Hiểm họa từ việc san, đào đất trái phép

ANTĐ - Hiện nay tình trạng san, gạt, đào, xả taluy trái phép trên địa bàn thành phố Yên Bái đã và đang gây ra hậu quả khó lường.
Hiểm họa từ việc san, đào đất trái phép ảnh 1
Vụ sạt đất khiến 2 bà cháu thiệt mạng tại xã Văn Phú

Chính từ những vi phạm này đã dẫn đến tình trạng lũ ống, lũ quét, ngập úng nhiều tuyến đường; sạt lở đất đá taluy phá hủy đường giao thông và ẩn họa tai nạn chết người đối với những người dân sống trong khu vực. Tuy nhiên do hám lợi, tham mở rộng diện tích, nhiều gia đình, cá nhân đã và đang tiếp tục san gạt trái phép gây ảnh hưởng đến cuộc sống của cộng đồng và cũng từ đó nảy sinh thêm nhiều hệ lụy đối với người dân và chính quyền thành phố.

Ẩn họa thành sự thật

Cao hàng chục mét, nằm treo leo ngay sau nhà dân, các vách taluy ở thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái như một mối ẩn họa khôn cùng. 

Chỉ trong chưa đầy hai tháng qua, trên địa bàn thành phố Yên Bái liên tiếp xảy ra 3 vụ sạt lở taluy làm chết 4 người, gây hư hại lượng lớn tài sản của người dân. Nghiêm trọng nhất là vụ sập taluy vào khoảng 0h10 sáng ngày 29-9, tại thôn 2 xã Văn Phú: hơn 3.000m3 đất từ phía trên taluy đã bất ngờ đổ ập xuống, làm 3 ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Thụ, anh Phạm Xuân Trường và bà Nguyễn Thị Bích Liên bị sập hoàn toàn. Riêng ngôi nhà của chị Bùi Thúy Sinh bị hư hỏng gian bếp và 2 phòng phía sau.

 Trường hợp đào, xả taluy trái phép tại xã Hợp Minh - TP Yên Bái

Vụ sạt đất  khiến bà Nguyễn Thị Bích Liên, 51 tuổi và cháu nội Quách Tiến Thành, 2 tuổi tử vong. Đến khoảng 2h sáng thi thể 2 bà cháu đã được tìm thấy, sau đó được đưa về nhà văn hóa thôn 2 – xã Văn Phú để tổ chức lễ mai táng. Trong đêm hôm đó, chỉ có nhà bà Liên và nhà chị Sinh là có người ở. Được biết bà Liên chuyển nhà về đây mở tiệm bán hàng tạp hóa từ năm 2008. Thời gian này, cháu Quách Tiến Thành được bố mẹ cháu gửi cho bà nội trông để cai sữa.

Gần đây nhất là vào 14h ngày 17-10 hàng vạn khối đất của taluy tại trục đường nhánh thuộc tổ 36, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái bất ngờ đổ sập xuống, vùi lấp nhiều công trình và tài sản. Rất may thời điểm sạt đất diễn ra vào ban ngày, đa phần các sinh viên ở tại 7 phòng trọ của nhà bà Bùi Thị Thủy và anh Nguyễn Xuân Học cùng người nhà của 7 hộ gia đình đều đang thức hoặc đi học nên không có thiệt hại về người.  Điều đáng nói là trong các vụ sập đất trên, các taluy đều được san gạt theo đúng quy trình taluy chống sạt lở. Tuy nhiên theo nhận định của địa phương cũng như các cơ quan chức năng do cấu tạo đất yếu nên sau những trận mưa ngấm nước, các taluy đều rất dễ bị sập

Người dân bất an

Khi chúng tôi đến xóm Đồng Lạc thuộc thôn 6, xã Hợp Minh, tuy đã gần 5h đồng hồ sau trận mưa song cả khu vực đầu xóm vẫn chìm trong nước. Những người dân trong xóm cho biết tình trạng ngập úng thường xuyên xảy ra mỗi khi trời mưa bắt nguồn từ việc xưởng chè của ông Nguyễn Phúc Thanh cũng là một người dân thôn 6 ở phía trên đỉnh dốc đã xả hàng nghìn khối đất đá xuống khu vực thoát nước của thôn. Điều đáng nói, đây là một trong những trường hợp san gạt đất trái phép của thành phố Yên Bái. Dù đã bị lập biên bản xử phạt và thường xuyên bị nhắc nhở nhưng tình trạng tái phạm, lén lút đổ đất trái phép vẫn diễn ra.

Hàng chục nghìn m3 đất đá bất ngờ đổ ụp xuống vào ngày 17-10,
4 sinh viên may mắn thoát chết

Theo những người dân thôn 6 thì trước đây tại khu vực này có một ao nước sâu gần 4m là nơi thoát nước và chứa nước của cả khe dốc thôn Đồng Lạc. Nhưng sau khi gia đình ông Nguyễn Phúc Thanh đổ đất nhằm tạo mặt bằng đã khiến đất đá từ phía trên trôi xuống làm lấp ao đã dẫn đến tình trạng ngập úng gây ảnh hưởng cho cuộc sống người dân và sản xuất của bà con. Mỗi khi trời mưa, dù to hay nhỏ thì lượng nước thải theo nước mưa trào ngược vào nhà dân. Giếng nước chung của các hộ dân ở đây cũng bị ô nhiễm vì thường xuyên ngập trong nước thải. Hơn 3 hécta đất lúa một vụ ở khu vực Đầm Chanh của người dân trong thôn hiện nay cũng không canh tác được vì bị đất đá bồi lấp.

Không những vậy, do đất đá thường xuyên xô lấp mỗi khi trời mưa cũng khiến cống thoát nước của xóm bị xói mòn dẫn đến tuyến đường bê tông đi từ Quốc lộ 32C vào xóm có nguy cơ bị đứt gãy. Gia đình chị Nguyễn Thị Bích Phượng ở gần với khu vực đổ đất nên mỗi khi trời mưa dù ban ngày hay ban đêm là cả nhà lại phải ra công dọn dẹp, vì nước tràn vào trong nhà có lúc ngập sâu gần 50cm. Chị Phượng cũng như những người dân xóm Đồng Lạc lo lắng với tình hình thời tiết bất thường như hiện nay thì không ai có thể biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Chị Phượng bức xúc nói: Từ khi gia đình ông Thanh đổ đất thì ao của anh trai chồng em bị lấp hoàn toàn, gia đình anh ấy đã phải chuyển đi nơi khác vì không muốn chịu cảnh cứ mưa là ngập. Còn gia đình nhà em mỗi khi trời mưa thì nhà em đều phải dọn dẹp nhà cửa do nước thải với nước mưa trôi vào nhà. Nhiều khi chồng em bảo em bế con sang nhà ông bà ngoại ngủ nhờ vì mùi hôi thối quá nặng gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người trong gia đình. Giếng nước cũng không sử dụng được nên nhà em phải đi sang xóm khác để xin nước về sinh hoạt. Em chỉ mong các cấp chính quyền sớm khắc phục tình trạng này để người dân chúng em không phải chịu cảnh khổ sở vì ngập úng nữa”. 

Khác với gia đình chị Nguyễn Thị Bích Phượng, gia đình anh Đinh Công Chiến ở tổ 16A,  phường Nguyễn Thái Học đang ngày đêm nơm nớp lo nhà sập. Nguyên nhân dẫn đến nỗi lo lắng trên là do tháng 4/2011 gia đình bà Nguyễn Thị Bích Hiền cùng 4 hộ gia đình liền kề ở phía dưới nhà anh Chiến đã tổ chức san gạt, đào xả đất. Đã thế bà Hiền lại đào xả lấn chiếm vào phần đất không phải của mình. Nên sau mấy trận mưa cuối tháng 7 vừa qua nước từ trên đỉnh gò chảy xuống cộng với chất đất cao lanh đã gây ra sạt lở nghiêm trọng vào sát công trình nhà ở và bếp của gia đình anh Chiến.

Mặc dù thành phố Yên Bái đã ra quyết định xử phạt và yêu cầu gia đình bà Nguyễn Thị Bích Hiền khắc phục hậu quả song đối với gia đình anh Chiến thì nỗi lo sập nhà vẫn còn đó. Anh Chiến lo lắng: "Qua quá trình nhà chị Hiền đào xả taluy thì gia đình tôi ở trên cao nên có nguy cơ sạt lở đến nhà. Hiện tại tường  nhà và gian bếp đã bị nứt rồi. Nhiều đêm mưa rào cả nhà tôi không dám ngủ trong nhà mà phải chạy ra ngoài nghe ngóng và thường xuyên mất ngủ vì lo sập nhà”.

Cần có chế tài xử lý phù hợp

Hiểm họa từ việc san, đào đất trái phép ảnh 4
Ngôi nhà của vợ chồng anh Chiến ở phía trên taluy, nơi mà bà Hiền đào xả đất trái phép

Từ đầu năm 2011 đến nay thành phố Yên Bái đã xử phạt 11 trường hợp san gạt đất trái phép. Đồng thời UBND thành phố Yên Bái cũng ra lệnh cấm đào xả taluy từ tháng 5-2011. Tuy nhiên do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh nên việc “xẻ thịt” đất đai vẫn đang diễn ra và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân và sự phát triển của địa phương.

Ở nhiều khu vực người ta ngang nhiên đổ hàng nghìn khối đất hay có những quả đồi bị đào nham nhở tạo thành những taluy cao đến 4 – 5m. Những việc làm sai trái này đã mang theo nhiều hệ lụy đối với xã hội. Không ít khu dân cư khổ vì trời nắng thì bụi, trời mưa thì bẩn do việc đào xả đất gây ra.

Cùng với đó Nhà nước cũng thất thu các nguồn thu như thuế tài nguyên, phí cấp phép khai thác hay phí bảo vệ môi trường. Việc san gạt, đào xả taluy trái phép đã tác động lớn đến môi trường và lãnh chịu hậu quả lại là người dân.Theo ông Mã Đức Thành – Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Yên Bái thời gian vừa qua một số hộ dân đào xả taluy trái phép gây ách tắc dòng chảy, ngập úng cục bộ tại một số tuyến đường. Phòng Quản lý đô thị thành phố cũng đã kiểm tra và lập biên bản xử lý các hộ vi phạm. Nguyên nhân chính dẫn đến các hành vi trái phép này là do các phường, xã cũng chưa quan tâm đến việc quản lý đào xả đất trên địa bàn mình.

Thiết nghĩ, để ngăn chặn tình trạng phá đồi, xả đất trái phép,bên cạnh việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các quy định của pháp luật về đất đai thì cần có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn những hành vi san gạt trái phép. Thành phố cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp phép đào xả đất. Đẩy mạnh công tác hậu kiểm sau khi cấp giấy phép đào xả taluy và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các địa phương buông lỏng quản lý việc san gạt, đào xả đất trái phép. Có như vậy mới tránh được tình trạng người dân biết sai mà vẫn làm và cũng tránh được những hệ lụy không đáng có bắt nguồn từ việc sạt lở taluy và ngập úng kéo dài.

Tin cùng chuyên mục