Hi hữu: Hai lần không đỗ đại học vì trường nâng điểm chuẩn đánh trượt thí sinh

ANTD.VN - Việc trường ĐH nâng điểm chuẩn để không mở ngành đào tạo quá có ít thí sinh đã khiến cho thí sinh N.M.Q. 2 năm liền không đỗ vào Sư phạm Vật lý ĐH Đồng Nai dù đạt 22,3 điểm.

Trong khi trường ĐH Đồng Nai thừa nhận nâng điểm chuẩn để đánh trượt thí sinh vào Sư phạm Lịch sử và Vật lý thì N.M.Q, thí sinh 2 năm liền đăng ký vào Sư phạm Vật lý trường này đã chính thức trượt ĐH vì không thể đạt mức điểm khống cao chót vót của trường này.

N.M.Q. cho biết em đăng ký 3 nguyện vọng vào ngành sư phạm Vật lý của trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh (nguyện vọng 1), trường ĐH Sài Gòn (nguyện vọng 2) và trường ĐH Đồng Nai (nguyện vọng 3).

Đạt 22,3 điểm, N.M.Q. cho rằng cơ hội chắc chắn vào được ĐH Đồng Nai vì căn cứ vào mức điểm trước đây của trường thì chỉ cần trên dưới 20 điểm là đủ điểm trúng tuyển.

Thí sinh 2 năm liền trượt oan vì mức điểm chuẩn bị tăng khống để tránh mở lớp của ĐH Đồng Nai

Tuy nhiên, khi được biết điểm chuẩn vào Sư phạm Vật lý của trường lên tới 24,7 thì N.M.Q. đã hết hy vọng cho cả 3 nguyện vọng trong đợt 1 tuyển sinh ĐH. Đáng nói là năm 2018, thí sinh này cũng đăng ký xét tuyển vào Sư phạm Vật lý ĐH Đồng Nai.

N.M.Q. đã không được theo học ngành này vì trường không tuyển đủ số lượng sinh viên để mở lớp. Q. được nhà trường thông báo cho đổi sang nguyện vọng khác của trường và chọn Sư phạm Toán.

Do nguyện vọng cá nhân yêu thích môn Vật lý nên Q. đã nghỉ học để quyết tâm thi lại vào Sư phạm Vật lý năm 2019. Đền thời điểm này, Q. không biết mình còn cơ hội trúng tuyển nữa hay không vì 3 nguyện vọng đợt 1 đều đã trượt, trong đó oan nhất là nguyện vọng vào ĐH Đồng Nai.

Trước việc một số trường ĐH dùng biện pháp tăng điểm chuẩn để đánh trượt thí sinh, có ý kiến cho rằng các trường này không vi phạm hạ điểm đầu vào tức là không sai so với quy chế tuyển sinh. Ý kiến này cũng cho rằng việc các trường không tuyển sinh là đúng vì nếu cứ cố duy trì việc đào tạo một vài thí sinh thì gây lãng phí công sức, tiền của và không phải là biện pháp tốt nhất cho những thí sinh này.

Tuy nhiên, không phải thí sinh nào cũng có nhiều cơ hội lựa chọn sau khi trượt oan với những ngành bị nâng khống điểm chuẩn. Khi mở ra một ngành tuyển sinh, nhà trường cần có kế hoạch chuẩn bị cho mọi tình huống để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của thí sinh thay vì gạt thí sinh ra theo cách của mình.

Trước đó, phát biểu tại hội nghị về công tác tuyển sinh 2019 và thực hiện luật sửa đổi bổ sung một số điều giáo dục đại học ngày 17/7, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết các trường đại học không đủ điều kiện mở lớp, cần chủ động thông báo cho thí sinh để các em thay đổi nguyện vọng, tránh trình trạng tự động nâng điểm chuẩn cao để đánh trượt sĩ tử như năm 2018.