Hiến kế “cứu” công viên Thống Nhất

ANTĐ - Sau rất nhiều ý tưởng cải tạo phố cổ, quy hoạch làm đẹp hồ Gươm… thêm một công trình nữa vừa được giới kiến trúc sư và các nhà quy hoạch Hà Nội “nhắm” đến là công viên Thống Nhất.


Nhàm chán và cũ kỹ

Một góc công viên Thống Nhất

Năm 1958 công viên Thống Nhất được hình thành từ hàng triệu ngày công lao động của người dân Hà Nội. Đã từng có một thời gian dài, cùng với công viên Bách Thảo, đây là nơi vui chơi giải trí của người dân Thủ đô. Song, đáng buồn là từ nhiều năm qua, công viên đã trở nên cũ nát hoang tàn. KTS Đoàn Đức Thành là một trong những người chứng kiến sự ra đời của công viên Thống Nhất, đây cũng là nơi gắn bó cả tuổi thanh niên của ông, nhưng giờ ông bảo không dám đến nơi đây nữa, vì không an toàn.

Công viên giờ chỉ nhộn nhịp vào lúc sáng sớm hoặc chiều muộn, phục vụ nhu cầu tập thể dục của người dân sống gần đó. Từ 9h sáng trở đi, công viên vắng hiu hắt… Người Hà Nội đang dần lãng quên nó. “Bắt bệnh” công viên Thống Nhất, KTS Đoàn Đức Thành (nguyên Ủy viên BCH Trung ương Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cho rằng, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến sự bỏ phí không gian xanh là do tiếp xúc kém. Ví như ở hồ Gươm, có tới 17 điểm tiếp xúc. Không gian mở rộng, người dân dù chỉ là đi qua vẫn có thể ngắm được “lẵng hoa xinh đẹp”. Trong khi đó, công viên Thống Nhất rộng là thế mà chỉ có 4 điểm ở 4 cổng. Rồi còn đủ các thủ tục tìm chỗ gửi xe, mua vé… Chính sự tiếp xúc kém, bố trí cảnh quan không hợp lý… đã khiến nhiều người dân xa lánh công viên Thống Nhất. Đó cũng là nguyên do, tệ nạn xã hội ở đây có đất tồn tại.


Phương án thay đổi

Giàn hoa giấy tại công viên Thống Nhất

Cũng theo ý kiến của  KTS Đoàn Đức Thành, công viên cần được cải tạo theo hướng mở (đây cũng là mô hình công viên hiện đại mà thế giới đang triển khai). Mở có nghĩa là giảm chiều cao của tường rào công viên, hoặc thay vì xây tường rào thì trồng các hàng cây. Việc làm này khiến tầm nhìn thông thoáng hơn, không gian thân thiện hơn. Khoảng xanh của công viên Thống Nhất không chỉ dừng ở việc thích trồng cây nào thì trồng, mà phải có tính toán. Có thể là các cây hoa theo mùa, theo cụm màu một cách hài hòa và có tính mỹ thuật.

Và một trong những yếu tố cứu công viên Thống Nhất thoát khỏi cảnh đìu hiu như hiện nay chính là phân khu chức năng. Đâu là nơi vui chơi giải trí hoặc các dịch vụ, đâu là nơi nghỉ ngơi thư giãn… KTS Đoàn Đức Thành đưa ra ý tưởng táo bạo, di dời các hộ dân, các hàng quán bám dọc theo hàng rào công viên tại một số tuyến phố, đưa tuyến đường sắt dọc đường Lê Duẩn lên cao hoặc hạ ngầm, kéo hồ Thiền Quang và hồ Ba Mẫu hòa chung với cảnh quan công viên Thống Nhất.

Cũng đưa ra ý tưởng là phân khu chức năng cho công viên, song đề xuất của nhóm các KTS trẻ Lương Thu Thảo, Uri MatVeg, Phan Bảo Chung và Nguyễn Thanh Tuấn (đề án đoạt giải nhất cuộc thi ý tưởng thiết kế công viên Thống Nhất dành cho tất cả mọi người do Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức) đề ra một số giải pháp như xây mới khu vui chơi giải trí cho trẻ em sao cho hấp dẫn hơn; tổ chức lại các khu dịch vụ ăn uống, giải khát; thêm chức năng câu cá tại hồ; xây dựng bãi đỗ xe ngầm… Điểm đặc biệt nhất là kêu gọi thanh niên tình nguyện tham gia cải tạo công viên như là một hoạt động công ích; kêu gọi đầu tư, thu phí từ các loại hình dịch vụ, từ đó tái đầu tư…

Băn khoăn “mở” hay “đóng”

Để làm đẹp công viên Thống Nhất, đã có không ít ý kiến cho rằng, nên hiện đại hóa công viên bằng cách biến nó hoạt động như mô hình dạng Disneyland. 4 năm trước, đã từng có đề xuất về việc này. Tuy nhiên, theo KTS Lê Việt Hà - Chủ nhiệm mạng Ashui.com thì việc biến công viên Thống Nhất thành Disneyland là không ổn. Khu vực trung tâm Hà Nội rất đông đúc và ồn ào, vì vậy một khu giải trí kiểu Disneyland hoạt động ở đây nữa thì giải quyết giao thông rất khó khăn, tiếng ồn càng nhiều hơn. Khu vui chơi giải trí lớn nên xây dựng ở các khu vực ngoại ô, diện tích lớn và có khoảng cách.

Công viên Thống Nhất nên là khoảng không gian tĩnh lặng để cân bằng cuộc sống nhộn nhịp trong nội thành. Và để làm được việc đó, điều cần thiết phải tổ chức lại các hoạt động, hoàn chỉnh thêm các chức năng công cộng để công viên đẹp hơn, hấp dẫn hơn, sạch sẽ hơn, trong đó yếu tố rất quan trọng là sự tham gia của những người dân sử dụng công viên. Việc này từ trước đến nay chưa được thực hiện tốt. Điều cần thiết nhất đối với Hà Nội trong lúc này là giữ được sự cân bằng cần thiết.

Cũng theo KTS Lê Việt Hà, cuộc thi thiết kế “Công viên Thống Nhất cho tất cả mọi người” chỉ là việc làm mang tính chất thí điểm, chọn một dự án cụ thể để triển khai. Từ những kết quả thu được, không chỉ áp dụng riêng công viên Thống Nhất mà chúng ta có thể nghiên cứu mở rộng đề xuất cho các công viên ở Hà Nội.

Đây không phải lần đầu tiên, giới kiến trúc sư và quy hoạch tham gia đóng góp ý tưởng làm đẹp Hà Nội. Song điều đáng buồn, cho tới giờ, hầu hết các ý tưởng đó đều vẫn nằm trên… giấy.