Hiểm họa từ thủy ngân

ANTĐ - Thủy ngân đang được khai thác và sử dụng ngày càng nhiều trên thế giới, gây tác động rất xấu đến môi trường sống, trước hết là sức khỏe con người. Đó là cảnh báo mà Chương trình môi trường LHQ (UNEP) vừa đưa ra.

Người dân tuần hành kỷ niệm 50 năm xảy ra vụ ngộ độc thủy ngân ở Grassy Narrows và White Dog

Là kim loại nhưng thủy ngân thường tồn tại ở thể lỏng, thậm chí có thể bốc hơi tương đối dễ dàng ở nhiệt độ trong phòng. Nó chỉ chuyển sang trạng thái rắn khi ở nhiệt độ dưới -39 độ C. Trông lấp lánh ánh bạc rất đẹp nhưng thủy ngân nằm trong danh sách các chất độc cực mạnh rất nguy hiểm đối với môi trường và sức khỏe con người.

Khi xâm nhập vào cơ thể người qua đường hô hấp và qua da, thủy ngân sẽ gây nên cảm giác rát cho da và mắt khi tiếp xúc, gây ho, đau tức ngực, khó thở. Thủy ngân còn ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản ở cả phụ nữ và nam giới, gây tác hại đối với thai nhi, thậm chí gây quái thai. Tiếp xúc với thủy ngân thường xuyên sẽ bị nhiễm độc khiến tay chân bị run, giảm trí nhớ, mất khả năng tập trung, mờ mắt và bị các chứng bệnh về thận. Nhiễm độc nặng sẽ tử vong. 

Trên thế giới từng xảy ra nhiều vụ ngộ độc thủy ngân gây hậu quả nghiêm trọng. Cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, cư dân hai bộ tộc thiểu số Grassy Narrows và White Dog ở phía đông bắc bang Ontario của Canada bỗng mắc các triệu chứng như giảm thị lực, nghe khó, mắt có dấu hiệu bất bình thường, tay chân run rẩy, mất cân bằng cơ thể và phát âm khó khăn... Mặc dù được chữa trị nhưng các bệnh nhân không  có dấu hiệu thuyên giảm, trong khi số người bệnh ngày càng nhiều hơn.

Sau thời gian tiến hành khảo sát và xét nghiệm, các nhà điều tra phát hiện Công ty Dryden của Anh đã cho xây dựng hai nhà máy sản xuất hóa chất loại hydroxid sodium và chlorure có nồng độ thủy ngân cao sử dụng trong công nghệ tẩy trắng giấy bên cạnh sông Wabigon chảy ngang qua khu vực sinh sống của bộ tộc Grassy Narrows và White Dog. Hai nhà máy này đã xả thải trực tiếp xuống sông gần 20 tấn thủy ngân. Hậu quả là 2.650 người dân ăn cá chứa thủy ngân đã bị nhiễm độc trầm trọng. 

Hiểm họa thủy ngân lớn như vậy nhưng vì lợi nhuận người ta thường nhắm mắt bỏ qua. UNEP cho biết trong những năm gần đây, một số quốc gia tại châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh đã gia tăng hoạt động khai thác vàng do giá kim loại này trên thế giới liên tục tăng, cũng như hoạt động sản xuất nhiệt điện, xi măng, chế tạo biến thế điện, làm bóng đèn, thuộc da... thải ra lượng thủy ngân rất lớn vào môi trường sống. 

Các con số thống kê cho thấy trong vòng 100 năm qua, lượng thủy ngân đã tăng gấp hai lần trên bề mặt các đại dương, còn dưới đáy các đại dương, lượng thủy ngân cũng tăng 25%. Tính tổng thể, hiện có khoảng 260 tấn thủy ngân lẫn trong dòng nước của các sông hồ trên toàn cầu. Hệ quả là chính con người trở thành đối tượng đầu tiên phải chịu hậu quả do việc sử dụng nguồn cá biển nhiễm thủy ngân. Trong số các châu lục, châu Á là nơi thải ra lượng thủy ngân nhiều nhất, chiếm gần 50% lượng thải chất độc hại này của thế giới. 

Đã đến lúc thế giới, trực tiếp là các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà sản xuất công nghiệp, phải nhận thức rõ hiểm họa mà thủy ngân có thể gây ra với sức khỏe con người để có hành động khẩn cấp.