả nước, đặc biệt là ngành Du lịch Thủ đô đang trên đà phục hồi nhanh sau dịch Covid-19, đây thực sự là điều rất đáng mừng. Nhưng mục tiêu để Thủ đô có nhiều sản phẩm du lịch đủ sức quảng bá toàn quốc vẫn chưa đạt được như mong muốn. “Vì vậy, Tọa đàm trực tuyến này chính là cơ hội để chúng ta đề cập đến sản phẩm du lịch, nhân lực du lịch, các yêu cầu về quảng bá du lịch…, bảo đảm sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành Du lịch Thủ đô. Trên cơ sở đó, thúc đẩy quảng bá trên các phương tiện truyền thông về các sản phẩm du lịch đã có của Hà Nội, xây dựng các sản phẩm trong tương lai, đề xuất những kiến nghị sát thực tiễn để hỗ trợ, tạo môi trường tốt nhất cho du lịch Thủ đô phát triển.

Ông Nguyễn Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, trong năm 2019, du lịch Ba Vì đã đón hơn 3 triệu lượt khách, chủ yếu là khách nội địa

Ông Nguyễn Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, trong năm 2019, du lịch Ba Vì đã đón hơn 3 triệu lượt khách, chủ yếu là khách nội địa

Ông Nguyễn Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, trong năm 2019, du lịch Ba Vì đã đón hơn 3 triệu lượt khách, chủ yếu là khách nội địa. Đây là tín hiệu rất đáng mừng. Tuy vậy, trong khó khăn chung của du lịch trong nước và thế giới khi dịch Covid-19 xuất hiện, du lịch Ba Vì cũng chịu ảnh hưởng nặng. Lượng khách sụt giảm 50% trong năm 2020 và tiếp tục sụt sâu vào năm 2021. Đến nay, lượng khách tham quan trở lại với Ba Vì đã ghi nhận 1,9 triệu lượt người. Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2022, lượng khách sẽ vượt con số 2 triệu lượt người.

Để đạt được mốc này, Ba Vì xác định tiếp tục thúc đẩy du lịch địa phương thông qua xây dựng mô hình du lịch homestay, tổ chức tọa đàm tìm kiếm sáng kiến, giải pháp cho mô hình này ngày một hấp dẫn, có màu sắc riêng hơn. Chính vì vậy, việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng, tận dụng nguồn nhân lực ngay trong nhân dân sẽ là giải pháp ứng phó phù hợp cho giai đoạn này.

Tránh nguy cơ “quá tải” và suy giảm chất lượng dịch vụ

Ông Lê Hồng Thái, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist (Tổng công ty Du lịch Hà Nội) cho biết, giai đoạn này dịch vụ du lịch giống như lò xo kìm nén lâu ngày được bung ra, đặc biệt là từ dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, lượng khách du lịch nội địa tăng mạnh, chiếm 80% tổng lượng khách.

Hầu hết các điểm du lịch đều quá tải, không chỉ vào thời điểm cuối tuần hay ngày lễ, mà vào ngày thường cũng đông. Điều này đặt ra vấn đề lớn đối với các đơn vị, doanh nghiệp du lịch nếu chưa chuẩn bị sẵn sàng sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ phục vụ du khách.

Để bảo đảm phục vụ khách du lịch tốt hơn, tiếp tục duy trì lượng khách nội địa, từ nay đến hết năm 2022 và sang năm 2023, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú cần có sự chuẩn bị chu đáo, khắc phục tốt tình trạng quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của du khách, tạo uy tín cho du lịch Thủ đô.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, trong bối cảnh du lịch quốc tế tiếp tục bị ảnh hưởng mạnh do Covid-19, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đang tiếp tục cho thấy là điểm đến an toàn, ứng phó tốt với những biến chuyển của dịch bệnh. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, du lịch nội địa vẫn là khâu đột phá để phát triển. Điều quan trọng là chúng ta phải kết nối các dịch vụ du lịch, tiếp tục ứng phó linh hoạt với dịch bệnh...

Hà Nội cần tiếp tục phát huy tốt các lợi thế, tiềm năng về hạ tầng, về văn hóa, hệ thống di tích, lễ hội, làng nghề, ẩm thực. Cần chú trọng tạo nên các sản phẩm du lịch độc đáo về văn hóa, tâm linh, lịch sử, khám phá; hay các sản phẩm du lịch gắn kết với nông nghiệp, hệ thống làng nghề, phố nghề, mua sắm; hoặc sản phẩm du lịch ban đêm; tăng cường liên kết với các địa phương trong vùng Thủ đô, tạo ra các chuỗi sản phẩm đặc sắc.

Hà Nội cần chú trọng tạo nên các sản phẩm du lịch độc đáo về văn hóa, tâm linh, lịch sử, khám phá; hay các sản phẩm du lịch gắn kết với nông nghiệp, hệ thống làng nghề, phố nghề, mua sắm; hoặc sản phẩm du lịch ban đêm

Hà Nội cần chú trọng tạo nên các sản phẩm du lịch độc đáo về văn hóa, tâm linh, lịch sử, khám phá; hay các sản phẩm du lịch gắn kết với nông nghiệp, hệ thống làng nghề, phố nghề, mua sắm; hoặc sản phẩm du lịch ban đêm

Quan trọng hơn cả là cần thay đổi tư duy trong việc phát triển du lịch kết hợp bảo vệ sinh thái, bảo vệ môi trường. Cùng với đó, không thể không kể đến vai trò của các cơ quan truyền thông trong việc tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ công tác quảng bá du lịch, điểm đến.

Kết thúc tọa đàm, ông Nguyễn Thành Lợi, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Hànộimới nhấn mạnh, các ý kiến tại tọa đàm thể hiện rõ trách nhiệm, tâm huyết cũng như sự trăn trở trước những vấn đề đặt ra. Buổi tọa đàm cũng tập hợp được nhiều ý kiến, kiến nghị để hiến kế cho các cơ quan chức năng tìm giải pháp phát triển mạnh mẽ hơn nữa du lịch Hà Nội.