Hiểm họa từ vùng đất vô chủ Libya

ANTĐ - Những bất ổn chính trị ở quốc gia Bắc Phi Libya đang tạo cơ hội cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) mở rộng ảnh hưởng, đe dọa tới sự ổn định của cả khu vực. 

Hiểm họa từ vùng đất  vô chủ Libya ảnh 1

Các tay súng IS đang hoạt động ở Lybia

Đây là cảnh báo mà Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đưa ra tại Mauritania trong chuyến công du tới các nước Tây và Bắc Phi. Ông Ban Ki-moon cho rằng các tay súng IS đang mở rộng ảnh hưởng tại Libya và bên ngoài lãnh thổ nước này, đặt cả khu vực rộng lớn Sahel ở rìa phía Nam sa mạc Sahara vào nguy cơ bất ổn.

Lâu nay, địa bàn hoạt động chủ yếu của IS là Iraq và Syria. Tuy nhiên, Libya hiện lại đang nổi lên như “vùng đất hứa” với tổ chức khủng bố này. Kể từ sau cuộc chính biến lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo M.Gaddafi hồi năm 2011, Libya rơi vào hỗn loạn bởi các cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa các phe phái khác nhau. Với nỗ lực của cộng đồng quốc tế, tháng 6-2014, cuộc bầu cử được quốc tế công nhận đã diễn ra, chính thức cho ra đời Chính phủ và Quốc hội mới (HOR).

Tuy nhiên, Liên minh Hồi giáo vũ trang “Bình minh Libya” đã đánh chiếm Thủ đô Tripoli và cùng với Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC), tức cơ quan lập pháp cũ đã mãn nhiệm kỳ, lập nên một chính phủ tại đây, còn chính phủ được quốc tế công nhận phải dời đến thành phố cảng Tobruk ở miền Đông Libya. Libya rơi vào cảnh có 2 chính phủ và 2 quốc hội cùng tồn tại song song. 

Tình trạng hỗn loạn và tranh giành quyền lực này là cơ hội hiếm có để IS đẩy mạnh bành trướng ảnh hưởng tại Libya, nhất là trong bối cảnh IS đang bị thiệt hại nặng nề cả về quân sự và tài chính trên các chiến trường Syria và Iraq. Sự hấp dẫn của Libya với IS còn ở chỗ đất nước này sở hữu trữ lượng dầu mỏ lớn nhất ở châu Phi, khoảng 48 tỷ thùng. Dù sản lượng dầu mỏ của Libya đã giảm từ 1,6 triệu thùng/ngày ở thời điểm 5 năm trước xuống còn khoảng 400.000 thùng/ngày hiện nay, song Libya vẫn là một nước khai thác dầu mỏ lớn, hiện đứng thứ 20 trên thế giới. 

Tại Iraq và Syria, IS có thể thu được từ 500 đến 600 triệu USD/năm từ bán dầu. Tuy nhiên, tình hình ở Libya sẽ hoàn toàn khác nếu IS đánh chiếm được các mỏ dầu béo bở. Khi đó, nguồn tiền của IS sẽ tăng lên đáng kể, giúp tổ chức này duy trì hoạt động và lôi kéo thêm các thành viên mới. Ngoài ra, nếu kiểm soát được Libya, IS còn có thể buôn bán các mặt hàng có lợi nhuận cao như ma túy, thực hiện các vụ tống tiền và khai thác dòng người di cư tìm cách tiếp cận châu Âu.

Chính vì thế mà người ta có thể thấy rõ hoạt động của IS tại Libya bắt đầu tăng lên trong thời gian gần đây. Tháng 8-2015, các tay súng IS đã hành quyết hơn 34 người tại tỉnh Sirte của Libya. Đêm 23-2 vừa qua, IS lại tập kích vào thị trấn Sabratha, bắt và chặt đầu 11 thành viên của lực lượng an ninh địa phương. Liên quan đến dầu mỏ, từ đầu năm 2016 đến nay, IS đã tiến hành 3 cuộc tấn công vào khu vực trọng yếu về dầu khí (vùng có hình lưỡi liềm dọc bờ biển Địa Trung Hải từ Sirte tới Benghazi). Đây là khu vực có nhiều dầu mỏ nhất của Libya. 

Xét về lực lượng, hiện tại IS mới chỉ có khoảng trên 3.000 tay súng thánh chiến ở Libya. Các tay súng này còn gặp khó khăn trước các lực lượng dân quân thiện chiến, được trang bị tốt để bảo vệ các giếng dầu. Tuy nhiên, với việc IS chuyển hướng, tăng cường thêm lực lượng từ Iraq và Syria sang để đẩy mạnh hoạt động tại Libya, tương quan này có thể thay đổi. 

Trong bối cảnh đó, nếu hai lực lượng chính tham gia đối thoại chính trị ở Libya là HOR và GNC vẫn đấu tranh gay gắt để nắm quyền lực và quân đội nhằm giành quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên năng lượng giàu có mà không thỏa hiệp về một chính phủ mới, đất nước Bắc Phi này sẽ vẫn là vùng đất vô chủ đầy hấp dẫn với IS.