Hiểm họa rình rập từ việc tích trữ xăng, dầu trong nhà

ANTD.VN - “Không nên mua xăng tích trữ trong nhà, bởi hành vi này tiềm ẩn nguy cơ cháy - nổ cao, gây nguy hiểm đến tính mạng cho những người trong gia đình và cộng đồng” - Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó trưởng CAQ Bắc Từ Liêm, Hà Nội khuyến cáo.

Hàng trăm vụ cháy xảy ra trên địa bàn cả nước và TP Hà Nội trong thời gian vừa qua, đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Nguyên nhân gây ra những vụ cháy chủ yếu do người dân chủ quan, không tuân thủ quy định an toàn PCCC và thiếu ý thức tự bảo vệ tính mạng, tài sản đối với chính gia đình và cộng đồng.

Tích trữ xăng, dầu là... tự thiêu mình

Nhiều vụ cháy do người dân mua xăng về nhà tích trữ, hoặc dùng xăng, dầu dư thừa cất trong nhà vô hình trung đã đe dọa đến sự an toàn tính mạng và tài sản...

Vụ cháy cây xăng tại phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội năm 2013 đã khiến lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP mất hàng chục giờ khống chế, dập lửa

Vụ cháy tại cửa hàng kinh doanh đồ gia dụng vào cuối năm 2019, tại huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đã gây khó khăn cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH. Bởi xăng là chất làm cho cửa hàng này cháy lan nhanh và biến thành vụ cháy lớn gây bao nỗi kinh hoàng cho mọi người xung quanh. Chỉ vì chủ quan, một hộ dân đã để can xăng 20 lít trong nhà. Khi chuẩn bị đi ngủ, chủ nhà mang đèn pin sạc cắm vào ổ điện gần can xăng. Nửa đêm, đèn no điện nhưng không tự ngắt dẫn đến chập điện, phát cháy. Lửa bùng phát lớn lúc nửa đêm và may mắn đã có người kịp thời phát hiện tri hô, nên toàn bộ 6 thành viên gồm trẻ em và người lớn trong nhà đã được cứu thoát khỏi đám cháy. Toàn bộ tài sản trong nhà biến thành tro bụi, các cấu kiện bê tông bị sức nóng làm nứt, bong tróc tường, trần nhà.

Vụ cháy gióng lên hồi chuông cảnh báo về hậu quả của việc tích trữ xăng dầu trong nhà gây cháy, nổ. Nhiều vụ cháy lớn xảy ra trong thời gian gần đây tại các nhà xưởng, đều có nguyên nhân cháy do xăng, dầu từ máy móc rò rỉ và tích trữ xăng, dầu trong nhà.

Tuy nhiên, dường như nhiều người dân vẫn chưa học thuộc bài cảnh giác, vẫn tích trữ xăng, dầu mỗi khi giá các mặt hàng thiết yếu này được Chính phủ điều chỉnh giảm. Những ngày qua, trước việc giá xăng toàn quốc hạ thấp do Chính phủ điều chỉnh để hỗ trợ người dân trong đại dịch Covid-19, thì đã có nhiều gia đình mang can đi mua xăng, dầu tích trữ. Thậm chí, ở một số tỉnh phía Tây Bắc và miền Trung - Tây Nguyên, tình trạng này diễn ra ồ ạt đã xảy ra tình trạng khan hiếm nhiên liệu cục bộ trong thời gian nhất định. Nhiều người cho rằng, việc hạ giá xăng, dầu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên họ lo lắng mua tích trữ sử dụng dần, thậm chí nhiều người tích trữ để khi hết dịch bệnh, giá xăng tăng trở lại sẽ bán để kiếm lời.

Tích trữ xăng trong nhà là hiểm hoạ cháy, nổ

Theo các lực lượng chức năng, đối với những trường hợp tích trữ hàng hóa, đặc biệt trong thời điểm cả nước đang căng mình chống dịch Covid-19, sẽ vi phạm vào quy định tích trữ hàng hóa gây khan hiếm thị trường, sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Không được tích trữ xăng, dầu

Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó trưởng CAQ Bắc Từ Liêm cho biết: “Xăng, dầu là chất dễ cháy, nổ và trong không gian hạn hẹp ở gia đình thì việc chứa xăng, dầu trong các can từ vài lít trở lên là cực kỳ nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ rất cao. Xăng có thể bốc hơi, hoặc rò rỉ khi vật chứa không an toàn và trong trường hợp này, nếu chủ nhà sơ ý hút thuốc, hoặc sử dụng lửa trần có thể gây cháy, nổ ngay lập tức, gây hậu quả khôn lường”.

Trước hiện tượng người dân đổ xô đi mua xăng, dầu về tích trữ, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH - Bộ Công an đã đưa ra khuyến cáo nhằm đảm bảo an toàn về PCCC.

Xăng dầu là loại chất nguy hiểm gây cháy, nổ cao và có tính chất lý, hóa đặc biệt, nếu được tích trữ trong các can nhựa hoặc thiết bị chứa không phù hợp, với đặc tính của xăng dầu thì rất dễ dẫn đến hiện tượng bị hư hỏng hoặc do va đập làm vỡ, thủng thiết bị chứa, dẫn đến rò rỉ xăng dầu ra ngoài tạo thành môi trường nguy hiểm gây cháy, nổ, đặc biệt là trong không gian kín, hẹp.

Người dân mang can nhựa đi mua xăng tích trữ là cực kỳ nguy hiểm

Tại các hộ gia đình, việc bảo quản xăng dầu thường đặt chung cùng các vật dụng khác ở các khu vực tầng hầm, hoặc tầng 1 của nhà (có thể đặt ngoài hoặc cùng khu vực ở). Các khu vực này thường không được ngăn cách độc lập với khu vực xung quanh và không có thiết bị điện chuyên dụng đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ. Nhiều người dân chưa nắm rõ về tính chất cháy, nổ của xăng, dầu; chưa ý thức hết được những tình huống mang tính nguy hiểm có thể xảy ra của việc tồn chứa xăng, dầu trong nhà, dẫn đến có tình trạng sử dụng nguồn lửa, nhiệt gần khu vực tồn chứa xăng, dầu gây cháy, nổ...

Khi tồn chứa xăng, dầu không an toàn có thể dẫn đến sự cố cháy hoặc nổ. Đám cháy lan rất nhanh (vận tốc cháy lan theo bề mặt có thể đạt đến trên 40m/ phút), tỏa ra nhiều khói, chất độc gây nguy cơ tử vong cho người trong nhà rất cao, đồng thời gây khó khăn cho công tác chữa cháy, CNCH.

Cùng với những thiệt hại do cháy, nổ gây ra đối với các gia đình thì người dân (chủ gia đình) có thể phải chịu trách nhiệm hình sự với những hậu quả do hành vi tích trữ xăng, dầu không đảm bảo an toàn gây hậu quả nghiêm trọng.

Để người dân tránh được hiểm họa, gây mất an toàn về PCCC trong việc tích trữ xăng dầu, Giám đốc CATP Hà Nội đã yêu cầu lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP chủ động có biện pháp tuyên truyền, khuyến cáo người dân chỉ mua xăng, dầu vừa đủ với nhu cầu sử dụng, không tích trữ tại nhà để bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe cho gia đình và cộng đồng.

Trường hợp hộ gia đình nào đã tích trữ xăng, dầu cần có biện pháp bảo quản an toàn như: Phải bảo quản trong khu vực độc lập (kho riêng), tuyệt đối không tồn chứa xăng dầu trong khu vực có người ở; khu vực tồn chứa xăng, dầu phải tránh ánh nắng trực tiếp, nhiệt độ cao và thông thoáng để giảm sự bốc hơi, tích tụ của hơi xăng dầu; có biện pháp ngăn xăng, dầu, tràn ra ngoài, cách xa nguồn sinh lửa (bếp đun, đốt rác…), nguồn nhiệt; các thiết bị điện (công tắc, bóng đèn…) trong khu vực chứa xăng dầu phải đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ bị chập, cháy, phát sinh tia lửa…; ngăn cách và cảnh báo để trẻ em và người khác không tiếp cận được khu vực tồn chứa xăng dầu; trong trường hợp đã tích trữ số lượng lớn xăng, dầu và khi phát hiện các nguy cơ dẫn đến cháy, nổ (nguy cơ cháy các công trình liền kề, cháy rừng có nguy cơ lan đến khu vực đó…) thì nhanh chóng liên hệ với chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng, hoặc đơn vị kinh doanh xăng dầu để có biện pháp xử lý phù hợp, nhằm giảm nguy cơ cháy, nổ.