Hiểm họa khi xem sừng tê giác là thuốc tiên chữa bách bệnh

ANTĐ - Nhiều người đã và đang tin rằng, sừng tê giác là thuốc tiên trị được bách bệnh, nhất là ung thư, liệt dương… nên không ngần ngại bỏ ra nhiều tiền để săn lùng cho bằng được. Công dụng thì chưa thấy đâu, mà có khi “tiền mất, tật mang”.
Hiểm họa khi xem sừng tê giác là thuốc tiên chữa bách bệnh ảnh 1
Sừng tê giác không phải là "thần dược" như nhiều người đã nghĩ


Tính bằng vàng, đô la vì đồn đại

Chị Vân (kế toán, Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) vừa đưa mẹ đi khám tổng thể thì tá hỏa, khi được các bác sỹ cho biết bà bị ung thư dạ dày giai đoạn hai. Không dám nói rõ sự thật cho mẹ biết, chị viện cớ khác và làm các thủ tục để bà nhập viện. Nghe bạn bè mách uống nước mài sừng tê giác có thể làm cản trở sự phát triển của khối u, bản thân chị không tin vào loại “thuốc tiên” này nhưng nghĩ “còn nước còn tát”, vì sự sống của mẹ và giải quyết tâm lý cho gia đình, nên chị cũng cố gắng hỏi người này người kia tìm mua giúp.

Chị còn nhờ anh bạn học cùng phổ thông, hiện đang định cư ở Đức tìm kiếm hộ, chi phí thế nào không là điều quan trọng. Nhưng sau khi uống nước mài sừng tê giác được 3 tuần thì khối u của mẹ chị phát triển nhanh chóng. Các bác sỹ đã khuyên không nên cho mẹ chị tiếp tục uống nước mài sừng tê giác trong khi đang trị liệu theo các phương pháp Tây y; hơn nữa chưa có bằng chứng khoa học cụ thể nào khẳng định rằng sừng tê giác chữa được ung thư.

Nếu đánh 6 chữ: “tác dụng của sừng tê giác” trên thanh công cụ tìm kiếm của Google sẽ cho ra khoảng 260.000 kết quả (0,28 giây). Đã có không ít những bài viết về sự thực tác dụng của sừng tê giác, khẳng định, sừng tê giác không là sản phẩm trị bách bệnh như nhiều người đồn đại. Việc tìm mua nó tiêu tốn cả nghìn đô la Mỹ, thậm chí hơn thế.

Sừng tê giác cũng rất hiếm, nếu không biết cách mua và nhận dạng được đúng, thì người dùng rất dễ mua phải hàng giả, hàng nhái kém chất lượng, hậu quả khôn lường.

Tiền mất, tật mang

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS. Phùng Hòa Bình, Trưởng Bộ môn Dược học cổ truyền, Trường Đại học Dược Hà Nội cho biết: Về mặt Đông y, theo các tài liệu y văn cổ thì các cụ ta ngày xưa sử dụng sừng tê giác với tác dụng thanh nhiệt lương huyết (loại trừ các nhiệt độc, nhiệt có hại ra khỏi cơ thể, làm mát máu), nó có vị đắng, tính hàn và được sử dụng trong điều trị các chứng kinh phong, kinh giải (sốt cao, co giật, uốn ván, động kinh…) bằng cách mài sừng tê giác để pha nước uống. Một số thầy thuốc đã thay sừng tê giác bằng sừng trâu (loại dược liệu dễ kiếm, hầu như có sẵn ở khắp các vùng nông thôn và đã được sử dụng làm thuốc từ hàng nghìn năm nay) bởi có nhiều tác dụng tương đồng và bảo vệ loài động vật tê giác quý hiếm hiện đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Khoa học hiện nay chưa có một bằng chứng nào nghiên cứu về tác dụng của sừng tê giác. Xét về thành phần hóa học thì cấu tạo của sừng tê giác chủ yếu là chất sừng giống như tóc và móng tay con người (keratin – bản chất là protit, khi thủy phân sẽ cho ra axit amin, thực sự làm các phép thử thì kết quả cho thấy chúng chưa có tác dụng, không có tác dụng bổ cho sức khỏe), canxi cacbonat, canxi photphat, nước chiết có phản ứng ancaloit.

Theo PGS.TS Bình thì trên thực tế, rất hiếm người thầy thuốc nào có sừng tê giác để chữa bệnh bởi nó rất quý, rất hiếm và khó được kiểm chứng là thật hay giả. Nếu nó có tác dụng cũng chỉ là chữa một số triệu chứng (như trên đã nói) và như vậy thì Tây y có rất nhiều loại thuốc thay thế, tác dụng còn tốt hơn. Việc khẳng định sừng tê giác có tác dụng chữa được ung thư là hoàn toàn chưa có căn cứ. Bệnh ung thư nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách bằng các biện pháp chữa trị của Tây y hiện nay mang lại hiệu quả rất cao. Do đó, gia đình người bệnh không nên nghe theo những chỉ dẫn vô căn cứ, áp dụng các biện pháp không có cơ sở khoa học, vừa tốn tiền lại vừa bỏ qua cơ hội được chữa trị sớm.

Hơn nữa, hiện nay, sừng tê giác trên thị trường Việt Nam đa phần có nguồn gốc từ Nam Phi. Tại Nam Phi, để bảo vệ loài động vật này, người ta đã tiêm chất độc vào sừng (nhưng không gây tác hại tới con vật), cụ thể là chất ectoparasiticides, gây độc với con người, gây ra chứng buồn nôn, nôn mửa, co giật… Những chiếc sừng tê giác được lấy trộm từ bảo tàng, mang ra thị trường tiêu thụ đều chứa nhiều chất bảo quản rất độc với con người, nếu sử dụng thì hậu quả khôn lường.

Hiểm họa khi xem sừng tê giác là thuốc tiên chữa bách bệnh ảnh 2
Việc săn lùng loại “thuốc tiên” này đã và đang khiến cho loài tê giác rơi vào nguy cơ tuyệt chủng

Gián tiếp làm tê giác tuyệt chủng

Cũng theo PGS.TS Bình, sở dĩ giá sừng tê giác đắt, được tính bằng tiền vàng và đô la (khoảng 25.000 đô la Mỹ/kg, 130 triệu đồng/100 gram sừng tê giác – mức giá không ổn định mà liên tục thay đổi) cũng bởi tâm lý của người dân Việt Nam. Những lời đồn thổi sừng tê giác chữa được ung thư, nhất là khi tỷ lệ mắc ung thư tại Việt Nam ngày càng cao, khiến cho những gia đình có điều kiện kinh tế một chút đều cố gắng tìm mua bằng được, với hi vọng “còn nước còn tát”.

Hoặc nếu không họ cũng mua về - tâm lý dự phòng - phòng hơn chữa bệnh: ung thư, viêm gan B, giúp tráng dương bổ thận… Đặc biệt là một số bộ phận có tiền của và địa vị trong xã hội, tìm mua để sở hữu sừng tê giác để thể hiện đẳng cấp (ví dụ như khi khách quý đến nhà, lấy rượu có pha với sừng tê giác đã mài ra để mời khách…).

Chính vì những điều trên làm cho khá nhiều người tìm kiếm loại “thuốc tiên” này và gián tiếp khiến cho loài tê giác rơi vào nguy cơ tuyệt chủng, biến mất trên trái đất. PGS.TS Bình bày tỏ, việc bảo vệ các loài động vật quý hiếm là điều hết sức cần thiết. Chúng ta có thể sử dụng các loại thuốc Đông y, Tây y khác để thay thế dược phẩm có nguồn gốc từ động vật. Việc làm này vừa thể hiện nét văn minh của loài người, vừa góp phần bảo tồn thiên nhiên.

1. Qua kết quả nghiên cứu lâm sàng tiến hành trên 3.270 bệnh nhân tại 50 đơn vị nghiên cứu ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân và Quảng Đông (Trung Quốc), các nhà khoa học Trung Quốc đã khẳng định, việc sử dụng sừng trâu và sừng tê giác cho kết quả điều trị cơ bản như nhau đối với 30 loại bệnh: viêm não B, trẻ nhỏ sốt nóng trong mùa hè, ban xuất huyết do giảm tiểu cầu, thần kinh phân liệt…

2. Sự thật là tê giác đã bị tuyệt chủng ở Việt Nam từ năm 2010. Tại Nam Phi hiện nay, mỗi ngày có 2 con tê giác bị giết trộm để lấy sừng, đặt tê giác bên bờ đe dọa tuyệt chủng. Từ đầu năm 2013 đến nay, hơn 580 con tê giác bị bắn trộm ở Nam Phi để lấy sừng. Việt Nam là nơi mang tiếng tiêu thụ nhiều sừng tê giác nhất thế giới.

(Theo “Thực hư về sừng tê giác” – GS.TS.NGND. Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam)